Nữ Founder sở hữu cơ bụng số 11, vận hành loạt thương hiệu thời trang chia sẻ “tham vọng” vươn tầm thế giới: “Sống kỷ luật ở mức quân đội giúp tôi có được thành công”
Bắt đầu từ mặt bằng vỏn vẹn 17m2 ở 44 phố Huế, sau 10 năm tồn tại và phát triển, Vân Anh Scarlet đến nay đã tạo dựng được vị thế vững chắc trong lòng giới mộ điệu Việt. Không những thế, Founder của VAS còn có một mong ước to lớn là tri ân ngành dệt may và đưa ngành thời trang Việt Nam vươn tầm thế giới.
Đến với thời trang một cách tình cờ, Vân Anh Đỗ - Founder của VAS - tự nhận bản thân có xuất phát điểm “âm” khi gia cảnh cực kỳ khó khăn. Cái nghèo đã khiến cô gái người Thanh Hóa sớm xác định được hướng đi của mình và làm chủ cuộc đời.
“Khi còn học cấp ba, tôi đã học về marketing và tìm hiểu về cách xây dựng thương hiệu cá nhân. Là người có cá tính mạnh, tôi xác định mình không thể mãi đi làm thuê, đặt mục tiêu phải làm chủ. Vì thế, ngay từ thời còn đi học, tôi đã biết mình ra Hà Nội sẽ thuê nhà như thế nào, học đại học ra sao, kết bạn và học hỏi với những người như thế nào để rồi từng bước, từng bước một chinh phục những mục tiêu của mình” - Vân Anh chia sẻ.
Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi nhận thấy thị trường thời trang ở thời điểm đó tiềm năng hơn thị trường nội thất. Vì có nền tảng học về nghệ thuật nên bất kỳ ngành gì liên quan, tôi đều có thể làm được. Thấy cơ hội này phù hợp với bản thân, tôi bắt đầu nhen nhóm ý định chuyển hướng làm thời trang rồi tự mở cửa hàng.
Bắt đầu với 2 bàn tay trắng, chị đã đặt viên gạch đầu tiên trên con đường sự nghiệp của mình thế nào?
Bản thân tôi là một người biết nhìn xa, biết điểm mạnh, điểm yếu của mình và dựa vào đó để đưa ra chiến lược rồi từng bước chinh phục những mục tiêu đặt ra.
Ngay từ lúc còn là sinh viên, tôi đã quyết ra trường sẽ làm chủ vì nhận ra rằng máu liều và cái bản tính cứng đầu của mình thì không làm nhân viên được. Thậm chí khi không có xe máy mà phải đi bộ đi học, tôi cũng bảo với bạn bè rằng sau này mình sẽ mua ô tô chứ không mua xe máy nữa.
Với tư duy quyết liệt đó, tôi chia nhỏ các mục tiêu, định hình cho mình một con đường và làm rất nhiều công việc để có tiền thực hiện chúng. Ngay từ năm nhất, lương của tôi đã khoảng 6 -7 triệu. Tôi là người có ý thức về ngoại hình bản thân và biết rằng mình nên làm nhân hiệu để có thể tạo nên uy tín trong kinh doanh. Cho nên tháng lương đầu tiên tôi đã dành tiền để phẫu thuật thẩm mỹ như nâng mũi hay tập gym. Thậm chí, tôi còn tham gia các lớp học diễn thuyết trước đám đông để có thể ăn nói lưu loát hơn.
Những năm sau đó, tôi làm MC, làm mẫu ảnh, đi đóng Sống đẹp ở VTV1, làm diễn viên, đi hát phòng trà... để có mức lương từ 20-30 triệu/tháng. Nhờ biết tích góp, tôi dần có ngân sách để thực hiện mục tiêu mở cửa hàng của mình. Sau khi học đại học, tôi chuyển đến sinh sống tại một khu vực cao cấp và thuận lợi hơn vì nghĩ rằng môi trường là nơi rất quan trọng và tại đây, mình có thể gặp gỡ và học hỏi những người rất giỏi giang.
