• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hải Phòng: 70 năm thành phố anh hùng “Trung dũng - Quyết thắng”

Suốt 70 năm qua, với truyền thống “Trung dũng, Quyết thắng”, Hải Phòng luôn tiên phong đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước. Với khát vọng vươn lên trở thành thành phố đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước, mới đây Hải Phòng lại vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Thành phố Anh hùng”.

Những dấu son trong chiến đấu và sản xuất

Ngày 13/5/1955, Hải Phòng hoàn toàn giải phóng. Đây là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng, đánh dấu mốc son chói lọi trong sự nghiệp cách mạng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.

70 năm qua là giai đoạn đã chứng kiến và ghi dấu biết bao biến đổi to lớn về vùng đất, con người, kinh tế, xã hội của thành phố cảng Hải Phòng.

Trong những năm 1955 - 1965, Hải Phòng là nơi triển khai thực hiện những phong trào thi đua yêu nước, nơi khởi nguồn của phong trào thi đua “Sóng Duyên Hải” trong sản xuất công nghiệp; cũng là nơi mở đầu của phong trào thi đua xây dựng tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa ở Miền Bắc.

Đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cùng các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và thành phố tham quan tàu tuần tra và tàu chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ Hải Phòng 01.

Đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cùng các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và thành phố tham quan tàu tuần tra và tàu chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ Hải Phòng 01

Để chi viện cho chiến trường Miền Nam, Bến K15 được xây dựng. Đây là nơi xuất phát bí mật của những con tàu "không số", nơi khởi đầu bản hùng ca trên biển: Con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, trở thành biểu tượng tự hào của dân tộc, là hiện thân của ý chí khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc.

Rất nhiều sĩ quan, thủy thủ của những con tàu “không số” là những người con ưu tú của Hải Phòng. Trong những năm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã 9 lần về thăm Hải Phòng. Những lời dạy của Người mãi mãi là di sản quý báu, soi đường cho Hải Phòng phát triển hôm qua, hôm nay và mãi mai sau.

Nhớ lại thời khắc ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xúc động viết: “Trải qua tủi nhục hơn 80 năm, nay Hải Phòng đã vươn mình dậy, giải phóng. Khắp phố phường cờ đỏ sao vàng tung bay rực rỡ như hoa nở mùa xuân…”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác Chính phủ về làm việc với Hải Phòng

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác Chính phủ về làm việc với Hải Phòng

Những năm 1965 - 1975, Hải Phòng là trọng điểm đánh phá của máy bay, tàu chiến Mỹ. Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng đã phát huy cao độ truyền thống “Trung dũng - Quyết thắng” để chiến đấu và chiến thắng, bắn rơi 317 máy bay Mỹ, phá thế bao vây, phong tỏa cảng bằng thủy lôi của kẻ thù, đảm bảo mạch máu giao thông vận tải thông suốt trong mọi tình huống.

Trong những năm tháng chiến tranh, hàng vạn người con ưu tú của Hải Phòng đã “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, biết bao người đã nằm lại với đại ngàn Trường Sơn, hóa thân vào đất Mẹ. Tổ quốc muôn đời tri ân sự hy sinh cao cả đó.

Năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã thắng lợi hoàn toàn, non sông liền một dải. Ghi nhận những đóng góp to lớn của Đảng bộ, quân và dân thành phố, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng Huân chương Sao Vàng vào năm 1976.

Cầu Hoàng Văn Thụ, Hải Phòng

Cầu Hoàng Văn Thụ, Hải Phòng

Trong những năm 1976 - 1985, Hải Phòng cùng cả nước thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hải Phòng là nơi khởi nguồn cơ chế khoán sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp; được Trung ương tin tưởng giao thí điểm các chủ trương đổi mới quản lý sản xuất công nghiệp, mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế, thí điểm thực hiện cơ chế giá sát với giá thị trường, tổng kết thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Những bước đi, cách làm sáng tạo đó của Hải Phòng đã góp phần hình thành đường lối đổi mới toàn diện của Đảng.

Hải Phòng - thành phố của những cây cầu

Trong những năm đầu đổi mới, Hải Phòng rạng danh cả nước với bài thơ “Mừng Hải Phòng” của nhà thơ Tố Hữu, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng: “Bốn cống, ba cầu, năm cửa ô! / Đào sông, lấn biển, dựng cơ đồ...”.

Cầu Rào 1 mới được xây dựng lại

Cầu Rào 1 mới được xây dựng lại

Khi đó, thành phố Hải Phòng mới xây dựng được cầu Rào, cầu Niệm và cầu An Dương - 3 công trình cầu được xem là vĩ đại và lớn lao tại thời điểm đó. Giờ đây, Hải Phòng đã trở thành thành phố của gần 100 cây cầu lớn nhỏ với đủ kiểu dáng thiết kế. Nhiều cây cầu rộng, dài và hiện đại gấp nhiều lần 3 cây cầu kể trên đã đua nhau mọc lên trên thành phố cảng với tốc độ nhanh ngoài sức tưởng tượng.

