Forbes 30 under 30 chia sẻ bí quyết nuôi cơm trưa 60.000 học sinh bản cao: Mỗi người bớt 3 cốc trà sữa/tháng là tháng ấy có một đứa trẻ được ăn no
Ở độ tuổi ngoài 30, Hoàng Hoa Trung không sở hữu nhà đẹp, xe sang hay sự nghiệp vẻ vang như nhiều người. Bù lại, anh có một ý chí quyết tâm và một tấm lòng luôn rộng mở với các hoạt động thiện nguyện hướng về giáo dục vùng cao.
Hơn một thập kỷ làm thiện nguyện, đội nhóm Sức mạnh 2000 và Hệ sinh thái Nuôi Em do Hoàng Hoa Trung sáng lập, điều hành đã xây mới hơn 370 trường học vùng cao, khu nội trú, nhà hạnh phúc, cầu hạnh phúc,… đồng thời giúp 60.000 em nhỏ được ấm bụng trong suốt 9 tháng học tập mỗi năm.
Không thể phủ nhận đó là kết quả của cả cộng đồng, nhưng để kêu gọi được nguồn lực tập thể ấy, chính bản thân Trung và đội nhóm đã xây dựng cho mình những nguyên tắc rất riêng, vô cùng thẳng thắn, rõ ràng, minh bạch.
Trung kể rằng các dự án thiện nguyện trong hệ sinh thái được triển khai từ nhu cầu thực tế của đối tượng, khởi đầu là “Ánh sáng núi rừng”- Xây trường học vùng cao, vào khoảng năm 2008.
Thời điểm đó, hoạt động tình nguyện bùng nổ thành “khủng hoảng thừa” khi hàng trăm đội nhóm lớn nhỏ cùng các công ty đi làm thiện nguyện chỉ tập trung chủ yếu ở Hà Nội. Thấy vậy, chàng trai sinh năm 1990 đã tìm đến vùng núi, những nơi điều kiện sinh hoạt của người dân vô cùng khó khăn nhưng lại chưa được chú ý.
Mục đích ban đầu của cả nhóm chỉ là giúp người dân nơi đây có thêm nhu yếu phẩm. Nhưng chính những chuyến đi thực tế khiến Trung và các thành viên hiểu rằng “chỉ có đem lại kiến thức cho những đứa trẻ thì mới mong một tương lai tươi sáng hơn”. Họ bắt đầu đi gây quỹ, làm đủ mọi việc từ nhặt đồ gốm bị lỗi ở Bát Tràng để bán lại, đi bán bảo hiểm xe máy, bán áo phông ở các hội chợ... miễn sao có đủ chi phí xây các điểm trường vùng cao.
Xây trường xong, nhóm phát hiện trẻ em vẫn bỏ học nhiều, vì cái đói luôn thường trực. Họ nghĩ tới dự án “Nuôi Em”, kết nối mạnh thường quân với các em nhỏ vùng cao. Trong đó, mỗi mạnh thường quân, được gọi là các anh/chị nuôi, chỉ cần đóng góp 150.000 đồng/tháng là đã đủ hỗ trợ cơm trưa cả tháng cho một em bé vùng cao.
Sau khi triển khai “Nuôi Em”, nhóm phát hiện ra một thực trạng khác, đó là mặc dù bữa ăn đã được cải thiện nhưng trẻ đa phần dùng nước suối là nguồn nước chính, thậm chí còn không qua đun sôi. Tận dụng tiền thừa khi trẻ không ăn vào những ngày nghỉ, lễ Tết, nhóm triển khai lắp bình lọc nước uống liền, đảm bảo 100% trẻ thuộc dự án “Nuôi Em” đều được uống nước đã lọc sạch.
Đến nay đã hệ sinh thái đã có tới 14 dự án. Đặc biệt, các dự án này đều bám sát với 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, và bản thân nhóm không bao giờ làm thiện nguyện theo kiểu phát tiền, gạo, mỳ tôm, quần áo cũ…
Hoàng Hoa Trung tiết lộ có 2 câu hỏi anh luôn đặt ra trước khi bắt tay thực hiện bất cứ dự án nào, đó là “nếu mình không làm thì có ai làm không?”, và “nếu mình không làm thì có điều gì xấu xảy ra không?”.
