Các nước ASEAN chia sẻ kinh nghiệm về phát triển 5G và nền tảng số
Nằm trong các hoạt động của Tuần lễ số Quốc tế Việt Nam năm 2023 do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức tại thành phố Hạ Long, chiều 12/12, Hội nghị ASEAN về 5G lần thứ 4 và Hội thảo về nền tảng số cho chính phủ số đã diễn ra.
Hội nghị ASEAN về 5G là sự kiện thường niên trong ASEAN theo sáng kiến của Việt Nam. Trọng tâm của Hội nghị năm nay là thảo luận về lộ trình triển khai 5G trong các nước ASEAN. Tham gia Hội nghị có đại diện các cơ quan quản lý các nước ASEAN, một số nước đối thoại, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp viễn thông.
Các diễn giả sẽ tập trung vào những khía cạnh chính của lộ trình 5G, bao gồm chiến lược phát triển về 5G của các nước ASEAN và thế giới, tiêu chuẩn hóa, triển khai mạng, bảo mật, khả năng tương tác với các công nghệ khác như: trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT). Thông qua các thông tin cập nhật và chia sẻ của các diễn giả, Hội nghị sẽ đề xuất lộ trình triển khai về 5G để các nước ASEAN tham khảo và là cơ sở để các nước ASEAN triển khai theo khả năng và nhu cầu thực tế của mỗi nước. Hội nghị ASEAN về lộ trình 5G không chỉ là nơi để cập nhật thông tin mới nhất về công nghệ mà còn là cơ hội xây dựng mối quan hệ, thảo luận và hợp tác trong định hướng tương lai triển khai 5G trong ASEAN
Hội thảo về nền tảng số cho chính phủ số với chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm phát triển và khai thác các nền tảng số phục vụ chính phủ số ở các nước ASEAN” là sáng kiến của Việt Nam trong ASEAN năm 2023. Hội thảo có sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ số trong ASEAN chia sẻ những mô hình thành công, thách thức trong việc triển khai và khai thác các nền tảng số tập trung của Chính phủ các nước.
Hội thảo đã tập trung vào một số khía cạnh bao gồm: các dạng nền tảng cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, quản lý dữ liệu và bảo mật, cơ sở hạ tầng số, vận dụng các công nghệ mới như AI, blochain (công nghệ chuỗi – khối, cho phép truyền tải dữ liệu một cách an toàn, minh bạch) để cải thiện hiệu suất và tính minh bạch trong hành chính số. Điển hình là các chia sẻ về “Khung chính sách cho nền tảng số - kinh tế và xã hội số phát triển” của đại diện Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào; Khung chính sách cho nền tảng kỹ thuật số của đại diện Bộ Bưu chính Viễn thông Campuchia; Triển khai nền tảng dữ liệu mở cho Chính phủ số của đại diện Malaysia và định hướng phát triển nền tảng số tại Việt Nam; các giải pháp để kết nối cơ sở dữ liệu trong chính phủ của địa diện Cục Chuyển đổi số quốc gia Việt Nam.
Kết quả hội thảo đưa ra khuyến nghị về kinh nghiệm phát triển và khai thác nền tảng số thúc đẩy chính phủ số trong ASEAN.
Theo Văn Đức