10 năm trước, ở thời điểm khởi nghiệp, vì sao chị lựa chọn thiết kế các trang phục tiệc tùng, sexy, khác biệt với số đông?
Thời điểm đó, tôi đã tận dụng được một trong những ưu điểm của bản thân là nắm bắt thị trường để chọn ra hướng đi cho mình. Một thập kỷ trước, khá ít những thương hiệu thời trang thiết kế với phong cách gợi cảm, ôm sát để đi event, tiệc tùng hay đi chơi…
Đọc sách và nghiên cứu nhiều về marketing, tôi nhận thấy, thị trường ngách thì có ít sự cạnh tranh. Cộng với việc mình cũng yêu thích những phong cách thời trang táo bạo và gợi cảm nên tôi đã quyết định đi vào thị trường ngách của ngách này. Thị trường này đòi hỏi những thiết kế với kỹ thuật may tỉ mỉ và khéo léo, đính kết thủ công cầu kỳ và chi tiết. Rất may khi những thiết kế đầu tiên ra đời đã được khách hàng yêu quý, đón nhận và ủng hộ rất nhiều.
Từ cửa hàng đầu tiên, chị đã phát triển VAS như thế nào?
Từ một cửa hàng rất nhỏ, VAS đã phát triển rộng ra hơn 17 cửa hàng trong gần 10 năm qua. Tôi nghĩ điều giúp mình khởi nghiệp thành công là nhờ việc quản trị bản thân rất tốt và có may mắn gặp được những người cộng sự tuyệt vời.
Quản trị bản thân tốt tức là tôi biết phân tích khả năng của mình và chọn được hướng đi phù hợp. Thứ nhất, vì ý thức được mình làm nghệ thuật nên lúc nào tôi cũng phải thật đẹp và chỉn chu. Thứ hai, biết mình đang kém về quản trị nhân sự, quản lý tài chính và sản xuất nên tôi đã tham gia các khóa học để hoàn thiện bản thân và điều hành được doanh nghiệp của mình. Khi đã lấp đầy được những lỗ hổng trên, tôi bắt đầu gây dựng xưởng từ những người thợ đầu tiên. May mắn thay, vì gặp được những người cộng sự rất tốt nên tôi đã có một đội ngũ cùng nhau góp ý và xây dựng VAS ngày càng phát triển.
Tôi nghĩ rằng khi làm bất kì việc gì, nếu xây được một nền móng vững chắc thì sau này mới có thể cất lên được trên mảnh đất đó một tòa nhà an toàn.
Sau dịch cũng là cột mốc tôi chuyển mình và thay đổi toàn bộ mô hình đang kinh doanh. Lúc đó, tôi có đánh giá một số store không đạt hiệu quả nên đã quyết định “tinh gọn” chỉ còn 2 cửa hàng vật lý. Đồng thời chuyển hướng đa dạng thương hiệu, sản phẩm cho nhiều đối tượng khách hàng và tập trung vào kinh doanh online nhằm hướng đến mục tiêu phát triển và đưa thương hiệu của mình ra thị trường quốc tế.
Tôi chọn “chuyển mình” là vì trước đây, mọi người phần lớn đều chọn mua sắm và trải nghiệm thời trang tại cửa hàng và các nền tảng bán hàng online cũng chưa phát triển nhiều lắm. Thế nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, KOL, KOC, các nền tảng thương mại điện tử và logistic đều phát triển mạnh mẽ đã thúc đẩy hình thức mua sắm online bùng nổ.
Trong thời điểm hiện nay, những doanh nghiệp nào mà đang vận hành theo mô hình nhượng quyền hoặc là mô hình đại lý to sẽ rất là dễ gãy. Nguyên nhân là vì chi phí vận hành những mô hình kinh doanh này rất là lớn, cộng hưởng thêm việc là sau dịch, khả năng tài chính của khách hàng cũng eo hẹp hơn. Do đó, chủ kinh doanh đành phải hạ giá sản phẩm mà điều này kéo theo biên độ lợi nhuận cũng thấp nên doanh nghiệp sẽ lỗ, chưa kể là lãi suất ngân hàng tăng và chính trị thế giới bất ổn.
