Cơ sở điện gió trên bờ lớn nhất Trung Quốc hoạt động hết công suất: Nằm giữa sa mạc, có thể tạo ra hơn 10 tỷ kWh mỗi năm
Đây là dự án đầu tiên trong loạt dự án năng lượng tái tạo được Trung Quốc quy hoạch tại khu vực sa mạc.
Ảnh: SCMP
Theo đơn vị vận hành, với công suất 3 gigawatt (GW), 701 tuabin của dự án có thể tạo ra hơn 10 tỷ kilowatt giờ (kWh) mỗi năm. Điều này tương đương với việc cắt giảm mức tiêu thụ than tiêu chuẩn khoảng 2,96 triệu tấn và tránh được 8,02 triệu tấn khí thải carbon mỗi năm.
Theo Tân Hoa Xã, dự án bắt đầu được xây dựng vào năm 2020 và cũng là dự án đầu tiên trong loạt dự án năng lượng tái tạo quy hoạch tại khu vực sa mạc.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Trung Quốc là quốc gia sản xuất điện gió lớn nhất thế giới. Năm 2022, nước này bổ sung 40GW công suất điện gió vào năm 2022, chiếm hơn một nửa trong số 77,6GW được bổ sung trên toàn thế giới trong năm. Các công trình lắp đặt trên đất liền chiếm 68,8GW công suất được bổ sung trên toàn thế giới vào năm ngoái, trong đó Trung Quốc chiếm đến 52%.
Trung Quốc đã đặt mục tiêu nâng tổng công suất điện gió và mặt trời của đất nước lên ít nhất 1.200GW vào năm 2030.
Theo Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC), quốc gia này cũng là cơ sở sản xuất tuabin gió lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 60% công suất sản xuất tuabin gió trên thế giới vào năm 2023.
Tăng trưởng ở Trung Quốc, châu Âu và Mỹ sẽ là xương sống cho sự phát triển điện gió trên bờ toàn cầu trong 5 năm tới, khi dự kiến sẽ chiếm hơn 80% trong tổng số 550GW công suất được bổ sung trong giai đoạn đó, GWEC ước tính.
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia của Trung Quốc tuyên bố vào đầu năm ngoái rằng nước này có kế hoạch phát triển 450GW điện gió và mặt trời 450GW ở Gobi và các vùng sa mạc khác – một trong nỗ lực thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo và đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.
Nguồn: SCMP
Yến Nguyễn