• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thương hiệu xa xỉ đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt ở Trung Quốc

Sự tăng giá của các thương hiệu xa xỉ đã khiến nhiều người tiêu dùng Trung Quốc chuyển hướng sang các mặt hàng bình dân trong nước, thị trường đồ cũ hoặc thị trường "chợ xám".

Doanh số bán hàng của LVMH, tập đoàn hàng đầu thế giới về hàng xa xỉ, đã giảm 3% trong quý gần đây, thấp hơn so với dự báo. Sự sụt giảm này được cho là do tác động của việc nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc và Nhật Bản giảm mạnh.

Salvatore Ferragamo (SFER.MI) của Ý cũng đã công bố doanh thu quý giảm, chủ yếu do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc chậm lại.

Max Piero, CEO công ty tư vấn Re-Hub, cho biết “Chừng nào giá cả hàng hiệu giữa Trung Quốc và các nước khác còn chênh lệch, người tiêu dùng sẽ luôn tìm kiếm những cách mua hàng rẻ hơn, kể cả trên thị trường chợ xám".

“Thị trường xám” hay chợ xám là thuật ngữ kinh tế chỉ các hoạt động trao đổi hàng hóa hợp pháp nhưng không chính thức, không được ủy quyền và nó nằm ngoài kênh phân phối của nhà sản xuất.

Với giá trị ước tính lên tới 57 tỷ đô la mỗi năm, thị trường chợ xám hàng xa xỉ tại Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ nhờ các nền tảng như DeWu. Tại đây, hàng hiệu ngoại nhập được bán với mức giảm giá từ 20% đến hơn 50%, thu hút một lượng lớn người tiêu dùng.

thuong hieu xa xi doi mat voi su canh tranh khoc liet o trung quoc hinh 1

Một người đang quảng cáo một chiếc túi trong buổi phát trực tiếp tại kho hàng của nền tảng thương mại điện tử hàng hiệu cũ ZZER ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Re-Hub ước tính doanh số của 48 thương hiệu trên nền tảng DeWu đã tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý 2, đạt hơn 7 tỷ nhân dân tệ (tương đương 984,4 triệu đô la). Tuy nhiên, doanh số bán lẻ của Trung Quốc chỉ tăng trưởng nhẹ 3,2% vào tháng 9, điều này cho thấy sự yếu kém trong mức tiêu thụ nội địa.

 

Sự chậm lại này là một tín hiệu không mấy tích cực cho các công ty xa xỉ toàn cầu, đặc biệt khi Trung Quốc chiếm khoảng 25% doanh thu toàn cầu của ngành này.

"Sự gia tăng giá cả của các thương hiệu xa xỉ chính là yếu tố chính khiến nhiều người tiêu dùng như tôi chuyển sang tìm kiếm các lựa chọn thay thế trên thị trường hàng cũ và chợ đen", Yi Kejie, 28 tuổi, một người tiêu dùng xa xỉ chia sẻ.

Zhu Tainiqi, người sáng lập nền tảng ZZER, cho biết: "Số lượng người bán đang tăng nhanh, nhưng số lượng người mua lại khá ổn định". Zhu cho biết điều này đã dẫn đến việc giá mua trung bình giảm so với năm ngoái, với giá trị đơn hàng trung bình cũng giảm khoảng 10%. Dù vậy, các thương hiệu như Louis Vuitton và Coach vẫn đang bán chạy.

Thị trường hàng hiệu đã qua sử dụng tại Trung Quốc, với những cái tên nổi bật như Plum, ZZER và Xianyu, đang phát triển cực kỳ nhanh chóng. Theo báo cáo của iResearch, thị trường này đã tăng trưởng hơn 30% mỗi năm kể từ năm 2020. Tuy nhiên, Zhu dự đoán tốc độ tăng trưởng có thể sẽ chậm lại một chút trong năm nay, khoảng 20%.

Theo Zhu, việc chuyển sang các thị trường hàng cũ và thị trường xám không đồng nghĩa với việc từ bỏ hoàn toàn các sản phẩm xa xỉ mới. Nhiều người tiêu dùng vẫn kết hợp cả hai hình thức mua sắm này.

Hà Trang (theo Reuters)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...