Có thể nói, làm kinh doanh ở thời điểm hiện tại giống như việc người doanh nhân đứng giữa và xung quanh là các mũi giáo chĩa vào. Trong khi đó, bộ máy cồng kềnh, giá sản phẩm và lợi nhuận thấp, cạnh tranh cao và khốc liệt kéo theo việc người kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Do đó, những doanh nghiệp nào vẫn đang giữ mô hình cũ mà không chuyển mình phát triển theo hướng kinh doanh online, phát triển được các nền tảng thương mại điện tử hay KOL, KOC thì cực kỳ khó khăn.
Hiện tại, VAS đang bán hàng ở những kênh thương mại điện tử nào?
Tất cả các sàn thương mại điện tử tôi đều “nhúng chân” vào. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ đo lường xem sàn nào tốt và phù hợp với mình nhất để tập trung vào. Tiktok, Fanpage Facebook, Shopee và Lazada là những kênh mà tôi nhắm đến nhiều nhất. Trong tương lai, tôi cũng sẽ nhắm tới những sàn thương mại lớn ở quốc tế nữa với mong muốn xây dựng một hệ thống như Shein, tức là bán thương mại điện tử mạnh và bán qua website.
Hiện tại, VAS vẫn có những đơn hàng quốc tế nhưng khá nhỏ lẻ. Do đó, nếu muốn thực hiện hóa được mục tiêu to lớn đó, chúng tôi cần thêm thời gian để xây dựng và cần một đội ngũ rất mạnh đứng sau.
Tại vì khi quyết định đa dạng sản phẩm kinh doanh, tệp khách của chúng tôi cũng rộng hơn nên sẽ có từng mức giá phù hợp với từng nhóm khách hàng riêng. Tôi nghĩ rằng sự linh hoạt trong thời gian này là điều cần thiết để có thể tồn tại.
Đối với bài toán đưa ra mức giá, VAS sẽ có bộ phận tài chính. Các bạn ấy sẽ tính giá cost và lợi nhuận ở từng sản phẩm rồi từ đó đưa ra mức giá phù hợp với thị trường. Chiến lược về giá cũng là một chiến lược thông minh, giúp chúng tôi tiếp cận và kinh doanh thành công hơn. Theo đó, với mỗi dòng sản phẩm thì chúng tôi sẽ có chiến lược riêng cho nó. Có những sản phẩm, tôi đặt ra chiến lược về số lượng, tức là càng sản xuất, càng tạo ra được nhiều sản phẩm thì nó sẽ có một mức giá khác. Còn có những sản phẩm limited, số lượng ít, hoặc có nhiều chi tiết đính kết cầu kỳ, hoặc đòi hỏi độ sáng tạo cao, chúng tôi kỳ vọng mang về doanh số cao cũng sẽ có những mức giá rất khác.
Tóm lại, tất cả đều phải có chiến lược riêng chứ không thể áp dụng một cái chung cho toàn bộ hệ thống, như thế sẽ rất khó để kinh doanh và phát triển trong cái thời buổi này.
Doanh thu khi chuyển sang “bắt tay” với các sàn thương mại điện tử có khiến chị hài lòng ?
Thực ra bán hàng ở store hay online mỗi cái sẽ có một cái điểm lợi riêng. Ví dụ muốn bán những sản phẩm giá cao từ khoảng 3 - 4 triệu hay 8-10 triệu thì mình sẽ phải có store vật lý để trải nghiệm sản phẩm và tạo lòng tin cho khách hàng. Sự trải nghiệm này chỉ diễn ra khoảng vài lần thôi nhưng đó sẽ là cách để mình có thể tạo dựng niềm tin và làm thương hiệu rất tốt.
