• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Masan High-Tech Materials: Lợi thế tài nguyên không che mờ rủi ro tài chính

Lợi thế về tài nguyên và chu kỳ giá thuận lợi không đủ khỏa lấp gánh nặng tài chính đang đè nặng lên CTCP Masan High-Tech Materials (MSR) với tổng nợ vượt 12.000 tỷ đồng và chi phí lãi vay chiếm 24% doanh thu thuần.

Dây chuyền chế biến của Masan High-Tech Materials.

Dây chuyền chế biến của Masan High-Tech Materials.

Vị thế tài nguyên hiếm có

Công ty Cổ phần Masan High-Tech Materials hiện kiểm soát mỏ Núi Pháo, mỏ vonfram lớn thứ hai thế giới nằm ngoài Trung Quốc, chiếm khoảng 30% thị phần toàn cầu không bao gồm Trung Quốc. Nhờ chuỗi sản xuất khép kín từ khai thác đến chế biến và cung ứng, MSR đang cung cấp sản phẩm vonfram công nghệ cao cho hơn 30 quốc gia, phục vụ các ngành công nghiệp cốt lõi như ô tô, bán dẫn, quốc phòng và hàng không vũ trụ.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, việc Trung Quốc siết chặt xuất khẩu các khoáng sản chiến lược, đặc biệt là nhóm kim loại hiếm, đang đẩy giá vonfram và các nguyên liệu như đồng, bismut vào chu kỳ tăng giá mới. Theo dữ liệu từ Asian Metal, giá vonfram APT (nguyên liệu chính trong chuỗi sản phẩm của Masan High-Tech Materials) đã tăng 22% trong một năm qua.

Với tỷ trọng vonfram chiếm tới 80% doanh thu, Masan High-Tech Materials đang hưởng lợi rõ rệt, ghi nhận biên lợi nhuận gộp hợp nhất quý I/2025 đạt 10,5%, cải thiện 4,3 điểm phần trăm so với năm 2024.

Dự báo từ Công ty Chứng khoán Nhất Việt (CSI) cho thấy, biên lợi nhuận sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ từ quý III/2025 khi doanh nghiệp giải phóng hết hàng tồn kho giá thấp, và bắt đầu hạch toán doanh thu với mặt bằng giá mới cao hơn.

Chi phí lãi vay vẫn là “gót chân Achilles”

Dù triển vọng ngành thuận lợi và giá bán sản phẩm đang trong xu hướng đi lên, Masan High-Tech Materials vẫn phải đối mặt với rào cản lớn mang tên chi phí lãi vay, yếu tố đang trực tiếp bào mòn hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Tính đến hết quý I/2025, Masan High-Tech Materials vẫn chịu áp lực lớn từ cấu trúc nợ vay cao với tổng dư nợ gần 12.000 tỷ đồng, trong đó, nợ trái phiếu doanh nghiệp là khoảng 2.800 tỷ đồng và vay từ ngân hàng nước ngoài hơn 5.000 tỷ đồng. Phần lớn nợ đến từ khoản vay liên quan đến Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), cùng một khoản vay USD từ công ty mẹ với lãi suất LIBOR + 4,5%.

Đáng chú ý, chi phí lãi vay chiếm gần 24% doanh thu thuần, mức cao bất thường trong bối cảnh doanh nghiệp có biên lợi nhuận gộp vốn không cao. Điều này khiến phần lớn lợi nhuận gộp bị bào mòn, gây khó khăn cho việc tích lũy lợi nhuận ròng, đồng thời làm giảm khả năng tái đầu tư vào các hoạt động chế biến sâu hay mở rộng thị trường xuất khẩu.

Mặc dù, đã có nỗ lực kiểm soát chi phí, tình hình tài chính sẽ khó cải thiện nếu thiếu chiến lược tái cơ cấu nợ rõ ràng. Trong năm 2025, xử lý khối nợ lớn là yếu tố sống còn để Masan High-Tech Materials duy trì tăng trưởng và nâng sức cạnh tranh.

Trong bối cảnh doanh nghiệp có biên lợi nhuận gộp chỉ vừa phục hồi sau thời kỳ thấp kéo dài, chi phí tài chính, đặc biệt là lãi vay, vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi phí, tạo áp lực lớn lên kết quả ròng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến Masan High-Tech Materials ghi nhận lỗ trước thuế trong hai năm liên tiếp (2023 và 2024), bất chấp việc đã thoái vốn tại công ty con H.C. Starck Holding để thu về dòng tiền mặt.

Một điểm tích cực là khoản lỗ sau thuế của Công ty đã thu hẹp đáng kể, từ lỗ 703 tỷ đồng trong quý I/2024, đến quý I/2025, chỉ còn lỗ 222 tỷ đồng.

CSI lưu ý rằng, để cải thiện thực chất khả năng sinh lời, MSR không chỉ cần duy trì đà tăng giá bán mà còn phải cơ cấu lại cấu trúc tài chính, giảm áp lực nợ vay và chi phí lãi vay đang đè nặng lên bảng cân đối kế toán. Trong ngắn hạn, đây sẽ là rủi ro chính ảnh hưởng tới tốc độ phục hồi lợi nhuận của doanh nghiệp, nhất là trong trường hợp mặt bằng lãi suất chưa giảm nhanh như kỳ vọng.

Trên cơ sở định giá dòng tiền FCFE, phù hợp với doanh nghiệp có lỗ trước thuế trong giai đoạn gần đây, CSI đưa ra giá mục tiêu 23.000 đồng/cổ phiếu cho mã MSR, cao hơn 24,3% so với giá đóng cửa ngày 3/7/2025 (18.500 đồng). Tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn gắn liền với giả định rằng MSR kiểm soát tốt nợ vay, tối ưu hóa hoạt động cốt lõi và tận dụng được đà tăng giá nguyên liệu chiến lược.


Nguồn:https://tapchitaichinh.vn/masan-high-tech-materials-loi-the-tai-nguyen-khong-che-mo-rui-ro-tai-chinh.html Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...