Hội nghị Báo chí Thế giới 2025 kêu gọi các công ty AI hợp tác để bảo vệ tin tức
Hàng nghìn cơ quan báo chí trên toàn thế giới đã tham gia một sáng kiến do Liên minh Phát thanh Truyền hình Châu Âu (EBU) và Hiệp hội Báo chí Thế giới (WAN-IFRA) khởi xướng tại Hội nghị Báo chí Thế giới 2025.
Sáng kiến mang tên “Tính Trung Thực của Tin Tức trong Kỷ Nguyên AI”, đề xuất năm nguyên tắc cốt lõi để xây dựng một bộ quy tắc hợp tác giữa các cơ quan báo chí và các công ty công nghệ. Mục tiêu là đối phó với khủng hoảng thông tin sai lệch và bảo vệ giá trị của các nguồn tin tức đáng tin cậy.
Sáng kiến được công bố tại Hội nghị Báo chí Thế giới 2025, diễn ra từ ngày 4 đến 6/5 tại Kraków, Ba Lan. Bà Delphine Ernotte, Chủ tịch EBU, nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng cần chủ động định hình tương lai bằng cách tập trung vào đổi mới, con người, giá trị công chúng và trách nhiệm đối với hệ sinh thái truyền thông. Để AI mang lại lợi ích cho tất cả, cần có sự hợp tác giữa các cơ quan báo chí, công chúng, nhà hoạch định chính sách và công ty công nghệ”.
Hội nghị Báo chí Thế giới 2025 tại Kraków. Ảnh: X/NowikMariusz
Bà Ladina Heimgartner, Chủ tịch WAN-IFRA, cho biết: “Các tổ chức coi sự thật và thông tin chính xác là nền tảng của dân chủ cần cùng ngồi lại để định hình kỷ nguyên tiếp theo. Chúng ta chỉ có thể thành công nếu cùng nhau hành động”.
Năm nguyên tắc được công bố bao gồm:
- Nội dung tin tức chỉ được sử dụng trong các mô hình và công cụ AI tạo sinh khi có sự cho phép của đơn vị sản xuất.
- Giá trị của nội dung tin tức cập nhật, chất lượng cao cần được công nhận công bằng khi được sử dụng để mang lại lợi ích cho bên thứ ba.
- Độ chính xác và nguồn gốc tin tức phải rõ ràng; nguồn tin gốc trong nội dung do AI tạo ra cần được công khai và dễ tiếp cận.
- Tận dụng sự đa dạng của các cơ quan báo chí sẽ mang lại lợi ích lớn cho các công cụ AI.
- Mời các công ty công nghệ tham gia đối thoại chính thức với các tổ chức tin tức để phát triển các tiêu chuẩn về an toàn, chính xác và minh bạch.
Sáng kiến nhận được sự ủng hộ từ nhiều tổ chức quốc tế, bao gồm Hiệp hội Phát thanh Truyền hình Bắc Mỹ (NABA), Liên minh Tin tức Mỹ Latinh (AIL), Liên minh Phát thanh Châu Á - Thái Bình Dương (ABU) và Hiệp hội Truyền thông FIPP. Các tổ chức này đại diện cho hàng ngàn cơ quan truyền thông công và tư nhân, cung cấp tin tức qua phát thanh, báo in và nền tảng trực tuyến trên khắp các châu lục.
Bà Ernotte nhấn mạnh: “Tính trung thực của tin tức chưa bao giờ quan trọng hơn trong việc giữ cho công chúng được thông tin và nền dân chủ lành mạnh”. Trong khi đó, bà Heimgartner khẳng định rằng một không gian truyền thông hoạt động hiệu quả, mang lại giá trị cho xã hội, là tài sản chung cần được hỗ trợ và khuyến khích.
Sáng kiến này ra đời trong bối cảnh AI đang thay đổi nhanh chóng cách tin tức được sản xuất và tiêu thụ. Các mô hình AI tạo sinh, như chatbot hay công cụ tạo nội dung, có thể sử dụng dữ liệu từ các nguồn tin tức mà không xin phép, dẫn đến nguy cơ lan truyền thông tin sai lệch hoặc làm giảm giá trị của báo chí chuyên nghiệp.
Hội nghị Báo chí Thế giới 2025 tại Kraków là sự kiện thường niên lớn nhất của ngành truyền thông, thu hút hơn 950 lãnh đạo báo chí từ hơn 60 quốc gia, cung cấp nền tảng để thảo luận về các thách thức và cơ hội trong ngành.
Việc EBU và WAN-IFRA dẫn đầu sáng kiến này phản ánh vai trò quan trọng của báo chí trong việc định hình tương lai của AI, đảm bảo công nghệ phục vụ lợi ích công chúng mà không làm tổn hại đến tính trung thực của thông tin.