“Không ai chết vì thiếu tiền, gạo, mỳ tôm, dầu ăn, tấm chăn…hơn nữa đang có rất nhiều CLB, Đội nhóm làm điều đó. Nhưng nếu chúng tôi không bắt đầu xây trường thì đến giờ nhiều nơi vẫn là trường gỗ, tre nứa. Nếu không làm Nuôi Em thì nhiều trẻ con vẫn bỏ học. Nếu không làm các dự án xung quanh thì nhiều thầy cô vẫn sống vô cùng cực khổ”, anh tâm sự.
Nhưng với Trung, câu chuyện anh muốn hướng tới không chỉ là truyền cảm hứng. Trung tự nhận mình thuộc trường phái hành động, luôn tìm mọi cách để thu hút cả cộng đồng cùng tham gia, xóa bỏ tư tưởng phải giàu mới làm được thiện nguyện.
“Truyền cảm hứng là câu tôi nghe 15 năm rồi. Đến giờ còn truyền cảm hứng gì nữa, giờ là cần hiểu và hành động luôn, từ việc nhỏ cũng được”, Hoàng Hoa Trung chia sẻ.
Trong số 18 tỉnh thành, nơi đội nhóm của Trung triển khai dự án Nuôi Em, đã có 10 tỉnh do các tình nguyện viên địa phương chủ động điều hành, hoạt động. Trung phổ biến, hướng dẫn mô hình của mình để họ nắm được, sau đó lực lượng địa phương tự quản lý.
Trong năm 2022, dự án Nuôi Em cũng vượt ra khỏi biên giới Việt Nam, không chỉ nuôi cơm 60.000 trẻ em trong nước, mà còn là hơn 350 trẻ Việt tại Campuchia và 480 trẻ Kenya tại Kenya. Trung tính toán đơn giản rằng nếu mỗi người bớt đi 3 cốc trà sữa một tháng, hay 3 cốc cà phê một tháng là mỗi đứa trẻ đã có thêm một tháng no bụng.
“Tinh thần san sẻ là không biên giới, không giới hạn suy nghĩ, màu da, tôn giáo... Sẽ còn nhiều người nói rằng trẻ Việt Nam còn chưa nuôi xong...nhưng chính những nhà hảo tâm quyên góp phía sau đã đề nghị chúng tôi làm vậy. Ngoài ra, tôi thấy chúng ta hãy một lần nhìn thoáng lên. Biết đâu từ mô hình nho nhỏ của Việt Nam, khi nhân rộng ra, cả thế giới sẽ chấm dứt luôn nạn đói”, thủ lĩnh nhóm thiện nguyện Niềm tin cho biết.
“Muốn cộng đồng Việt kiều cùng chung tay với mình, thì trước hết chúng ta phải lan tỏa để họ biết đã”, Trung nhấn mạnh.
“Bao nhiêu năm nay, mọi người tự tìm đến chúng tôi vì được người này người kia giới thiệu chứ chúng tôi không đi xin, không làm hồ sơ gì cả. Bởi vì, nếu họ không biết bạn là ai, tỉ lệ thành công sẽ rất thấp, ngược lại khi họ được ai đó giới thiệu tỉ lệ thành công sẽ rất cao”.
Bên cạnh đó, Trung cho biết bản thân cũng áp dụng tư duy 0 đồng, tự tìm hiểu từng nhóm người xem họ có thể tham gia bằng cách cho-tặng đồ đạc gì hay không. Với những bà mẹ bỉm sữa, dân công sở, đó có thể là đồ chơi cũ, tủ sách cũ, bạt sự kiện, laptop cũ … Hoặc đội nhóm của anh cũng chủ động gom đồ cũ còn sử dụng được tự cộng đồng, bán đi gây quỹ để có kinh phí cho các hoạt động xã hội.
“Bằng cách này, ai cũng có thể tham gia làm thiện nguyện”, Trung khẳng định.
“Chúng tôi làm 15-16 năm nay, sao kê là chuyện luôn làm từ thời còn sinh viên. Bởi đó là chuyện tôn trọng người khác, tất yếu đều phải có. Các hoạt động thực hiện với doanh nghiệp đều đi kèm thỏa thuận hợp tác rõ ràng, có hợp đồng, hóa đơn chứng từ cụ thể”.
Nhờ cách làm khoa học, rõ ràng, kết hợp với nhiều bên để giảm tải các công đoạn và nhân sự trong quy trình, đội nhóm của Hoàng Hoa Trung liên tục đạt những dấu mốc ấn tượng. Từ con số 1, 2 điểm trường được hoàn thành mỗi năm, trong 2022, họ đã xây tới hơn 150 công trình. Số lượng em nhỏ được nuôi cơm cho tới bây giờ là hơn 60.000 em.
