Người trẻ mua căn hộ ngày càng nhiều
Hiện nhiều người trong độ tuổi 25-35 tuổi chọn con đường sở hữu căn hộ sớm. Thậm chí, có một số dự án chung cư, tỉ lệ người trẻ “xuống tiền” chiếm đến 70-80%.
Xu hướng mua nhà ngày càng trẻ hoá
Trong nghiên cứu mới đây PropertyGuru chỉ ra, độ tuổi từ 22 đến 39 hiện là nhóm khách có nhu cầu mua nhà chủ lực, thay thế nhóm trung lưu trên 40 tuổi như trước đây. Tỉ lệ tìm mua của nhóm khách trẻ liên tục tăng mạnh. Trong đó, nhóm tuổi 22-34 tăng từ 39% (2021) lên 42% (2023). Gen Z (nhóm tuổi 22-26) bứt phá khi lượng tìm mua từ 13% (2021) lên gần 19% (2023), cho thấy xu hướng trẻ hoá trong sở hữu bất động sản.
Việc người trẻ trở thành nhóm khách hàng chính trong lĩnh vực bất động sản, nhất là phân khúc căn hộ thực tế đã diễn ra từ nhiều năm trước nhưng gần đây, xu hướng này thể hiện rõ nét hơn. Ở một số dự án căn hộ tỉ lệ “chốt” giao dịch trong độ tuổi 22-35 chiếm tỉ trọng lớn. Khảo sát tâm lý tiêu dùng của Batdongsan.com.vn về tỷ trọng người dự định mua bất động sản trong 2024 cũng cho thấy, có 64% ở độ tuổi dưới 39 tuổi.
Chuyên gia đưa ra hai lý do giải thích cho hiện tượng đảo chiều này. Thứ nhất, gần đây, thị trường bất động sản khó khăn độ tuổi 45-60 là nhóm tích lũy tài sản lớn nên hạn chế hoạt động giao dịch, kinh doanh trong thời điểm này. Nhưng đây là cơ hội vàng cho nhóm khách hàng dưới 35 tuổi. Thứ hai, sự phát triển của công nghệ thông tin đã mang đến cho thế hệ Gen Y và Gen Z nhiều cơ hội việc làm có thu nhập tốt, thậm chí cao gấp nhiều lần lao động của thế hệ trước. Theo đó, những người thuộc độ tuổi dưới 35 có mức độ tìm kiếm thông tin bất động sản tăng liên tục trong vòng ba năm trở lại đây.
Mới đây khi chia sẻ về nhu cầu của đối tượng khách hàng tìm kiếm căn hộ, ông Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Phú Đông Group – là đơn vị chuyên phát triển dòng căn hộ giá vừa túi tiền hướng đến nhu cầu ở thực của đối tượng khách hàng trẻ cho biết: Người mua căn hộ tại các dự án của doanh nghiệp phần lớn là trong độ tuổi 25-35, tỉ trọng chiếm đến 70%. Đối tượng khách hàng này có tích luỹ ban đầu khiêm tốn, cần đến các giải pháp hỗ trợ tài chính từ phía chủ đầu tư; có khát khao sở hữu nhà rất lớn.
Doanh nghiệp này cũng vừa chính thức giới thiệu thông tin dự án căn hộ Phú Đông SkyOne ra thị trường với 75% số căn có đơn giá vừa túi tiền từ 1.4 đến 1.8 tỉ đồng/căn. Dự án toạ lạc mặt tiền đường DT 743C, phường Tân Đông Hiệp, Thành phố Dĩ An. Đây là dự án nằm trong chuỗi dự án nhà cho người trẻ mà Phú Đông kiên định thực hiện nhiều năm qua. Trong bối cảnh căn hộ giá vừa túi tiền ngày càng khan hiếm, dự án kì vọng sẽ tạo sức hút trong năm 2024.
Theo ông Phúc, bán nhà cho người trẻ tưởng dễ mà không dễ. Dễ là nhu cầu lớn, nhất là trong những năm gần đây, đối tượng mua căn hộ là người trẻ có xu hướng gia tăng. Nhưng cái khó là người trẻ có tài chính khiêm tốn nhưng luôn có yêu cầu cao về thiết kế, chất lượng, thẩm mỹ. Đồng thời, họ là những người rất sáng tạo, bắt xu hướng mới nhanh nên đòi hỏi doanh nghiệp làm phân khúc này phải luôn cải tiến để bắt kịp nhu cầu.
“Muốn bán nhà cho người trẻ, chủ đầu tư phải giải quyết được bài toán: ngon - bổ - rẻ. Bài toán tưởng chừng vô lý này lại đúng với đối tượng người trẻ. Ngon nghĩa là vị trí tốt, có tiềm năng, đi lại thuận tiện. Bổ nghĩa là đáp ứng tất cả các yêu cầu cần thiết như chất lượng xây dựng, thiết kế thông thoáng và tiện ích đầy đủ. Còn rẻ là bán giá hợp lý nhất. Làm được điều này, chủ đầu tư phải chấp nhận biên lợi nhuận vừa phải, hợp lý. Mặc dù doanh nghiệp rất thích làm nhà giá vừa túi tiền để phục vụ số đông người mua nhưng hiện tại rất khó tìm được quỹ đất phù hợp phát triển phân khúc này do những biến động tăng từ 3 yếu tố: Chi phí đất; chi phí tài chính và kì vọng lợi nhuận”, ông Ngô Quang Phúc chia sẻ.
