Một cảng biển Việt Nam nhảy 10 bậc trong top 50 cảng lưu thông hàng hóa lớn nhất thế giới chỉ trong 1 năm
Hiện nay, Việt Nam có 34 cảng biển đang hoạt động. Trong đó, một cảng biển Việt Nam nhảy 10 bậc trong top 50 cảng lưu thông hàng hóa lớn nhất thế giới chỉ trong 1 năm.
Tạp chí hàng hải Lloyd's List (Anh) đã đưa ra bảng xếp hạng 100 cảng container năm 2022 có lưu lượng hàng hóa qua cảng lớn nhất thế giới. Trong đó, Việt Nam có 3 cảng ở trong danh sách này, đó là cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh) và cảng Cái Mép. Đây đều là những cảng biển cũng được Lloy's List đánh giá có tốc độ tăng trưởng tốt.
Theo bảng xếp hạng Lloyd's List, cảng Sài Gòn xếp thứ 22 với sản lượng thông qua là 7,9 triệu Teus trong năm 2021 và tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 1,3% so với năm 2020. Theo Lloyd's List, Việt Nam có thể phát triển để nằm trong một chuỗi cung ứng chiến lược với cảng biển Sài Gòn. Cùng với đó, tương lai của cảng Sài Gòn có thể mở rộng hơn nữa và khu vực này cũng đang có những thay đổi quan trọng.
Lloyd's List cho biết, cảng biển Hải Phòng giữ vị trí thứ 28, có sản lượng hàng năm 2021 đạt 5,69 triệu Teus, tăng trưởng khoảng 10,8% so với năm đại dịch 2020. Theo đó, tốc độ tăng trưởng về sản lượng hàng hóa của cảng biển Hải Phòng năm 2021 đã tăng gấp đôi so với năm 2012.
Hiện nay, nhiều tuyến tàu container kết nối trực tiếp từ Hải Phòng đi các nước châu Á và Mỹ đã được hình thành. Hơn nữa, cảng Hải Phòng cũng phát triển nhiều tuyến dịch vụ mới xuất phát trong thời gian qua như tuyến từ Việt Nam đến bờ Tây nước Mỹ, từ Việt Nam tới Tây Ấn Độ…
Top 10 cảng biển có lưu lượng hàng hóa qua cảng lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Nguồn: Lloy's List.
Theo Lloy's List, cảng biển Cái Mép ở vị trí thứ 32, có lượng hàng thông qua đạt 5,38 triệu Teus vào năm 2021. Cảng Cái Mép được nhận định là điểm sáng tại khu vực Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng sau đại dịch khoảng 22%.
Đặc biệt, theo dữ liệu của Lloy's List, cảng Cái Mép đã tăng 10 bậc trong top 50 cảng lưu thông hàng hóa lớn nhất thế giới, từ vị trí thứ 42 lên vị trí thứ 32 chỉ trong 1 năm. Theo đó, Cái Mép là cảng biển có độ nhảy thứ hạng lớn nhất trong top 50 cảng lưu thông hàng hóa lớn nhất thế giới năm 2022.
Lloy's List cho biết, sự tăng trưởng ấn tượng của cảng Cái Mép có được sau khi Cái Mép có thêm cảng Gemalink đi vào hoạt động.
Tại Cái Mép, Cảng quốc tế Tân Cảng-Cái Mép (TCIT) đã thông qua hơn 2 triệu Teus trong 2 năm liên tiếp và đón những chuyến tàu lớn. Trong khi đó, Cảng Quốc tế Cái Mép CMIT lại đón những chuyến tàu của các hãng tàu lớn thế giới như Maersk Lines, Cosco, OOCL… với trọng tải tàu có thể tiếp nhận lên tới hơn 200.000 DWT.
Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) có diện tích đạt 48 ha. Cảng có cầu cảng dài 600 m, có khả năng đón các tàu container có trọng tải lớn đạt 160.000 DWT.
Theo Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, CMIT có thể cung cấp các dịch vụ chất lượng cao cho các hãng tàu và khách hàng với thời gian nhanh nhất, thông qua các tuyến vận chuyển quốc tế trực tiếp từ Việt Nam đến các thị trường lớn như châu Á, châu Âu và châu Mỹ.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 48/69 cảng đang hoạt động, với tổng công suất thiết kế đạt 155,7 triệu tấn/năm. Trong đó, tỉnh đang có 7 dự án cảng container lớn với công suất 6,8 triệu TEUs/năm.
Để phát huy lợi thế về cảng biển, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã huy động vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nhằm nối liền các cảng nước sâu, kết nối giao thông đường bộ, đường biển với các tỉnh trong vùng trọng điểm phía Nam.
Cùng với đó, tỉnh thực hiện quy hoạch và xây dựng hệ thống các khu công nghiệp gắn với cảng biển. Tính đến nay, Bà Rịa - Vũng Tàu có 15 khu công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 8.510ha.
Bà Rịa – Vũng Tàu là tỉnh có lợi thế về tài nguyên biển. Theo UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tài nguyên biển của Bà Rịa - Vũng Tàu rất thuận lợi cho phát triển vận tải biển, hệ thống cảng, du lịch và công nghiệp khai thác, chế biến hải sản.
Minh Tiến
Tổ quốc