• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sửa Luật An toàn thực phẩm: 'Tuyên chiến' thực phẩm bẩn, siết chặt từ sản xuất, quảng cáo đến thương mại điện tử

Sau hơn 15 năm thực thi, Luật An toàn thực phẩm đã bộc lộ nhiều bất cập. Do đó, Bộ Y tế đang gấp rút xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi) với hàng loạt quy định “mạnh tay” nhằm siết chặt quản lý, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và xử lý nghiêm hành vi vi phạm, đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử và quảng cáo trực tuyến ngày càng nở rộ.

Dự thảo luật lần này gồm 11 chương, 51 điều, quy định toàn diện các nội dung từ quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân liên quan đến an toàn thực phẩm; điều kiện sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu; quảng cáo, kiểm nghiệm, hậu kiểm; đến xử lý sự cố, vi phạm và cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành.

3_1.jpeg.webp

Người tiêu dùng phải biết tẩy chay với những sản phẩm kém chất lượng và người quảng cáo sai sự thật

Đáng chú ý, Bộ Y tế đề xuất danh mục nhiều hành vi bị nghiêm cấm, thể hiện tinh thần “tuyên chiến” với thực phẩm bẩn, gian dối thương mại.

Trong đó bao gồm việc sử dụng nguyên liệu quá hạn, không rõ nguồn gốc; sản xuất, kinh doanh thực phẩm bị nhiễm độc tố, chứa hóa chất vượt ngưỡng; sử dụng động vật chết do bệnh, dịch hoặc thực vật bị sâu, bệnh, nấm mốc; sử dụng bao bì hư hỏng, rò rỉ hoặc không đảm bảo điều kiện vệ sinh.

Đặc biệt, các hành vi quảng cáo sai sự thật, quảng cáo mạo danh bác sĩ, dược sĩ, cơ sở y tế, tổ chức khoa học; cũng như hành vi cung cấp thực phẩm không rõ nguồn gốc trên sàn thương mại điện tử, làm giả hồ sơ kiểm nghiệm, tự công bố sản phẩm “ảo”... đều bị đưa vào danh sách cấm tuyệt đối.

Dự thảo cũng bổ sung quy định xử phạt với mức cao chưa từng có. Cụ thể, cá nhân vi phạm có thể bị phạt tối đa 200 triệu đồng, tổ chức có thể bị phạt tới 400 triệu đồng.

Với hành vi có tính chất nghiêm trọng, mức phạt sẽ tính theo giá trị hàng hóa vi phạm, có thể lên tới 7 lần trị giá lô hàng. Đồng thời, những tổ chức, cá nhân gây hậu quả lớn cho sức khỏe cộng đồng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, buộc bồi thường và khắc phục hậu quả.

Ngoài phạt tiền, một số hình thức xử lý bổ sung như đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hồi sản phẩm, buộc tiêu hủy thực phẩm vi phạm cũng được áp dụng.

Một điểm mới khác là Dự thảo quy định rõ trách nhiệm đến cùng của doanh nghiệp trong toàn bộ vòng đời sản phẩm. Nếu doanh nghiệp ủy quyền cho bên khác thực hiện thủ tục công bố sản phẩm, thì chính doanh nghiệp vẫn phải chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn thực phẩm trong quá trình lưu thông.

mot-so-bat-cap-trong-quy-dinh-phap-luat-ve-an-toan-thuc-pham-va-kien-nghi-hoan-thien-20250424223502.jpeg

Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

Bộ Y tế cũng đưa ra hướng siết chặt công tác hậu kiểm, đặc biệt với thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe – nhóm sản phẩm đang nở rộ nhưng nhiều rủi ro tiềm ẩn do quảng cáo quá đà, sử dụng trái hướng dẫn, hoặc thiếu kiểm soát.

Thực tế thời gian qua cho thấy, không ít trường hợp sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo như thuốc chữa bệnh, thậm chí mạo danh bác sĩ nổi tiếng để tiếp cận người tiêu dùng.

Một số sản phẩm “ba không” – không nguồn gốc, không kiểm nghiệm, không công bố vẫn được bán công khai trên mạng xã hội, livestream và các sàn thương mại điện tử.

Thậm chí, có đối tượng còn thuê người nổi tiếng, hot TikToker, KOLs để quảng cáo sản phẩm sai lệch, lợi dụng niềm tin của người tiêu dùng.

Bộ Y tế khẳng định sẽ xử lý nghiêm, từ doanh nghiệp sản xuất đến đơn vị truyền thông, quảng cáo, phát hành nội dung nếu vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.

Bộ Y tế nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật An toàn thực phẩm lần này không chỉ mang tính cập nhật thực tiễn mà còn nhằm xây dựng một hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ chặt để bảo vệ sức khỏe nhân dân trong bối cảnh nền kinh tế số phát triển nhanh.

Cùng với đó, việc phân định rõ trách nhiệm giữa các bộ ngành – Y tế, Nông nghiệp, Công Thương cũng là yêu cầu cấp thiết để tránh chồng chéo, đùn đẩy, tạo kẽ hở cho thực phẩm bẩn lọt lưới.

Bên cạnh luật hóa các biện pháp quản lý, Bộ Y tế cũng đang hướng đến đẩy mạnh công nghệ truy xuất nguồn gốc, số hóa hệ thống giám sát và hậu kiểm, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý trong toàn chuỗi thực phẩm, từ nông trại đến bàn ăn.

Luật An toàn thực phẩm sửa đổi được kỳ vọng sẽ trở thành “hàng rào thép” bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời là cơ sở pháp lý vững chắc để ngành thực phẩm Việt Nam phát triển bền vững, minh bạch, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Chi tiết dự thảo tại: https://moh.gov.vn/documents/20182/212437/37918.7%20D%20th%20o%20g%20i%20xin%20%C6%B0%20ki%20n%20v%C3%A0%20ng%20t%20i.pdf/d35c314d-57c0-42e1-8729-076ab4c15cb3


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...