Giải pháp nào gia tăng nguồn cung nhà vừa túi tiền?
Nhà vừa túi tiền là phân khúc đáp ứng đúng nhu cầu của số đông nhưng dòng sản phẩm này đang khan hiếm do giá căn hộ liên tục lập đỉnh.
Trong báo của của Savill Việt Nam mới đây chỉ ra, quý 4/2023 giá sơ cấp trung bình căn hộ chung cư là 54 triệu đồng/m2, tăng 19 quý liên tiếp và tăng hơn 77% so với quý 1/2019. Riêng thị trường Bình Dương, chỉ trong vòng 4 năm qua, mặt bằng chung căn hộ Bình Dương ở ngưỡng trên dưới 30 triệu đã vọt lên 40-48 triệu/m2. Trong đó, Dĩ An, Thuận An dẫn đầu mặt bằng giá.
Giữa bối cảnh “bão giá”, các dự án căn hộ giá hợp lý ra thị trường luôn nhận sự quan tâm tích cực từ người mua. Tuy nhiên, để có thanh khoản bền vững, bên cạnh các giải pháp chung về quỹ đất, chính sách thì sự “tự thân” nỗ lực của doanh nghiệp địa ốc cũng góp phần kéo sức mua trở lại. Gần đây, một số doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với các ngân hàng hỗ trợ tối đa vấn đề tài chính cho người mua. Trong đó, có một số chủ đầu tư làm việc với ngân hàng để đưa ra mức lãi suất vay thấp nhất cho khách hàng. Nhất là với khách hàng là người trẻ thì câu chuyện tài chính mua nhà luôn được cân nhắc.
Chia sẻ mới đây về giải pháp phát triển nhà vừa tấm với, ông David Jackson - Tổng Giám Đốc Avison Young Việt Nam phân tích: Giá nhà tăng nhanh những năm qua khiến người dân đô thị ngày càng chật vật để có một nơi an cư lạc nghiệp. Giá bán cao, tiền thuê tăng, nguồn cung bất cân đối làm gia tăng gánh nặng cho nhiều hộ gia đình, khiến mục tiêu sở hữu nhà ngày càng xa tầm với. Thực trạng này đang diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Trong vòng năm năm (2019 – 2023), chỉ số chênh lệch giữa giá nhà và thu nhập hộ gia đình (house price-to-income ratio) tại Việt Nam tăng 19,5%. Tại các quốc gia châu Á lân cận như Hàn Quốc, Philippines, Indonesia, Trung Quốc và Thái Lan mức tăng lần lượt là 47,9%; 37,9%; 34%; 18.9% và 9.4%. Xu hướng tương tự cũng diễn ra tại Hoa Kỳ, Canada, và Đức với mức tăng lần lượt là 25%; 22%; và 18,9% trong cùng giai đoạn. Các con số nói trên cho thấy giá nhà ngày càng đắt đỏ và cách xa thu nhập, đồng nghĩa cơ hội sở hữu nhà ở đối với người dân các nước ngày càng thấp. Bên cạnh đó, lãi vay cũng không dễ chịu, khiến việc mua nhà đã khó càng khó hơn.
Khi giá mua, giá thuê, chi phí sinh hoạt và các chi phí liên quan đều có xu hướng tăng và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu nhập của người dân đô thị, nhu cầu nhà ở – vốn là nhu cầu thiết yếu – càng ngày càng trở nên “xa xỉ”. Việc kéo giãn cư dân đô thị từ vùng lõi ra vùng cận trung tâm hoặc thậm chí ra các địa phương giáp ranh là một trong những giải pháp. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa khoảng 42,6% và dự báo đạt 50% vào năm 2030, bài toán nhà ở cho mọi người chỉ có thể được giải quyết bằng cách tiếp cận đa chiều.
Theo phân tích từ ông David Jackson, cần xem nhà ở là hạ tầng thiết yếu cho an sinh xã hội, là nền tảng để phát triển kinh tế như đường sá, điện nước. Theo đó, các chính sách phát triển nhà ở được xây dựng theo đúng trọng tâm, nhằm giải quyết vấn đề an sinh, có sự hỗ trợ từ nguồn vốn đầu tư dài hạn của Nhà nước cũng như trợ cấp về lãi suất hay tín dụng. Với khối tư nhân – doanh nghiệp thực hiện xây dựng nhà ở, việc xác định đúng mục tiêu nhắm đến người có nhu cầu ở thực sẽ định hướng chu trình phát triển dự án, từ giai đoạn tìm kiếm, thu gom quỹ đất cho đến lúc định vị và triển khai dự án. Ngoài ra, còn có nhiều cơ hội mở rộng hợp tác với các đối tác vốn khác nhau để cùng đầu tư nhằm đa dạng và củng cố dòng tiền.
“Thách thức về nhà ở sẽ càng trầm trọng hơn nếu những gì được tạo ra thị trường bất động sản không tương xứng với giá trị thật cho cộng đồng và xã hội, cụ thể là đáp ứng nhu cầu thuê và sở hữu nhà", ông Jackson nhấn mạnh.
PV