Trong năm 2022, toàn bộ Hệ sinh thái Nuôi Em đã kêu gọi số tiền thiện nguyện lên tới gần 120 tỷ đồng. Trung đùa rằng chỉ trích một phần trong đó ra để làm chi phí quản lý thôi thì họ đã giàu to. Nhưng Trung và đội nhóm của mình không bao giờ làm như vậy vì luôn muốn giữ “chất riêng”. Chưa kể số đông cộng đồng không quen với việc làm thiện nguyện mà phải chi trả thêm khoản phí quản lý.
“Người ta nghĩ làm thiện nguyện dễ biển thủ. Tôi nói luôn cực kỳ khó. Bất cứ giao dịch nào không có lý do cụ thể, ra ngân hàng đối soát là ra ngay. Thứ hai là tâm lý, đã ‘ăn’ một lần thì đều có người nắm “thóp”, kiểu gì cũng có ngày bị phát hiện. Chúng tôi quyết tâm làm đàng hoàng, minh bạch, nên tâm thế đi gặp các mạnh thường quân cũng tự tin thoải mái”, thủ lĩnh dự án Nuôi Em thẳng thắn bày tỏ.
“Nhiều người quan niệm tình nguyện mất thời gian, công sức còn với tôi, tình nguyện giúp mở rộng tư duy, trải nghiệm và nhất là cho tôi sự tự do và quỹ thời gian quý giá”.
“Tôi không cần thiết phải dùng thiện nguyện để kiểm tiền. Chính các kỹ năng thu được tự hoạt động thiện nguyện giúp tôi kiếm tiền ở cuộc sống bên ngoài dễ dàng hơn”, Hoàng Hoa Trung tiết lộ.
Dù không ràng buộc toàn bộ thời gian với một doanh nghiệp, tổ chức nào cụ thể nhưng Trung đã và đang tự nuôi sống bản thân tốt bản thân cũng như gia đình. Anh có thêm khoản thu nhập từ các hoạt động như đầu tư chứng khoán, bất động sản. Thủ lĩnh nhóm Niềm tin tiết lộ có những thời điểm, thu nhập của anh lên tới 80-90 triệu đồng/tháng.
“Thú thật là tôi không hề thích tiền thậm chí là ghét tiền vì quá khứ đã có nhiều người vì tiền mà làm cho cuộc sống của tôi bị tiêu cực đi. Nhưng khi cần tôi có thể kiếm được bằng nhiều cách. Tôi kiếm tiền chủ yếu để vợ yên tâm thôi”, Trung lý giải.
Trong cuộc sống hàng ngày, Hoàng Hoa Trung là người đơn giản. Laptop, đồ đạc, quần áo,… anh dùng vẫn là những món đồ mua cũ từ 6-7 năm trước đây. Trung tự nhận mình không thích những gì gò bò, ghét mặc vest; nếu buộc phải mặc vest, giày da trong các sự kiện quan trọng thì anh thường đi mượn.
Năm 2020, chàng trai 9x chính thức lấy vợ ở tuổi 30. Vợ anh cũng là người trong nhóm tình nguyện Niềm Tin, từng cùng anh vào Nam ra bắc, lăn lộn trong các chuyến đi.
Dù là người bận rộn nhưng Hoàng Hoa Trung xác định luôn cân đối thời gian để hướng về cha mẹ và gia đình nhỏ của mình. Anh tâm niệm sau này khi có con cái, anh sẽ dành nhiều thời gian cho con.
“Con cái là tài sản quý giá nhất. Nhiều người vì bận kiếm tiền nên để trẻ con chơi với người giúp việc, xem tivi, điện thoại nhiều. Tôi thấy làm tiếc, vì họ sẽ bỏ lỡ thời gian để giao tiếp, đối thoại, gắn kết và thấu hiểu với con cái. Đôi khi sau này muốn nhưng không thể đồng hành được cùng con”.
“Tôi nghĩ cuộc đời là tự do, sáng tạo và tôi thích tư duy dạy con của các nước Israel, Thụy Điển, Phần Lan, hướng con phát triển một cách tự lập, theo cách trẻ muốn và quan tâm nhiều đến việc phát triển các kỹ năng mềm”, thủ lĩnh nhóm Niềm Tin cho hay.
Bảo Châu
Trí thức trẻ