Giá vàng thế giới tăng
Vàng giao ngay tăng nhẹ khoảng 0,2% sau đợt bán tháo khiến giá kim loại quý giảm hơn 1%. Hiện, giới đầu tư chờ đợi dữ liệu lạm phát quan trọng của Mỹ, manh mối về thời điểm cắt giảm lãi suất của ngân hàng trung ương để ra quyết định mua vàng.
Giá vàng tăng do lãi suất trái phiếu kho bạc giảm. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm khiến vàng thỏi không sinh lãi trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.
Vào tháng 6, hoạt động kinh doanh của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong 26 tháng. Ngoài ra, thị trường việc làm phục hồi đẩy đồng USD lên mức cao nhất trong gần 8 tuần. Đồng USD mạnh hơn khiến vàng thỏi trở nên đắt đỏ đối với những người nắm giữ tiền tệ khác.
Ngoài ra, giới đầu tư chờ đợi dữ liệu lạm phát quan trọng của Mỹ, bình luận từ quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, chờ manh mối về thời điểm cắt giảm lãi suất của ngân hàng trung ương.
Kyle Rodda - nhà phân tích thị trường tại Capital.com - cho biết: "Hồi cuối tuần, thị trường chứng kiến đợt bán tháo vàng do đồng USD mạnh lên. Vàng bị ảnh hưởng ở mức độ nào đó, dù thị trường đang tiến tới hai lần cắt giảm lãi suất trong năm nay".
Các nhà giao dịch đang chờ đợi báo cáo chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân ( PCE ) cốt lõi của Mỹ (thước đo lạm phát ưa thích của Fed ) vào cuối tuần, đợi thêm tín hiệu về thời gian và quy mô cắt giảm lãi suất.
"Nếu PCE ở mức thấp hơn, điều đó cho thấy Fed có khả năng hạ lãi suất hai lần trong năm nay. Và nếu đạt được điều đó, đây là điểm tích cực với giá vàng", Rodda nói thêm.
Bạc giao ngay tăng 0,2% lên 29,59 USD/ounce, bạch kim không đổi ở mức 992,45 USD và paladin tăng 0,5% lên 953,46 USD.
Ở thị trường nhiên liệu, dầu thô Brent giảm 5 cent xuống 85,19 USD/thùng, sau khi giảm 0,6% hồi cuối tuần. Dầu thô WTI giảm 7 cent xuống mức 80,66 USD/thùng. Giá dầu giảm nhẹ trong phiên giao dịch đầu tuần do lo ngại về lãi suất cao hơn, đồng USD tăng. Giá dầu còn ảnh hưởng bởi căng thẳng chính trị, chính sách cắt giảm nguồn cung của OPEC+.