Còn thực tế thì doanh thu khi kinh doanh trên sàn thương mại điện tử chắc chắn là cao hơn nhiều so với doanh thu ở các cửa hàng vật lý. Vì mỗi lần livestream trên các nền tảng, mình có thể tiếp cận được hàng nghìn khách hàng trong một khoảng thời gian ngắn. Trong khi đây là điều không thể đối với một cửa hàng vật lý. Bên cạnh đó, những kênh bán hàng online này cũng giúp tôi có thêm và duy trì những đơn hàng quốc tế.
Đây cũng là tiền đề để tôi đặt mục tiêu xây dựng một thị trường ổn định ở nước ngoài. Tuy nhiên, để có thể xây dựng và phát triển một nhánh kinh doanh sang thị trường nước ngoài thì chúng tôi cần phải có thêm thời gian và tập trung gây dựng thương hiệu thêm nữa.
Hiện tại, VAS và VAD là hai thương hiệu chính của tôi. Sắp tới, tôi cũng sẽ ra mắt nhiều thương hiệu với nhiều phong cách và tệp khách hàng khác nhau.
Thực ra tôi đang định hướng xây dựng VAS của mình trở thành một thương hiệu thời trang toàn cầu và hệ sinh thái thời trang, tức là sẽ có nhiều những thương hiệu nhỏ xung quanh. Sau đó sẽ song song phát triển thương hiệu nước ngoài và sẽ có nhiều tệp khách như thương hiệu cho Gen Z, tiệc tùng, casual, hay thương hiệu chuyên về trình diễn, haute couture, streetstyle, thêu đính thủ công…
Hiện nay, thời trang đã rất khác, nếu muốn xây dựng thương hiệu giống như Zara hay H&M thì vốn và nhân sự của mình phải rất hùng hậu. Đồng thời, năng lực của mình cũng phải thực sự rất mạnh về sản xuất và quản trị, ví dụ như có những nhà máy gia công ở một số quốc gia chẳng hạn.
Từ đâu mà một nhà thiết kế chuyển sang làm kinh doanh và đang thiết kế phục vụ một số lượng khách hàng vừa phải lại có một ý tưởng lớn như thế?
Thực ra đấy là tham vọng của mình thôi. Tại vì mỗi nhà thiết kế sẽ có một mục tiêu riêng, có người thì thích làm cho Celeb, người nổi tiếng với các thiết kế mang tính chất độc quyền, có người lại thích kinh doanh theo một mô hình online hay dạng boutique, design, store chuỗi... Bản thân tôi là một người có máu kinh doanh và rất thích kinh doanh, nên tôi nhìn thấy đây là một cơ hội tiềm năng lớn của Việt nam . Bởi đất nước con người chúng ta vô cùng khéo léo với đôi bàn tay nhỏ nhắn làm được việc đòi hỏi sự tỉ mỉ chi tiết, đức tính chăm chỉ siêng năng và kỹ thuật thủ công khéo léo.
Do đó, qua những thiết kế của mình, tôi muốn đề cao những người thợ may và rất đề cao , tôn vinh họ , luôn phát triển câu chuyện từ những người thợ đứng sau làm nên sản phẩm.
Tên tuổi của chị bao năm nay gần như đã gắn liền với VAS. Vậy khi muốn xây dựng những thương hiệu mới, những khó khăn mà chị sẽ gặp phải là gì?
Theo tôi, cái khó khăn nhất là bây giờ mình phải cạnh tranh với những người trẻ. Họ trẻ trung, sáng tạo và khác biệt nên bản thân tôi cũng phải luôn học hỏi để đổi mới và bắt kịp xu hướng. Hơn nữa, hành vi mua sắm của khách hàng đã thay đổi rất nhiều, để lôi kéo khách hàng ra cửa hàng trải nghiệm trong thời điểm hiện nay là một bài toán khó. Thị trường thời trang hiện nay cũng cạnh tranh rất khốc liệt, do đó nếu doanh nghiệp không thay đổi, không chuyển mình để bắt kịp xu hướng thì không thể tồn tại lâu được.