Chỉ trên dòng sông Cấm nối giữa các quận nội thành với huyện Thủy Nguyên giờ đây đã có tới 5 cây cầu hiện đại như: Cầu Kiền, cầu Bính, cầu Hoàng Văn Thụ, cầu Nguyễn Trãi, cầu Hoàng Gia đã và đang được xây dựng với vốn đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2015 - 2025, Hải Phòng đã và đang xây dựng mới gần 100 cây cầu cùng hàng trăm km đường giao thông với tổng vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng. Những tuyến đường rộng mở, vươn dài cùng những cây cầu nghìn tỷ lung linh in bóng trên các dòng sông Cấm, Lạch Tray, Bạch Đằng, Văn Úc, Thái Bình... đã trở thành biểu tượng cho sự phát triển mạnh mẽ của thành phố cảng. Tất cả các bến phà xưa đều được thay thế bằng cầu, thậm chí không phải một mà bằng nhiều cây cầu để tăng tốc trong phát triển kinh tế và mở rộng không gian đô thị.

Trung tâm Hành chính, chính trị mới của Hải Phòng tại Khu đô thị Bắc Sông Cấm, Thuỷ Nguyên

Trung tâm Hành chính, chính trị mới của Hải Phòng tại Khu đô thị Bắc Sông Cấm, Thuỷ Nguyên

Trên tuyến đường bộ “huyết mạch” trong nội đô Hải Phòng để vận chuyển hàng hóa từ các cảng biển Hải Phòng đi khắp các địa phương trong cả nước qua quốc lộ 5, quốc lộ 10, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, hàng loạt các cầu vượt qua các “nút thắt” giao thông, gắn với nguy cơ “tử thần” về mức độ nguy hiểm đã được thành phố quyết tâm xây dựng “thần tốc” với thời gian hoàn thành chỉ tính bằng tháng. Các cầu đều được bố trí hệ thống chiếu sáng nghệ thuật hiện đại đã tạo lên những điểm nhấn cảnh quan khiến thành phố Cảng càng trở lên lung linh, rực rỡ về đêm.

Trong đó, cây cầu tạo nên “điểm nhấn” trong phát triển của thành phố cảng phải kể đến cầu Tân Vũ - Lạch Huyện. Với chiều dài 5,4km, đây được xem là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam được hoàn thành năm 2017 với tổng đầu tư gần 12 nghìn tỷ đồng. Cây cầu đã rút ngắn thời gian đi từ bán đảo Đình Vũ sang đảo Cát Hải từ 1 giờ đồng hồ xuống còn 5 phút.

Hải Phòng hướng đến là một thành phố tiêu biểu của Châu Á

Cùng với cơ sở hạ tầng giao thông, các công trình phúc lợi như: Điện, đường, trường, trạm và phong trào xây dựng Nông thôn mới, Nông thôn mới kiểu mẫu đã được Hải Phòng đầu tư bình quân trên 100 tỷ đồng/xã... đã đưa các vùng quê trở thành những thị tứ hiện đại, văn minh, đáng sống.

Khu cụm cảng Container Hải Phòng

Khu cụm cảng Container Hải Phòng

Hiện nay, Hải Phòng có sự chuyển mình mạnh mẽ, có nhiều chính sách đột phá, ghi nhiều dấu ấn nổi bật trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt trong hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, Hải Phòng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, luôn nằm trong tốp dẫn đầu cả nước trên nhiều phương diện.

Năm 2024, quy mô nền kinh tế Hải Phòng vươn lên vị trí thứ 5 cả nước; tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 5 địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất. Hải Phòng là địa phương duy nhất trong cả nước duy trì tốc độ tăng trưởng mức 2 con số trong 10 liên tục; thu ngân sách đứng thứ 3 cả nước; thu hút đầu tư nước ngoài FDI đứng thứ 2 cả nước. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng thứ 3 cả nước, Chỉ số cải cách hành nhà nước đứng thứ nhất…

Đặc biệt, sắp tới, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã quyết định đưa tỉnh Hải Dương sáp nhập với Hải Phòng, thành phố Hải Phòng mới sẽ có diện tích 3.194,7km2 (đạt 212,98% so với tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương), quy mô dân số 4.664.124 người (đạt 466,41% so với tiêu chuẩn). Với tiềm lực về cơ sở hạ tầng và con người được nhân đôi, sẽ tạo thêm động lực, không gian phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng cho thành phố.

70 năm, Thành phố Hải Phòng “vươn mình đứng dậy sáng loà”

Nơi đặt trung tâm chính trị - hành chính của thành phố Hải Phòng (mới) tại Khu đô thị Bắc Sông Cấm, Thủy Nguyên đang được xây dựng hoàn thiện hiện đại nhất Việt Nam hiện nay, sẽ đảm bảo hiệu quả công tác, chất lượng sống cao cho cán bộ, công chức và người dân.

Thành phố cảng, thành phố “Hoa Phượng đỏ”, “Thành phố Anh hùng ”, là một trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương, nằm ở vị trí chiến lược có thể kết nối trực tiếp với các thị trường quốc tế thông qua đường biển và hàng không.

Hải Phòng có hệ thống cảng biển lớn nhất miền Bắc (đặc biệt là cảng nước sâu Lạch Huyện), đồng bộ, hiện đại, nổi bật trong giao thương quốc tế, hậu cần (logistics), thương mại, là huyết mạch xuất nhập khẩu của miền Bắc.

Đồng thời là trung tâm công nghiệp, logistics, hàng không, du lịch biển giúp Hải Phòng trở thành cực tăng trưởng trọng điểm, không chỉ của Bắc Bộ mà còn của cả quốc gia. Với quy mô kinh tế vượt trội, thành phố Hải Phòng có GRDP khoảng 430.000 tỷ đồng (2024). Diện mạo của một thành phố xanh, thông minh, hiện đại, ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở Châu Á đang dần được hình thành rõ nét.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...