Bảo đảm điều kiện khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô
Chỉ một năm kể từ khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 6/2022, dự án trọng điểm quốc gia đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ chính thức được khởi công trong tháng 6 này. Đạt được tiến độ "thần tốc" ấy là nhờ sự ủng hộ, đồng thuận rất cao của Nhân dân cùng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị.
Người dân mong chờ
Tại Hà Nội, thành phố dự kiến sẽ khởi công dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô vào ngày 25/6 tới đây, tại 4 vị trí thuộc các huyện Hoài Đức, Sóc Sơn, Thanh Oai và Thường Tín. Nhờ những giải pháp quyết liệt, chủ động, hiện tại khối lượng giải phóng mặt bằng dự án đã đạt trên 70%, dự kiến đạt 80% trước khi khởi công (vượt chỉ tiêu 10%).
Xây dựng nghĩa trang Nhân dân phục vụ quy tập mộ để triển khai dự án đường Vành đai 4 tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng |
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, công tác giải phóng mặt bằng dự án đã đạt kết quả tích cực. Đến nay, đã di chuyển được 6.007/10.921 ngôi mộ, đạt 55%. Các địa phương đã phê duyệt phương án và thu hồi đất được 537,270/798,043 ha đất, đạt 67,32%; Trong đó, huyện Sóc Sơn thu hồi được 46/48,23 ha; Huyện Mê Linh được 114,30/145,66 ha; Huyện Đan Phượng được 30,73/74,8 ha; Huyện Hoài Đức được 138,30/239,63 ha; Quận Hà Đông được 51,14/68,25 ha; Huyện Thanh Oai được 59,31/86,94 ha; Huyện Thường Tín được 97,49/134,54 ha.
Ban Quản lý dự án đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật-dự toán xây dựng hạng mục di chuyển điện cao thế từ 110KV đến 500KV; Đang trình thẩm định phê duyệt phương án kỹ thuật thi công dự toán rà phá bom mìn.
Hiện, các địa phương cũng đang gấp rút tập trung cho công tác thu hồi đất ở và xây dựng các khu tái định cư cho các hộ dân, cam kết tháng 12 sẽ bàn giao đất tái định cư để người dân xây nhà ở. Đơn cử, Hoài Đức là huyện có diện tích thu hồi đất lớn nhất so với các quận, huyện có tuyến đường Vành đai 4 đi qua; Riêng đất ở có 116 hộ dân bị thu hồi. Hiện 2 khu đất bố trí tái định cư cho các hộ này nằm trên địa bàn 2 xã Đông La, Đức Thượng đã hoàn thành xong các bước thủ tục đầu tư và chuẩn bị khởi công trong tháng tới.
Khi biết được thông tin này, gia đình anh Bình (xã Đông La, Hoài Đức, Hà Nội) rất yên tâm vì không phải tạm cư mà được nhận luôn đất để xây nhà. Anh cũng vui mừng vì khu đất tái định cư được bố trí ở vị trí đẹp, đầy đủ hạ tầng và có lợi thế kinh doanh.
Người dân xã Văn Bình hoàn thiện thủ tục nhận tiền chi trả, bồi thường GPMB dự án đường Vành đai 4 ngày 15/6 |
Còn tại huyện Thường Tín, theo Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh, huyện cũng đang chuẩn bị khởi công 2 dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất tái định cư cho các hộ gia đình ở xã Văn Bình, Vân Tảo và Khánh Hà có đất ở nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng dự án, dự kiến sẽ khởi công vào cuối tháng 6/2023; Đồng thời, gấp rút hoàn thành các hạng mục hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư xã Hồng Vân.
Khi biết thông tin dự án đường Vành đai 4 chuẩn bị được khởi công, bác Nguyễn Thị Mến (55 tuổi, xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, Hà Nội) bày tỏ sự vui mừng: "Dự án triển khai sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế tại địa phương, đời sống của người dân cũng tốt hơn. Vì vậy, tôi rất hi vọng dự án sẽ sớm hoàn thiện và đưa vào sử dụng".
Đồng quan điểm, chị Nguyễn Thu Thủy (30 tuổi, xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, Hà Nội) cho biết: "Ngay khi biết thông tin về dự án Vành đai 4, chúng tôi rất đồng tình, ủng hộ chủ trương thực hiện. Có dự án, giao thông phát triển thì người dân sẽ được hưởng lợi nhiều, mong rằng dự án sẽ được hoàn thành đúng kế hoạch".
