Làng hoa Tết lớn nhất miền Trung được mùa, trúng giá
Mặc dù còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhưng các chủ vườn hoa tại xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi rất vui mừng, phấn khởi vì vụ hoa Tết năm nay mưa thuận gió hòa, hoa phát triển tốt, giá cả ổn định. Hiện nhiều thương lái, khách mua hoa đã tới tận vườn để đặt hoa.
Xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa không chỉ là "thủ phủ" hoa Tết của Quảng Ngãi mà đây còn là làng hoa Tết lớn nhất của miền Trung. Những ngày này, bà con đang tích cực bón phân, tỉa cành, chăm sóc kỹ lưỡng vườn hoa để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.
Để có được những chậu hoa nở đúng thời điểm Tết và đẹp thì những người trồng hoa phải tất bật chăm sóc. Với những áng hoa cúc lớn, muốn hoa nở đẹp, bông to thì ngay thời điểm khi cây hoa vừa bung nụ người chăm hoa phải cắt tỉa bớt những nụ nhỏ xung quanh nụ chính. Công việc làm thủ công này đòi hỏi sự tỉ mẩn, khéo léo mới có thể mang đến những chậu hoa đẹp nhất phục vụ dịp Tết.
Ông Bùi Phát cho biết, thời tiết đợt này tuy không có mưa lũ lớn, nhưng lại mưa nhỏ kéo dài nhiều ngày liên tục nên việc chăm sóc hoa tốn nhiều công sức hơn. Vì vừa phải thuê người cắt tỉa mà vừa liên tục bơm thuốc để hoa xanh tươi, phòng nấm bệnh; bật bóng điện thắp sáng từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau để giữ ấm cho cây hoa.
Theo nhiều hộ dân trồng hoa, năm nay thương lái mua giá khoảng 1 triệu đồng/chậu cúc lớn, chậu nhỏ nhất có giá khoảng 220.000 đồng. Nếu như những năm trước đến tháng 12 âm lịch thương lái mới dạo các vườn để chọn hoa, đặt cọc tiền. Nhưng năm nay, từ đầu tháng 11 âm lịch, thương lái đã nườm nượp đổ về làng đặt cọc tiền. Hoa cúc được bán sớm, giá tăng, người trồng hoa rất phấn khởi.
"Năm nay tiền công thuê người chăm hoa, tiền thuốc, phân bón tăng giá hơn so mọi năm nhưng bù lại hoa phát triển tốt, ít sâu bệnh nên dễ bán. Tính ra thì bà con vẫn thu lãi, có tiền chuẩn bị cho dịp Tết sắp tới", chị Nguyễn Thị Thu, cho biết.
Làng hoa Nghĩa Hiệp được hình thành cách đây khoảng 50 năm. Trước đây, người trồng hoa chủ yếu trồng với quy mô nhỏ lẻ, tranh thủ thời gian nhàn rỗi vào dịp cuối năm để trồng hoa với mục đích kiếm thêm thu nhập. Sau nhiều năm, người dân nhận thấy lợi nhuận từ nghề trồng hoa mang lại khá cao nên số lượng người trồng hoa trên địa bàn xã Nghĩa Hiệp từ vài chục hộ ban đầu đến nay đã tăng lên khoảng 500 hộ.
Chủng loại hoa đa dạng hơn, cách trồng và chăm sóc hoa cũng chuyên nghiệp hơn.
Với hơn 20 năm kinh nghiệm trồng, chăm sóc hoa, anh Lê Văn Nông cho biết, nắm bắt được xu thế "chưng" hoa Tết của người dân, năm nay anh không chỉ trồng 1.000 chậu cúc mà còn trồng thêm các loại hoa khác như: hồng, vạn thọ, dạ hương thảo… "Hoa cúc vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng vì màu hoa vàng tươi, các chậu hoa được tạo khối đều đặn, sum suê, tượng trưng cho sự tròn đầy trong ngày Tết, nhưng tôi chọn đa dạng các loại hoa để nếu loại này có hư hỏng, sâu bệnh hay giá thấp thì còn có các loại hoa khác "kéo" lại", anh Nông nói.
Hoa cúc nơi đây không chỉ được trồng dọc theo bãi bồi ven sông Vệ mà còn hiện hữu giữa các khu dân cư. Tháng 1/2023, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ vừa cấp bằng công nhận nhãn hiệu tập thể "Hoa Nghĩa Hiệp" và được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Điều này góp phần quảng bá thương hiệu cho làng hoa lan xa đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước, tạo cơ hội làm giàu cho nông dân địa phương.
Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp Võ Thị Thịnh, cho biết, toàn xã có khoảng 500 hộ trồng hoa Tết với khoảng hơn 300.000 chậu hoa. Từ lúc hoa Nghĩa Hiệp được công bố nhãn hiệu đã có nhiều thương lái, người kinh doanh hoa tìm đến mua hoa hơn. Vụ hoa Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 này, các chủ vườn hoa đã tăng số lượng, theo ghi nhận, toàn xã tăng khoảng 10%, về giá cả cũng tăng khoảng 5% so với năm trước.
"Thời gian tới, để nâng tầm nhãn hiệu sản phẩm, mang lại thu nhập thường xuyên cho người dân, địa phương đã triển khai trồng thí điểm hoa cúc để làm trà. Hiện đã có sản phẩm sơ bộ ban đầu và sẽ được địa phương kiểm nghiệm kỹ trước khi đưa ra thị trường.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã đi tham quan, học hỏi mô hình du lịch cộng đồng tại miền Tây để thí điểm tại địa phương. Hy vọng, những kế hoạch, định hướng này sẽ sớm thành công để người dân có thu nhập ổn định, kinh tế địa phương ngày càng phát triển", bà Thịnh chia sẻ.
Theo Đinh Hương