Bên cạnh niềm đam mê thời trang, tôi còn tham gia các lĩnh vực khác như làm thẩm mỹ, nha khoa, vẽ tranh… Tuy nhiên với những công việc này, tôi chỉ tham gia kiểu “nhón chân”, là cổ đông chung chứ không tập trung quá nhiều vào đấy.
Khoảng 80% thời gian của mình, tôi vẫn ưu tiên cho thời trang, dành tâm huyết cho 3-4 thương hiệu của mình và cho dự án cá nhân của các nghệ sĩ nữa. Có những lúc, tôi bận rộn đến mức phải ăn ở trên xe hay chỉ xay ức gà rồi uống cho nhanh do không có thời gian để nhai. Vì thế nên công ty và phòng tập gym cũng được tôi chọn nằm trên một line đường để tiết kiệm thời gian nhất có thể.
Tập gym cũng là một trong những sở thích đặc biệt của tôi. Ngày nào tôi cũng dành ra 2-3 tiếng để đi tập. Có những hôm 10h đêm đi làm về, tôi cũng quyết uống thuốc tăng lực để đi tập cho khỏe người chứ không thể bỏ bê mà quên tập luyện.
Tôi chọn gym vì bản thân vốn là một người rất thích thể thao. Hơn nữa, do đặc thù công việc làm trong ngành nghệ thuật, phải đi sự kiện nhiều nên tôi cũng cần một bộ môn giúp giữ cơ thể khỏe mạnh và đẹp. Không những thế, gym còn giúp tôi chữa lành, thư giãn và “nạp” năng lượng rất hiệu quả.
Hiện nay, “chữa lành” đang là xu thế chung của xã hội. Sau những biến động như dịch bệnh hay kinh tế suy thoái, cuộc sống của chúng ta có rất nhiều áp lực. Hơn nữa, việc làm việc nhiều trên máy tính và điện thoại cũng khiến chúng ta mất đi những kết nối bên ngoài và nảy sinh những điều tiêu cực ở bên trong. Do đó, những lúc tập gym là những lúc tôi được sống chậm lại và thay đổi nội lực ở bên trong và “sạc” lại tinh thần.
Với gym, tôi tập luyện rất kinh khủng và kỷ luật. Ví dụ như mùa đông trời lạnh, rất ít người có thể dậy sớm nhưng tôi vẫn dậy từ 6h sáng để đi tập. Việc duy trì tập luyện như vậy đã suốt 7-8 năm qua.
Điều gì đã giúp cho chị giữ được tính kỷ luật đó?
Thực ra vì có xuất thân nghèo khó và từ nhỏ đã trải qua nhiều biến cố nên tôi sống rất kỷ luật, kỷ luật ở mức như quân đội luôn ấy. Kinh khủng lắm. Hơn nữa, vì bắt đầu từ hai bàn tay trắng, xuất phát điểm của tôi là con số âm nên nếu không có kỷ luật, không có chiến lược bài bản và đánh giá năng lực cá nhân mình thì rất khó để đạt được những mục tiêu lớn mang tính quyết định. Tôi nghĩ, kỷ luật cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp tôi có được Vân Anh của ngày hôm nay.
Thành công lớn nhất mà tôi có được chính là năng lực cá nhân của bản thân, những bài học từ kinh doanh. Trong suốt hành trình 10 năm của mình, tôi đã học hỏi và trau dồi được rất nhiều điều. Vì thế nên dù ở môi trường hay lĩnh vực nào, tôi cũng nghĩ mình sẽ sống được, sống tốt và làm tốt mọi thứ.
Nói về thành tựu thì mỗi người sẽ có một thước đo khác nhau, mình không thể nào đo lường hay so sánh người này, người kia bằng việc họ làm những gì hay tài khoản tích lũy của họ được bao nhiêu. Thay vào đó, tôi sẽ so về giá trị tinh thần và giá trị kiến thức của mỗi người.
Cảm ơn những chia sẻ của chị!
Bài: Ánh Lê - Thiết kế: Hải An