Nhiều cách làm hay, hiệu quả trong triển khai dự án
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Hà Nội đã thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội và cam kết về tiến độ giải phóng mặt bằng 58,6km của tuyến đường trên địa bàn.
Đến nay, các thủ tục liên quan đến dự án cơ bản đã hoàn thành. Với tiến độ hiện nay, trong tháng 6/2023, thành phố có thể hoàn thành được khoảng 80% diện tích giải phóng mặt bằng của dự án.
Từ sự ủng hộ, đồng thuận rất cao của Nhân dân nên dự án đường Vành đai 4 đã bảo đảm tiến độ giải phóng mặt bằng đề ra. Đây không chỉ là dự án mẫu từ công tác chuẩn bị đến khi triển khai mà còn đúc rút nhiều bài học kinh nghiệm trong giải phóng mặt bằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Tại Hà Nội, thành phố đã chủ động, quyết liệt, áp dụng 4 nhóm giải pháp chính. Thứ nhất, Hà Nội tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần độc lập. Ưu điểm của giải pháp này là giúp cho việc giải phóng mặt bằng không còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố kỹ thuật mang tính chất chuyên ngành của các công trình kết cấu hạ tầng giao thông đường cao tốc; Có thể triển khai sớm công tác giải phóng mặt bằng ngay sau khi có chỉ giới đường đỏ được phê duyệt, đảm bảo việc giải phóng mặt bằng đi trước một bước.
Huyện ủy Hoài Đức tổ chức Hội thi Tuyên truyền “Dân vận khéo trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn huyện Hoài Đức” |
Thứ hai, thành phố triển khai đồng thời với công tác giải phóng mặt bằng một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư như: Tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng để các địa phương tổ chức thực hiện; Rà soát, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, rà soát nhu cầu tái định cư, trên cơ sở đó tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư, thực hiện giải phóng mặt bằng khu tái định cư (nếu có).
Thứ ba, căn cứ theo Điều 111 của Luật Đất đai (năm 2013), Hà Nội đã ứng vốn cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đã được phê duyệt để thực hiện giải phóng mặt bằng, làm cơ sở bố trí kế hoạch đầu tư công hằng năm.
Thứ tư, để tăng tính chủ động của địa phương, Hà Nội đã giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng trực tiếp cho các quận, huyện có tuyến Vành đai 4 đi qua triển khai, vốn bố trí được phân bổ cụ thể cho từng địa phương.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã chủ động triển khai nhiều cách làm sáng tạo trong công tác dân vận. Điển hình, huyện ủy Hoài Đức đã tổ chức Hội thi Tuyên truyền “Dân vận khéo trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn huyện Hoài Đức” tại cụm số 1 và 2, gồm những xã có đường Vành đai 4 đi qua.
Thông qua các tiểu phẩm bình dị, dễ hiểu, Hội thi đã góp phần đẩy mạnh tuyên truyền đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và cán bộ, đảng viên, Nhân dân trên địa bàn huyện Hoài Đức; Đồng thời giúp người dân hiểu rõ hơn mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án đầu tư xây dựng dự án trên địa bàn huyện, nhất là đối với các hộ gia đình, cá nhân có đất trong diện phải thu hồi. Trong đó, huyện tập trung vận động Nhân dân đồng thuận thực hiện bàn giao đất để giải phóng mặt bằng, di chuyển mộ chí, tạo được sự thống nhất trong nhận thức, hành động của người dân để công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án được hoàn thành đúng và vượt tiến độ trên địa bàn huyện.
Chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai giải phóng mặt bằng tại địa phương, Bí thư Huyện ủy huyện Thường Tín Nguyễn Tiến Minh cho biết, Nhân dân đồng tình rất cao đối với dự án đường Vành đai 4 và chấp hành bàn giao mặt bằng để triển khai dự án. Một số ý kiến về công tác đền bù đã được giải quyết kịp thời, ví dụ như dự án tái định cư của thôn Sâm Động, xã Vân Tảo hay xã Yên Thái, bảo đảm quyền lợi chính đáng của Nhân dân.
Những giải pháp, cách làm này đã “cộng hưởng”, cùng với sự ủng hộ, đồng thuận cao của Nhân dân giúp cho dự án trọng điểm này được triển khai đúng tiến độ đề ra.