• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dẹp loạn thẩm mỹ “chui”: Cần sự đồng hành của người dân và báo chí

"Ngành Y tế mong người dân và các cơ quan báo đài tiếp tục cung cấp thông tin phản ánh liên quan đến các cơ sở hành nghề và quảng cáo trái phép để cương quyết xử lý nghiêm theo quy định” - đó là thông điệp xuyên suốt mà Sở Y tế TP Hồ Chí Minh mong muốn hướng đến, nhằm đẩy lùi nạn thẩm mỹ “chui” đang ngày càng biến tướng, khó kiểm soát.

Thách thức lớn cho ngành Y tế

Theo thống kê, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có hơn 7.000 cơ sở cung ứng dịch vụ liên quan đến thẩm mỹ, làm đẹp. Tuy nhiên, chỉ khoảng 600 cơ sở là do Bộ Y tế và Sở Y tế cấp phép hoạt động (chiếm chưa đến 15%), hơn 85% cơ sở làm đẹp còn lại (bao gồm các cơ sở spa, chăm sóc da; cơ sở phun - xăm - thêu thẩm mỹ; cơ sở dịch vụ cắt tóc gội đầu…) do UBND quận, huyện và TP Thủ Đức cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không cần cơ quan chuyên môn y tế thẩm định và cấp phép.

Việc có nhiều cơ sở y tế, cơ sở chăm sóc sắc đẹp ra đời đã phần nào giải quyết được nhu cầu làm đẹp, nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động và chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, với số lượng cơ sở cung ứng dịch vụ thẩm mỹ đang ngày càng nở rộ như hiện nay cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát.

Đặc biệt, tình trạng các cơ sở thẩm mỹ hoạt động “chui” ngày càng diễn ra tinh vi hơn, luôn tìm cách né tránh các cơ quan chức năng bằng cách thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ trong khu dân cư, nhà trọ, khách sạn... Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro cho khách hàng thi thực hiện dịch vụ.

Một trường hợp bị tai biến sau khi tiêm filler tại cơ sở thẩm mỹ “chui” ở Quận 6

Một trường hợp bị tai biến sau khi tiêm filler tại cơ sở thẩm mỹ “chui” ở Quận 6

Đúng như Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhận định, thực trạng hành nghề thẩm mỹ “chui” trên địa bàn thành phố không phải là câu chuyện mới nhưng luôn là vấn đề “nóng” về nhiều phương diện.

“Nóng” ở đây là vì nó liên quan đến sức khoẻ và tính mạng của người dân; nóng vì đòi hỏi các phòng Y tế quận, huyện phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong công tác giám sát hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn; nóng vì đòi hỏi Thanh tra Sở Y tế phải năng động và chủ động hơn nữa trong phối hợp với chính quyền địa phương nhằm phát hiện và xử lý những thủ đoạn hành nghề “chui” ngày càng tinh vi của các cơ sở; nóng vì luôn cần sự tham gia và phản ánh kịp thời của người dân khi phát hiện các hành vi nghi ngờ hành nghề trái phép; nóng vì luôn đòi hỏi ngành Y tế tăng cường phối hợp với các cơ quan báo đài đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân khi có nhu cầu sử dụng các dịch vụ thẩm mỹ…

Để ngăn chặn tình trạng này, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã đưa ra một số giải pháp như: Thường xuyên phối hợp với Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội và Phòng An ninh chính trị nội bộ - Công an TP Hồ Chí Minh kịp thời phát hiện, kiểm tra và xử lý các cơ sở hoạt động không phép trong lĩnh vực y tế nhưng lén lút thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ; phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an các quận, huyện, TP Thủ Đức xác minh và xử lý nghiêm các trường hợp tai biến do thực hiện dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp với các Sở, ngành, chính quyền địa phương trong việc thông tin nhận thức, ngăn ngừa rủi ro và tăng cường quản lý các khách sạn, khu dân cư để kịp thời phát hiện các hoạt động thẩm mỹ không phép; phối hợp với UBND quận, huyện và TP Thủ Đức tiến hành kiểm tra các cơ sở cung cấp dịch vụ làm đẹp do UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức quản lý hoạt động trên địa bàn…

Báo chí đồng hành, phát huy hiệu quả

Nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của toàn hệ thống ngành Y tế và các cơ quan chức năng, công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực y tế, thẩm mỹ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có những chuyển biến tích cực; hàng loạt cơ sở thẩm mỹ hoạt động “chui”, hoạt động không phép nhanh chóng được phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

Bên cạnh những kết quả đạt được không thể thiếu sự đồng hành của người dân và các cơ quan báo chí trong việc phối hợp cung cấp thông tin, phản ánh kịp thời tình hình hoạt động của các cơ sở thẩm mỹ.

