• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sản phẩm OCOP Cự Đà "theo chân" thanh niên đến ngày hội lớn

Những sản phẩm OCOP nổi tiếng của làng Cự Đà (Thanh Oai) như miến dong, tương... đã "theo chân" các bạn đoàn viên thanh niên đến với Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên TP Hà Nội lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Gian hàng của Huyện đoàn Thanh Oai là một trong những dấu ấn thu hút đông đảo đại biểu và khách tham quan.

Từ sáng sớm, bạn Ngô Thị Cẩm Ly - Đoàn thanh niên huyện Thanh Oai đã tự hào trưng bày và giới thiệu những sản phẩm OCOP đặc trưng của quê hương tới các bạn đoàn viên thanh niên và khách tham quan.

Đây không chỉ là đặc sản Cự Đà nức danh, là thương hiệu nhận diện làng nghề truyền thống lâu đời bên dòng sông Nhuệ mà còn là sản phẩm gắn bó với người dân Thanh Oai từ thuở lọt lòng. Đến với ngày hội lớn của thanh niên Thủ đô, được hòa chung không khí tưng bừng, náo nức của Đại hội, sản phẩm OCOP Cự Đà, Thanh Oai cùng các đặc sản Hà Nội cho thấy sự sáng tạo, hết lòng vì sự phát triển quê hương của các bạn trẻ.

Bạn Ngô Thị Cẩm Ly bên gian hàng sản phẩm OCOP tại Đại hội

Bạn Ngô Thị Cẩm Ly bên gian hàng sản phẩm OCOP tại Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên TP Hà Nội lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2024 - 2029

Nghề làm miến ở Cự Đà có cách đây hàng trăm năm. Ai đã từng ăn miến ở Cự Đà sẽ khó quên bởi hương vị riêng. Dù công thức sản xuất miến giống nhau, nhưng trước hết, miến của Cự Đà được làm từ 100% bột dong riềng, sợi nhỏ, đều, có màu vàng hoặc trắng mịn.

Muốn sợi miến ngon phải có nguyên liệu bột tốt, người dân lựa chọn những củ dong riềng nguồn gốc từ các tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Bắc Kạn… Ngoài ra, khâu kỹ thuật cũng đóng vai trò quan trọng, đòi hỏi sự kiên nhẫn của người làm nghề".

Miến Cự Đà được làm từ củ dong riềng, sau đó đem xay nhuyễn thành bột, tiếp tục ngâm với nước để lọc lấy phần tinh bột rồi đánh đều tay. Một phần bột được ngâm với nước sôi gọi là bột chín.

Làng miến Cự Đà

Làng miến Cự Đà

Bột chín mang hòa với bột đã lọc, với tỉ lệ 1/10 tạo nên hỗn hợp. Tiếp đó, bột được tráng thành bánh, hấp chín và đem phơi nắng. Sau khi khô, bánh được đưa qua máy cán thành từng sợi miến nhỏ, dài và tiếp tục đem phơi cho thật khô.

Miến đủ nắng là loại miến vừa khô vừa dai, dậy mùi thơm củ dong riềng. Miến quá nắng sẽ bị khô giòn, dễ vỡ. Ngược lại, miến thiếu nắng sẽ không có mùi thơm, ỉu và dễ bị hỏng khi bảo quản.

Miến Cự Đà nổi tiếng bởi độ giòn dai, thơm ngon và vì màu vàng óng ả. Theo chia sẻ của những người thợ, màu vàng là do bột nghệ, tuỳ theo nhu cầu của khách mua hàng, họ sẽ sản xuất miến màu vàng hay giữ màu hơi xám và trong suốt như nguyên bản.

Sản phẩm OCOP Cự Đà

“Tương Cự Đà, dưa cà Khúc Thủy”, tương tự miến, tương của người dân nơi đây sản xuất cũng được ưa chuộng bởi hương vị đặc trưng, ấn tượng, không nơi nào khác có được.

Theo các cụ già trong làng, quy trình làm tương ở Cự Đà có khá nhiều công đoạn và cơ bản cũng có khác với quy trình làm tương Bần. Trong đó, riêng công đoạn chọn lọc nguyên liệu gạo nếp và đậu tương ở Cự Đà cũng đã khá kỳ công từ chọn đậu tương phải đều hạt, đến gạo nếp phải là nếp cái hoa vàng.

Sau khi nguyên liệu đã sẵn sàng, đối với gạo nếp sẽ được vo và đãi sạch rồi đem đồ xôi, đem phơi, vo rời rồi để lên mốc. Khi đã lên mốc lại đem đãi, chiêu nước sạch sẽ trước khi đem ủ về lá nhãn chờ cho mốc chín.

Còn đối với đậu tương, trước khi rang phải ngâm 2 tiếng, rồi để ráo nước. Khi rang đậu phải đều, không được để cháy hoặc sống. Sau đậu được rang chín, cho vào xay, sau đó đem nấu chín rồi cho vào chum, vại chờ đủ ngày (đủ tuổi) thì đem ngả (xay) với mốc (tức là xôi nếp đã được ủ chín). Nước đậu ủ phải tự lên men tự nhiên, nói cách khác là muốn ngon phần lớn phụ thuộc vào thời tiết và một phần là nguyên liệu chum, vại chứa nước đậu.

Tương Cự Đà

Tương Cự Đà

Vẫn là đậu tương, gạo nếp, muối nhưng tỷ lệ xay trộn lại khác nhau đã tạo nên hương vị khác biệt của tương Cự Đà. Người làm tương lâu năm, lành nghề cho biết vị tương ngọt hay không do mốc quyết đinh; còn muốn có vị thơm phần lớn do nước đậu quyết định. Bình quân phải mât 2 tháng mới cho một mẻ tương thành phẩm. Khi đã thành phẩm, tương cự đà có màu vàng tươi, có vị thơm, ngọt đặc trưng.

Trước đây, miến, tương của Cự Đà chỉ sản xuất phục vụ dịp Tết Nguyên đán, thì đến nay, người dân phải làm quanh năm mới đủ phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Trong nỗ lực phát triển thương hiệu quê hương, nhiều bạn trẻ ở Cự Đà đã tìm tòi, nghiên cứu, tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại do Bộ Công thương, Thành đoàn Hà Nội… tổ chức; nâng cao quy trình sản xuất để tương, miến Cự Đà đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của thị trường và cạnh tranh với những thương hiệu lớn khác.

Từ đó, sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP của Cự Đà được mở rộng thị trường, trở thành món ăn yêu thích, đáng tin cậy không chỉ tại Hà Nội mà khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...