Cửa ngõ của vùng Đông Nam Bộ sẽ là đầu mối giao thương, trung tâm du lịch, dịch vụ đẳng cấp quốc tế
Tỉnh này có nhiều cụm công nghiệp làng nghề truyền thống và hơn 33 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ thành lập đi vào hoạt động ổn định.
Đồng Nai là một tỉnh cửa ngõ của vùng Đông Nam Bộ - vùng kinh tế phát triển và năng động nhất của cả nước. Trong đó, Đồng Nai là một trong ba góc của tam giác phát triển Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai; có nhiều cụm công nghiệp làng nghề truyền thống và hơn 33 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ thành lập đi vào hoạt động ổn định.
Mới đây, Hội đồng thẩm định đã tiến hành thẩm định, thông qua quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện.
Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Đồng Nai là một nền kinh tế năng động, là động lực tăng trưởng, hạt nhân phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng Nai sẽ đi đầu trong phát triển công nghiệp hiện đại; là trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; là cửa ngõ trung chuyển của miền Nam lấy Cảng hàng không quốc tế Long Thành làm hạt nhân.
Hệ thống đô thị thương mại dịch vụ mới ven sông tạo ra môi trường sông lý tưởng và bền vững; Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và y tế hàng đầu cả nước được triển khai một cách hiệu quả, là nơi phát triển nhân lực chất lượng cao. Công tác quản lý chất thải, bảo vệ môi trường được thực hiện xuyên suốt, góp phần đảm bảo các mục tiêu về môi trường; trung tâm du lịch, dịch vụ đẳng cấp quốc tế.
Tỉnh Đồng Nai xác định tầm nhìn đến năm 2050 sẽ là một trong các cực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam, đi đầu trong phát triển công nghiệp tạo giá trị cao, đầu mối giao thương quốc tế, du lịch vụ dịch vụ gắn với văn hóa tâm linh và đô thị đẳng cấp quốc tế với mô hình đô thị thông minh bền vững, đáng sống, nơi tập trung trí thức và nhân tài, lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm, hoàn thành mục tiêu phát thải trung tính "net-zero 2050".
Để đạt được mục tiêu trên, Đồng Nam có 5 trụ cột phát triển bao gồm: Phát triển ngành công nghiệp Đồng Nai hướng đến trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại của cả nước; Phát triển du lịch đô thị dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ hỗ trợ công nghiệp; Nông nghiệp hiệu quả cao và bền vững; Xây dựng sân bay Long Thành là trọng tâm để phát triển thành phố sân bay xứng tầm khu vực; Phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, góp phần hoàn thành mục tiêu Net-Zero năm 2050.
6 yếu tố hỗ trợ để Đồng Nai phát triển các trụ cột trên là cơ sở hạ tầng kết nối đa phương thức; Nguồn vốn đầu tư đa dạng, chất lượng; Nguồn nhân lực chất lượng cao; Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; Quản trị & điều hành đồng bộ, hiệu quả; Thể chế, chính sách đột phá.
Những mục tiêu cho năm 2024
Tại họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 do UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức, tỉnh cho biết, trong năm 2023, tỉnh đạt được nhiều kết quả về phát triển kinh tế - xã hội.
Tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn đạt 246.000 tỷ đồng, tăng 5,3% so với năm 2022. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,21% so với năm 2022. Hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng gần 12%, doanh thu dịch vụ du lịch tăng hơn 40%.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 21,7 tỷ USD, giảm 11,7%; nhập khẩu 15,7 tỷ USD, giảm 17,1%. Giá trị xuất siêu trên địa bàn đạt khoảng 6 tỷ USD. Các khu công nghiệp đã cho thuê đạt tỷ lệ hơn 85,6% diện tích đất cho thuê. Thu ngân sách nhà nước khoảng 58.000 tỷ đồng, đạt 94% dự toán đầu năm.Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm đạt hơn 1,1 tỷ USD.
Công tác chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công được tập trung thực hiện, tỉnh đã ban hành quyết định thành lập tổ công tác thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư năm 2023. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt hơn 113.200 tỷ đồng, tăng 12,2% so với năm ngoái.
Năm 2024, Đồng Nai đặt ra một số mục tiêu quan trọng về kinh tế là tốc độ tăng GRDP từ 6,5 - 7% so với năm 2023. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 148 triệu đồng/người. Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 8% so với năm 2023. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 124 nghìn tỷ đồng và tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước ước hơn 56.100 tỷ đồng.
Toàn tỉnh có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu và 2 huyện hoàn thành nông thôn mới nâng cao. Bên cạnh đó là một số nhiệm vụ khác như tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 68,5%; kéo giảm số vụ phạm tội về trật tự xã hội...
Theo Pha Lê