Bộ Công Thương tích cực triển khai hiệu quả các FTA
Mặc dù, Việt Nam đứng thứ tư tại Đông Nam Á (sau Thái Lan, Indonesia, Philippines) và thứ 15 trên thế giới về diện tích trồng mía. Tuy nhiên, lượng cung trong nước hiện không đủ đáp ứng cầu tiêu dùng và được bù đắp bằng lượng nhập khẩu. Ngành mía đường vẫn đang loay hoay trong bài toán nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thực thi hiệu quả các FTA thế hệ mới
Thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương ngày 12/1, bà Nguyễn Cẩm Trang – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) – cho biết, tình hình thực thi các FTA trong 2 năm gần đây đạt kết quả tích cực. Nguyên nhân ngoài việc thị trường nước ngoài phục hồi, cầu tiêu dùng phục hồi lại, còn là việc thực thi khá hiệu quả các FTA, đặc biệt FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, UKVFTA
Tích cực triển khai hiệu quả các FTA với các đối tác |
Cụ thể, với EU, ngay từ năm đầu tiên thực thi EVFTA đã thu những kết quả tích cực. Đặc biệt, năm 2020, thị trường EU đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng trong 5 tháng đầu tiên thực hiện EVFTA (tháng 8-12/2020) có mức tăng trưởng dương, thay vì tăng trưởng âm trước đó, đạt 3,8%. 7 tháng tiếp theo đạt mức tăng trưởng 17,8%. Đó là hiệu quả bước đầu mà EVFTA mang lại.
Với UKVFTA, Chính phủ, bộ, ngành đã nỗ lực triển khai đàm phán UKVFTA ngay sau khi Anh chính thức ra khỏi EU, để các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này không bị gián đoạn. Kết quả, ngay từ 1/1/2021, các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam sang Anh đã được hưởng ưu đãi theo hiệp định UKVFTA. Trong năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đã có mức tăng trưởng cao, với mức 15,4%.
Còn với CPTPP, 2 thị trường lần đầu tiên có quan hệ FTA là Mexico, Canada cũng có tăng trưởng trên 2 con số.
“Những kết quả này chứng tỏ, các FTA thế hệ mới bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định”- bà Nguyễn Cẩm Trang đánh giá.
Bên cạnh các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, UKVFTA, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 cũng được kỳ vọng tạo lập một thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng.
Bà Phạm Quỳnh Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên - phát biểu tại họp báo |
Bà Phạm Quỳnh Mai – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) – cho biết, RCEP là FTA lớn nhất thế giới, quy mô 2,3 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, GDP 26,2 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu.
“Với việc thành lập RCEP, đã kết nối 4 FTA của ASEAN thành hiệp định chung. Lợi ích lớn nhất của RCEP mang lại là đưa bộ quy tắc xuất xứ duy nhất cho toàn bộ ASEAN và 4 nước đối tác khác. Như vậy, doanh nghiệp sử dụng 1 bộ quy tắc xuất xứ của RCEP thay vì sử dụng quy tắc xuất xứ của các hiệp định khác nhau. Điều này tạo thuận lợi cho doanh nghiệp không phải hiểu nhiều các quy định khác nhau trong xuất xứ của các hiệp định”- bà Phạm Quỳnh Mai cho hay.
Ngoài ra, RCEP tạo khuôn khổ pháp lý ràng buộc trong khu vực về chính sách thương mại, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử và tạo ra sân chơi công bằng trong khu vực.
Với quy tắc xuất xứ chung của RCEP, các doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng nguyên liệu không chỉ của các nước ASEAN mà cả các nước đối tác khác như Úc, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc để sản xuất hàng hóa, xuất khẩu sang bất kỳ nước nào trong RCEP và được hưởng ưu đãi từ hiệp định. “Việc thực thi RCEP tạo điều kiện lớn cho Việt Nam tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng mới trong khu vực”- bà Phạm Quỳnh Mai nhấn mạnh.
Doanh nghiệp cần chủ động hiểu rõ FTA
Để giúp doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các FTA, bà Nguyễn Cẩm Trang cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã quan tâm đến phổ biến tuyên truyền về cơ hội, những quy định, quy tắc xuất đáp ứng để hưởng ưu đãi; dung lượng, thị hiếu, quy định cụ thể mặt hàng nhập khẩu… thông qua các hội nghị, tập huấn chuyên sâu. Bộ có cổng thông tin về FTA (FTAP), đây là công cụ hữu ích khi doanh nghiệp xuất khẩu bất kỳ mặt hàng nào có thể tra cứu ngay ưu đãi thuế, quy định xuất xứ.
Công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường cũng được Bộ Công Thương quan tâm. Trong bối dịch Covid-19, xúc tiến thương mại đã số hóa, đổi mới, có những hoạt động giao thương, tìm kiếm đối tác, thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường có FTA.
“Chính phủ, bộ, ngành đã nỗ lực ký kết các FTA, mở ra cơ hội về mặt thuế quan cho doanh nghiệp khi xuất khẩu, điều kiện cần là sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc tự đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh để tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường nhập khẩu, từ đó tận dụng ưu đãi từ các FTA”- bà Nguyễn Cẩm Trang nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về việc tận dụng các FTA, trong đó có RCEP, bà Phạm Quỳnh Mai cho biết, thời gian vừa qua, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành để trình Chính phủ ban hành kế hoạch hành động thực thi Hiệp định RCEP, trong đó bao gồm các nội dung liên quan đến việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, thúc đẩy tuyên truyền, phổ biến các cam kết của Hiệp định cũng như hỗ trợ doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh.
“Về phía doanh nghiệp, cần chủ động tìm hiểu thông tin các FTA, trong đó có RCEP. Bởi vì chỉ có thông qua việc nắm vững cam kết thì các doanh nghiệp mới có thể tận dụng các cam kết này một cách hiệu quả và để nâng cao tỷ lệ sử dụng ưu đãi của doanh nghiệp. Đồng thời tìm hiểu thông tin thị trường, đặc biệt là quy định về mẫu mã hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa để đáp ứng yêu cầu về kiểm dịch của các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand. Doanh nghiệp chủ động tìm hướng hợp tác, thu hút đầu tư nước ngoài, tận dụng hiệu quả vốn, chuyển giao công nghệ để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng và toàn cầu”- bà Phạm Quỳnh Mai chia sẻ.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực thi hiệu quả các hiệp định, trong đó có Hiệp định RCEP vừa mới có hiệu lực. Cụ thể, sẽ tiếp tục công tác tuyên truyền, phổ biến các cam kết của hiệp định cho cộng đồng doanh nghiệp, để các doanh nghiệp nắm vững thông tin hơn nữa và có thể tận dụng tốt hơn nữa các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết.
“Trước kia, chúng tôi thường tiến hành phổ biến, cam kết theo hình thức truyền thống (thông qua các hội nghị, hội thảo tại các tỉnh thành lớn cũng như là các địa phương khác), mời doanh nghiệp, hiệp hội đến để trao đổi thông tin. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chúng tôi không thể tiếp tục thực hiện công tác đến đi đến từng địa phương để tuyên truyền, phổ biến, cam kết thì Bộ Công Thương cũng đã chuyển hướng sang hình thức cung cấp thông tin thông qua Cổng thông tin điện tử FTAP.”- bà Phạm Quỳnh Mai cho biết thêm.