• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hải quan thế giới và việc thực thi Nghị quyết Liên Hợp Quốc về ngăn chặn vũ khí huỷ diệt hàng loạt

Tổ chức Hải quan thế giới tái khẳng định cam kết của các quốc gia thành viên trong ngăn chặn các chuyến hàng có khả năng biến thành vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Ngày 17/5, theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, nhân dịp Kỷ niệm 20 năm ngày thông qua Nghị quyết số 1540 năm 2004 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSCR 1540), Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) tái khẳng định cam kết tăng cường năng lực của các quốc gia thành viên liên quan đến nghĩa vụ ngăn chặn các chuyến hàng có khả năng biến thành vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Nghị quyết số 1540 được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua vào ngày 28/4/2004, trong bối cảnh nguy cơ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt đã trở thành một vấn đề toàn cầu, đe dọa hòa bình, ổn định của thế giới và tương lai phát triển của nhân loại. Nghị quyết yêu cầu các chính phủ phải hành động để ngăn chặn các chủ thể phi nhà nước có được vũ khí hủy diệt hàng loạt (vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học và vũ khí sinh học).

Phát biểu nhân dịp Kỷ niệm 20 năm ngày thông qua Nghị quyết số 1540, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đã có phát biểu về những nguy cơ và đe dọa đến từ một thế hệ vũ khí hủy diệt hàng loạt mới dễ tiếp cận và sử dụng đơn giản hơn vì những tiến bộ công nghệ, đồng thời kêu gọi các nước tăng cường, nỗ lực hợp tác cùng nhau và tăng cường hành động quốc gia để thực hiện Nghị quyết một cách khẩn trương và đầy đủ. Nhân dịp này, Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) cũng tái khẳng định cam kết tăng cường năng lực của các quốc gia thành viên liên quan đến nghĩa vụ ngăn chặn các chuyến hàng có khả năng biến thành vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Hải quan đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết số 1540 do là cơ quan có thẩm quyền và trách nhiệm duy nhất trong việc giám sát và kiểm soát các luồng hàng hóa, con người và phương tiện vận chuyển xuyên biên giới. Năm 2014, WCO đã triển khai Dự án Thực thi Kiểm soát Thương mại Chiến lược (STCE) với mục tiêu nhằm bảo vệ xã hội khỏi việc mua bán vũ khí và hàng hóa chiến lược xuyên quốc gia được sử dụng để phát triển hoặc cung cấp chúng thành vũ khí.

Dự án được triển khai năm 2014 và chuyển thành Chương trình vào năm 2016 đã hướng dẫn và hỗ trợ việc thực thi các biện pháp kiểm soát thương mại chiến lược, việc phát triển và xem xét các quy trình và thủ tục thương mại chiến lược, cung cấp một khuôn khổ đào tạo về kiểm soát thương mại chiến lược, cho phép cơ quan hải quan trực tiếp đối mặt với thách thức không phổ biến vũ khí hạt nhân và thực hiện nội dung liên quan đến Hải quan trong trách nhiệm mà Nghị quyết số 1540 bắt buộc các quốc gia phải thực hiện.

Chương trình STCE yêu cầu các cơ quan nhà nước thực sự vào cuộc, trong đó Hải quan đóng vai trò thiết yếu. STCE được xây dựng trên nền tảng các năng lực cốt lõi của Hải quan như đánh giá rủi ro, xác định mục tiêu, thanh tra và kiểm toán. Qua đó, Hải quan với chức năng nhiệm vụ đảm bảo rằng việc vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới tuân thủ luật pháp và quy định của quốc gia, hoặc phát hiện, kiểm tra và ngăn chặn các lô hàng vi phạm pháp luật. Chương trình STCE đang nỗ lực thu hút sự tham gia của các cơ quan hải quan thành viên bằng cách tiếp cận với các nhà hoạch định chính sách cũng như cán bộ điều hành cấp cao để giúp thiết lập và đảm bảo tính bền vững của yếu tố an ninh trong hoạt động của cơ quan hải quan, được nêu bật trong Nghị quyết của WCO Punta Cana năm 2015.

Chương trình STCE là một phần trong danh mục an ninh của WCO giúp các thành viên trên toàn thế giới mong muốn áp dụng và duy trì các biện pháp kiểm soát thương mại chiến lược quốc gia. Trong suốt những năm qua, Chương trình đã phát triển để giải quyết những thách thức khu vực và toàn cầu mới nổi, cũng như giải quyết các yêu cầu của các thành viên WCO.

Ngày nay, Chương trình có phạm vi tiếp cận rộng rãi, không chỉ hợp tác với nước thành viên mà còn với các tổ chức đối tác. Một trong những đối tác bên ngoài đáng chú ý nhất của WCO là Văn phòng Liên Hợp Quốc về Giải trừ quân bị (UNODA). Theo Biên Bản ghi nhớ được ký năm 2016, hai Tổ chức ngày đã và đang hỗ trợ lẫn nhau trong việc xây dựng các kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 1540 và thực hiện các sự kiện nâng cao nhận thức chung, thường là bước đệm để các quốc gia tiến lên, đẩy mạnh hoặc khởi động những nỗ lực liên quan đến việc thực thi Nghị quyết số 1540.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết