• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thực phẩm tăng giá chóng mặt: Sinh viên ăn rau thì hết tiền ăn thịt

Những ngày gần đây, ghi nhận tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, giá cả nhiều mặt hang đang leo thang, đặc biệt là rau xanh. Điều này đã khiến mâm cơm sinh viên vốn “đã nghèo nay còn mắc cái eo”.

Khi rau – thịt ngang “cơ”

Tại một số chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội như chợ Hôm - Đức Viên, chợ Nguyễn Công Trứ, chợ Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng), chợ Thành Công (quận Ba Đình), chợ Đồng Xa (quận Cầu Giấy)..., giá cả nhiều mặt hàng thực phẩm đã rục rịch leo thang, đặc biệt là các loại rau xanh.

Dẫn đầu đường đua là xà lách, rau thơm với sự tăng “đột biến” từ 35.000 đồng/kg lên khoảng 70.000 đồng/kg. Theo sau đó, các loại rau khác như hành lá, rau mùi tăng 30%, từ 60.000 đồng/kg lên 90.000 đồng/kg; dưa leo tăng 30%, từ 12.000 đồng/kg lên khoảng 17.000 đồng/kg; các loại rau cải xanh, cải ngọt tăng 30% - khoảng 5.000 đồng, lên mức 20.000 đồng/kg; rau ngót tăng 25%, từ 12.000 đồng/mớ lên 15.000 đồng/mớ; rau bắp cải, cải thảo tăng khoảng 20%, từ 18.000 đồng/kg lên 22.000 đồng/kg; rau muống tăng 20%, từ 10.000 đồng/mớ lên khoảng 15.000-20.000 đồng/mớ tùy kích cỡ; cà chua tăng 20%, từ 25.000 đồng/kg lên 30.000 đồng/kg; các loại bí đao, bầu, mướp tăng khoảng 20%, dao động từ 17.000 đến 18.000 đồng/kg; cà rốt, bí xanh tăng khoảng 15%, từ 17.000 đồng/kg lên 22.000 đồng/kg...

Giá rau phi mã không phanh

Giá rau tăng phi mã

Cô Hoàng Thị Hà, tiểu thương tại chợ Đồng Xa (Mai Dịch, Cầu Giấy) cho biết: “Đợt vừa rồi, do ảnh hưởng của bão và mưa lớn kéo dài, lại thêm đợt rét mới đây nên một lương lớn rau bị hư hại, chất lượng đi xuống. Chỗ nào trồng được để cung cấp thì sẽ tăng giá”.

Đi chợ cũng là một cuộc chiến “cân não”

Nhặt một nhúm hành lá, 2 quả cà chua, một miếng bí đỏ, 1 mớ rau cải, Cao Linh Trang, sinh viên trường Đại học Thương mại giật mình khi cô bán hàng tính hết 62.000 đồng. Trang tưởng nghe nhầm, hỏi lại thì nhận được câu trả lời: “Rau đầu mùa lạnh nên hơi đắt. Cháu xem có muốn bỏ lại gì thì bỏ ra”.

Trước khi ra chợ, Linh Trang đã tính toán, cầm 80.000 ra chợ, có thể mua cả rau và thịt để nấu ăn cả ngày, cho phòng 3 người ăn. “Như này, một là chọn ăn rau, hai là chọn ăn thịt. Chứ để cân đối thì khó”, Trang chia sẻ.

Thêm vào đó, nếu như trước kia, các loại rau đi kèm như hành, ớt, chanh có thể được đi kèm với rau thì giờ các bạn cũng phải bỏ tiền ra mua. Tuy những khoản đó nhỏ nhưng nữ sinh viên trường Đại học Thương mai cho hay, nó cũng làm thâm hụt thêm vào tiền ăn uống, sinh hoạt hằng tháng.

“Số tiền bố mẹ chu cấp vẫn vậy, tiền sinh hoạt phí, tiền chi tiêu hàng ngày, mình cũng đã chắt bóp hết sức rồi. Hết thịt tăng rồi đến rau giờ cũng tăng thì mình khó có thể tính toán, chi tiêu hợp lý. Mấy chục nghìn ngày trước mua rau ăn được 2 bữa, giờ đây, số tiền ấy có khi chỉ mua được một nửa chỗ rau thôi”, Linh Trang bày tỏ.

Tăng xin, giảm mua

Bữa cơm có rau giờ được nhiều sinh viên đánh giá là bữa cơm sang

Bữa cơm có rau giờ được nhiều sinh viên đánh giá là bữa cơm sang

Để có thể sinh tồn giữa thời bão giá như vậy, bạn Huyền Trang, sinh viên năm 2, Đại học Hà Nội chọn cách nhờ bố mẹ ở quê gửi rau nhà trồng được ra, hoặc sẽ về lấy.

“Nhà mình cách Hà Nội 50km. Với tình hình này, mình định tuần về một lần cắt rau ở nhà mang lên. Đồ ăn mặn có thể không cần, nhưng thiếu rau thì khó ăn. Mà giá rau gần giá thịt như này, sức sinh viên như chúng mình không gánh được”, nữ sinh Đại học Hà Nội cho biết.

Để có thể đảm bảo bữa ăn như trước khi giá thực phẩm tăng, mỗi sinh viên phải chi ít nhất thêm 20.000 cho mỗi ngày ăn. Nhìn có vẻ ít, nhưng với những sinh viên sống xa nhà, đây thực sự là một thách thức.

“Rau cỏ, thịt thà giờ gì cũng tăng, mâm cơm nhiều hôm sẽ chỉ còn một món. Thịt mua về, phần lạc để rang, phần mỡ tách riêng, rán lấy mỡ, phần tóp để lại ăn với cơm. Hành lá mình cũng tự trồng trong những chai nước. Nhiều hôm, chỉ dám sốt cà chua với mỡ lợn đã rán làm canh, ăn lạc rang muối cho qua bữa.”, Phương Nhung, sinh viên Đại học Khoa học xã hội và nhân văn chia sẻ cách thức tiết kiệm.

Giá cả leo thang, không có thêm tiền bù vào tiền ăn, nhiều sinh viên chỉ đành “rút ruột” mâm cơm. Vấn đề chi tiêu chưa bao giờ dễ dàng đối với các bạn trẻ, đặc biệt trong thời điểm bão giá như hiện nay.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết