• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội xây dựng 3 tình huống ứng phó với dịch sốt xuất huyết

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết có nhiều diễn biến trên địa bàn Hà Nội, Sở Y tế đã xây dựng 3 tình huống ứng phó với dịch bệnh.

Theo thông tin của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ ngày 10/3 - 17/3, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 8 ca mắc sốt xuất huyết (giảm 6 ca so với tuần trước đó). Như vậy, từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội có 172 ca mắc sốt xuất huyết. Trong khi cùng kỳ năm 2022, thành phố chỉ có 9 ca.

Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng 3 tình huống ứng phó với dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố. Cụ thể, tình huống 1 khi chưa có dịch trên quy mô xã, phường, thị trấn; Tình huống 2 khi có dịch trên quy mô xã, phường, thị trấn; Tình huống 3 khi dịch bùng phát, lan rộng ra cộng đồng.

Cán bộ Trung tâm y tế huyện phun hóa chất xử lý ổ dịch sốt xuất huyết.

Phun hóa chất xử lý ổ dịch sốt xuất huyết.

Sở Y tế thành phố cũng giao nhiệm vụ cho CDC Hà Nội tăng cường công tác dự báo, thường xuyên báo cáo kịp thời diễn biến tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết theo quy định, đồng thời xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động chuyên môn theo từng cấp độ dịch. CDC Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai phát động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết (ngày 15/6).

Riêng các cơ sở khám, chữa bệnh, Sở Y tế thành phố yêu cầu xây dựng kế hoạch tổ chức thu dung, cấp cứu và điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại đơn vị. Ngoài ra, các đơn vị thường xuyên tập huấn phác đồ chẩn đoán, cấp cứu, điều trị bệnh sốt xuất huyết cho cán bộ y tế.

Các chuyên gia dịch tễ cho rằng do dịch sốt xuất huyết có tính chất chu kỳ, điều kiện thời tiết hiện nay thuận lợi cho lăng quăng, muỗi truyền bệnh phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh và gia tăng sự giao lưu, đi lại của người dân sau dịch COVID-19, ngoài ra ý thức của người dân trong chủ động phòng chống dịch chưa cao, qua kiểm tra giám sát vẫn còn phát hiện nhiều ổ bọ gậy, lăng quăng trong hộ gia đình, khu dân cư. Đây là những lý do khiến ca mắc sốt xuất trong năm 2022 tăng vọt so với năm 2021.

Theo thống kê tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết của Bộ Y tế cho thấy, tích lũy từ đầu năm 2022 đến cuối năm cả nước ghi nhận 361.813 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 133 ca tử vong.

Trước diễn biến gia tăng ca mắc sốt xuất huyết, Bộ Y tế đã có Công văn số 1453/BYT-DP về việc chủ động, tích cực phòng, chống sốt xuất huyết.

Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban ngành từ Trung ương đến địa phương, công tác phòng chống sốt xuất huyết đã thu được những thành quả đáng khích lệ.

Tuy nhiên, hai tháng đầu năm 2023 số mắc sốt xuất huyết cả nước tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết trước các tháng cao điểm năm 2023, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, TP chủ động công tác truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết trước, trong mùa dịch.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết như: Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng;

Đồng thời, mọi người thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...; Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng;

Người dân có thói quen ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt; Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Bệnh nhân khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị; Không tự ý điều trị tại nhà...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết