Dự án đường Vành đai 4 đi qua TPHCM sẽ thực hiện theo hình thức PPP
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TPHCM đoạn cầu qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai dài 17 km (gồm cầu vượt sông Sài Gòn) sẽ được thực hiện theo phương thức đối tác công tư - PPP.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi vừa ký ban hành quyết định về việc giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TPHCM đoạn cầu qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai dài 17 km (gồm cầu vượt sông Sài Gòn) theo phương thức đối tác công tư - PPP.
Theo đó, Sở GTVT TP được giao là cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm phối hợp các sở ngành liên quan lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi và thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan theo quy định.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm tham mưu, đề xuất UBND TP triển khai thủ tục tiếp theo để đầu tư dự án theo quy định hiện hành.
Ảnh minh họa.
Vào tháng 9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý giao UBND TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án của đường vành đai 4 TPHCM.
Dự án này có chiều dài 200km, quy mô 6 - 8 làn xe, điểm đầu giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), điểm cuối tại cảng Hiệp Phước (TPHCM). Chiều dài các đoạn đi qua các địa phương như sau: tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 18km, Đồng Nai 45km, Bình Dương 49km, TPHCM 17km, Long An 71km. Quy hoạch đặt ra tiến trình đầu tư đường Vành đai 4 TPHCM trước năm 2030.
Trước đó, vào đầu năm nay, UBND TPHCM đã có quyết định thành lập tổ công tác dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3, vành đai 4 TPHCM.
Theo đó, tổ công tác thành lập căn cứ kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp ngày 15 và 18/1/2022 về dự án đường vành đai 3 và vành đai 4 TPHCM.
Tổ công tác gồm 14 thành viên, do Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi làm tổ trưởng. Các thành viên của tổ công tác gồm lãnh đạo 5 tỉnh thành: TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu; phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; lãnh đạo các bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Tài nguyên và môi trường, Xây dựng.
Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát phạm vi, quy mô, phương án kỹ thuật, tổng mức đầu tư dự án (chi phí xây dựng, giải phóng mặt bằng)... theo đúng các quy định pháp luật hiện hành, đảm bảo hiệu quả đầu tư. Qua đó, đề xuất bố trí nguồn vốn ngân sách (trung ương, địa phương) và các cơ chế, chính sách cần thiết, khả thi để thực hiện dự án theo đúng tiến độ yêu cầu.
Đồng thời, tổ công tác sẽ tham gia chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án đường vành đai 3, 4; trường hợp vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo kế hoạch mục tiêu đề ra, các địa phương sẽ phối hợp hoàn thành lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Vành đai 4 TPHCM vào tháng 12/2022. Dự án sẽ được khởi công vào năm 2024 và đưa vào khai thác năm 2028.
Theo Hữu Huy
Tiền phong