Nga cảnh báo phương Tây hậu quả việc tịch thu tài sản của Moskva
Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, bất kỳ động thái tịch thu tài sản nào của Nga đều sẽ gây ra hậu quả kéo dài hàng thập kỷ.
Trong cuộc họp báo ngày 5/2, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo rằng bất cứ ai chiếm đoạt tài sản của Nga sẽ phải đối mặt với hậu quả lâu dài.
Bình luận của ông Peskov được đưa ra sau khi tờ Financial Times đưa tin các nước G7 đang xem xét sử dụng các quỹ bị đóng băng của Nga làm tài sản thế chấp để bổ sung viện trợ cho Ukraine.
Financial Time khẳng định chính phủ Bỉ đã đề xuất một kế hoạch cho phép các chính phủ phương Tây tăng trần nợ để cho Ukraine vay, sau đó yêu cầu Nga trả khoản nợ đó. Nếu Moskva không trả khoản nợ này G7 sẽ tịch thu tài sản phong tỏa của Nga ở châu Âu và Mỹ.
Theo nguồn tin của Financial Time , kế hoạch này được coi là một cách để lách luật cho phép phương Tây tịch thu tài sản của Nga. Ý tưởng này hiện được cho là “lựa chọn hàng đầu” để đồng minh của Ukraine sử dụng tài sản Nga viện trợ cho Kiev.
Tuy nhiên, chưa có quốc gia châu Âu nào được đề cập trong bài viết của Financial Time chính thức xác nhận kế hoạch này.
Cũng theo ông Peskov, một kế hoạch tịch thu tài sản Nga như trên là bất hợp pháp và nhấn mạnh rằng Moskva sẽ làm mọi việc để bảo vệ lợi ích của mình.
“Sẽ rất lâu, thậm chí trong nhiều thập kỷ những người đưa ra quyết định tịch thu tài sản của Nga sẽ phải đối mặt với hậu quả từ hành động của họ" , ông Peskov nói thêm, đồng thời nhấn mạnh việc xâm phạm tài sản của quốc gia khác làm suy yếu nền tảng của toàn bộ hệ thống kinh tế .
Ngay sau khi Moskva phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Mỹ và các đồng minh đã phong tỏa khoảng 300 tỷ USD tài sản của ngân hàng trung ương Nga, phần lớn trong số đó đang được nắm giữ ở châu Âu. Kể từ đó, Kiev và các đồng minh phương Tây đã nảy ra ý tưởng tịch thu tài sản này và sử dụng chúng để viện trợ cho chính phủ Ukraine.
Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính cảnh báo rằng bất kỳ động thái nào như vậy có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng của các thể chế kinh tế phương Tây cũng như vị thế của đồng euro như một đồng tiền dự trữ toàn cầu, đồng thời sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài rút lui.
Tuần trước Brussels tuyên bố rằng các quốc gia thành viên EU đã đạt được thỏa thuận chuyển thu nhập do các quỹ của Nga tạo ra cho Kiev mà không chạm vào tài sản đó.
Trong khi đó, Moskva đã nhiều lần cảnh báo rằng bất kỳ hành động nào liên quan đến tịch thu tài sản của nước này từ Mỹ và các đồng minh châu Âu đều vi phạm luật pháp quốc tế. Điện Kremlin cũng cảnh báo rằng bất kỳ vụ tịch thu tài sản nào cũng sẽ gây ra phản ứng ăn miếng trả miếng từ Nga.
Theo Trà Khánh