Bác sĩ chăm sóc bệnh nhân bị tai biến sau phẫu thuật thẩm mỹ xảy ra vào tháng 6/2023

Bác sĩ chăm sóc bệnh nhân bị tai biến sau phẫu thuật thẩm mỹ xảy ra vào tháng 6/2023

Theo đó, rất nhiều vụ việc liên quan đến thẩm mỹ “chui” bị phanh phui, phát hiện gần đây có một phần đóng góp đến từ các cơ quan báo chí và người dân.

Đơn cử như loạt bài phản ánh về thế giới thẩm mỹ “chui”, do báo Thanh Niên thực hiện vào năm 2022, qua các bài viết như: “Sự thật kinh hoàng trong thế giới thẩm mỹ chui”, bài “Sự thật kinh hoàng trong thế giới thẩm mỹ chui: Những chiêu trò “moi” tiền khách”... Qua những bài viết này, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã vào cuộc xử lý và mong muốn các báo, đài tiếp tục hỗ trợ cung cấp thông tin cho Thanh tra Sở Y tế về các cơ sở hành nghề trái phép trên địa bàn để có cơ sở và phối hợp xử lý.

Hay như loạt bài phản ánh của báo Sài Gòn Giải Phóng về tình trạng mua bán, cho thuê chứng chỉ hành nghề y, dược với tiêu đề: “Dễ như thuê, mua chứng chỉ hành nghề y dược”, “Mua online, nhận công khai”, “Sôi động “sàn” giao dịch thuê, mượn bằng cấp”, “Thế giới ngầm” nha khoa”. Đây là một thực trạng và thách thức đối với công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hành nghề y, dược.

Sở Y tế đã hoan nghênh báo Sài Gòn Giải Phóng đã đưa vấn đề này ra công luận, vừa có tác động cảnh báo đến người dân, vừa là yêu cầu từ thực tiễn trong công tác quản lý Nhà nước của ngành Y tế và các Sở, ngành có liên quan; đòi hỏi phải có những biện pháp quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn và sớm chấm dứt tình trạng này.

Tương tự, báo Tuổi trẻ Thủ đô mới đây cũng đã chủ động phối hợp với Phòng Y tế Quận 10, UBND Quận 10 trong việc cung cấp thông tin liên quan đến một cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn có dấu hiệu hoạt động không phép và thường xuyên quảng cáo, lôi kéo khách hàng thực hiện các dịch vụ có xâm lấn, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra và phát hiện cơ sở này hoạt động không phép. UBND Quận 10 đã ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH Phát triển Đào tạo Thẩm mỹ Việt Nam - VNBA do bà Nguyễn Yến Ny làm Giám đốc với hành vi: “Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh”, với tổng số tiền phạt 90 triệu đồng và đình chỉ hoạt động của cơ sở 18 tháng.

Sau sự việc nêu trên, UBND Quận 10 đã có văn bản phản hồi báo Tuổi trẻ Thủ đô, đồng thời gửi lời cảm ơn đến báo đã giúp công tác quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực Y tế của quận được thực hiện chính xác và kịp thời.

Người đàn ông xưng là “Bác An” không phải bác sĩ nhưng vẫn tay ngang thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ cho khách hàng

Người đàn ông xưng là “Bác An” không phải bác sĩ nhưng vẫn tay ngang thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ cho khách hàng

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, để kiểm soát và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến thẩm mỹ, ngành Y tế rất mong người dân tiếp tục cung cấp thông tin phản ánh liên quan đến các cơ sở hành nghề và quảng cáo trái phép qua đường dây nóng 0989.401.155 hoặc phản ánh qua app “Y tế trực tuyến” để Thanh tra Sở Y tế có thông tin, kịp thời phát hiện xử lý theo quy định.

Riêng đối với các cơ quan báo chí, Sở Y tế ghi nhận và mong tiếp tục nhận được các phản ánh về các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động quảng cáo, hành nghề y, dược trên địa bàn thành phố.

Có thể thấy, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, báo chí luôn giữ một vị trí, vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội. Bên cạnh việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, báo chí còn là phương tiện, vũ khí sắc bén trong đấu tranh chống tiêu cực, lên án các biểu hiện vi phạm pháp luật nhằm tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật và giáo dục ý thức pháp luật cho mọi tầng lớp Nhân dân.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết