• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cơ hội hình thành thị trường giao dịch tín chỉ đa dạng sinh học

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), thế giới đang đối mặt với ba khủng hoảng toàn cầu là biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và đa dạng sinh học. Với biến đổi khí hậu là tín chỉ carbon; với ô nhiễm môi trường, các quốc gia tiếp tục thảo luận về tín chỉ nhựa; với đa dạng sinh học, cơ chế bồi hoàn đa dạng sinh học, tín chỉ đa dạng sinh học cũng đang được nghiên cứu.

Để chuẩn bị cho việc xây dựng, tiến tới áp dụng các công cụ này, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp với các chuyên gia về tài chính của Công ty quản lý Quỹ Dragon Capital tại Việt Nam thực hiện nghiên cứu về lượng giá đa dạng sinh học, cơ chế dựa vào thị trường cho bảo tồn đa dạng sinh học, cơ chế bồi hoàn và tín chỉ đa dạng sinh học.

Ông Lại Văn Mạnh - chuyên gia Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường chia sẻ, bồi hoàn đa dạng sinh học còn được hiểu là đền bù sinh thái. Trên thế giới, bồi hoàn đa dạng sinh học được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau và đã được phát triển như một cơ chế để cải thiện các tác động tiêu cực đến môi trường của việc giải phóng mặt bằng để phát triển đô thị, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng hoặc các dự án khai thác và khí đốt. Tại Việt Nam, trồng rừng thay thế có thể được xem như một cách bồi hoàn sinh thái.

Tín chỉ đa dạng sinh học là một khái niệm mới tại Việt Nam, song đã được triển khai trên thế giới. Ở một số quốc gia, tạo dựng thị trường cho tự nhiên được áp dụng như tín chỉ đa dạng sinh học, điển hình như Ngân hàng sinh học Malua tại Malaysia; trái phiếu tê giác ở Nam Phi; tín chỉ động vật hoang dã ở Namibia…Tín chỉ đa dạng sinh học là chứng nhận về bảo tồn, là bước phát triển của cơ chế bồi hoàn đa dạng sinh học được hình thành dựa trên cơ chế thị trường để vốn hóa nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học. Tín chỉ này có thể được giao dịch trên thị trường như thị trường tín chỉ carbon để tạo ra quỹ quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học, bù đắp các tác động đối với các giá trị đa dạng sinh học có thể xảy ra do tác động của các dự án phát triển hạ tầng.

Từ các công cụ kinh tế đa dạng sinh học này có thể hướng đến hình thành ngân hàng đa dạng sinh học. Theo ông Lại Văn Mạnh - Ngân hàng đa dạng sinh học là một cơ chế dựa vào thị trường nhằm khuyến khích sự phát triển không lấy đi hoặc tác động đến các khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao, đồng thời cung cấp các động lực cho tổ chức, cá nhân bảo tồn để bảo vệ các khu vực này. Sản phẩm của ngân hàng đa dạng sinh học chính là hệ thống các tín chỉ đa dạng sinh học cho phép nhà phát triển mua các khoản tín chỉ để đền bù cho những mất mát về đa dạng sinh học do các dự án phát triển gây ra. Ngân hàng đa dạng sinh học tạo ra cơ hội hình thành thị trường giao dịch tín chỉ đa dạng sinh học bởi nó khuyến khích các tổ chức quản lý khu bảo tồn hoặc các tổ chức, cá nhân có nguyện vọng thể đăng ký tham gia bảo tồn, cam kết nâng cao và bảo vệ các giá trị đa dạng sinh học.

Khi các quy định về trách nhiệm đền bù sinh thái được áp dụng, nhà đầu tư phát triển có nhu cầu mua các khoản tín chỉ đa dạng sinh học; các nhà đầu đã hoàn thành trách nhiệm đền bù có thể bán các khoản tín chỉ. Chính phủ hoặc các tổ chức, cá nhân quan tâm đến bảo tồn cũng có thể mua các khoản tín chỉ này. Quá trình giao dịch, trao đổi và chuyển nhượng này sẽ hình thành thị trường tín chỉ đa dạng sinh học.

Việt Nam là một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học của thế giới, với sự phong phú và đa dạng về các nguồn gen quý, hiếm. Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng suy thoái đa dạng sinh học đang diễn ra ngày càng lớn do những tác động đến từ quá trình chuyển đổi đất, phát triển cơ sở hạ tầng, loài ngoại lai xâm hại, khai thác quá mức nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường…

Trên hành trình hướng tới tương lai bền vững, Chính phủ Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết hợp giữa phát triển và bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên. Việt Nam đã ban hành các chính sách, pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, bao gồm Luật Đa dạng sinh học 2008, Quyết định số 149/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phát triển các cơ chế tài chính sáng tạo nhằm hỗ trợ quá trình bảo tồn./.

Hoàng Vân


Tác giả: Nguyễn Hoàng Vân
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...