• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bất động sản Hà Nội 'hết dư địa', nhà đầu tư ùn ùn 'săn đất' tỉnh lẻ?

Nhờ hạ tầng kết nối ngày càng hoàn thiện và quỹ đất dồi dào, những năm gần đây các tỉnh lân cận Hà Nội thu hút mạnh dòng vốn đầu tư vào bất động sản. Nhiều nhà đầu tư đã và đang “đổ xô” về vùng ven, tạo nên làn sóng dịch chuyển rõ nét khỏi khu vực nội đô chật chội.

Vùng Thủ đô Hà Nội bao gồm Thủ đô và 9 tỉnh lân cận, mang sứ mệnh là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia và là hạt nhân phát triển kinh tế, văn hóa – lịch sử, khoa học – giáo dục của cả nước.

Dù chỉ chiếm 7,4% diện tích cả nước, khu vực này tập trung tới 21,1% dân số và đóng góp khoảng 25% GDP Việt Nam – cho thấy vai trò đầu tàu rõ rệt.

Dư địa, cơ hội bứt phá sau sáp nhập của các đô thị Vùng Thủ đô

Một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay là sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh. Cả nước đang hướng tới tinh gọn từ 63 tỉnh, thành xuống còn 34, trong đó Hà Nội được giữ nguyên do tính chất đặc thù.

183-1739875540986321406036.jpg

Dư địa, cơ hội bứt phá sau sáp nhập của các đô thị Vùng Thủ đô. (Ảnh: PO)

Ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng, việc sáp nhập sẽ mang lại dư địa phát triển đô thị to lớn và tác động tích cực đến thị trường bất động sản (BĐS).

Theo nhận định của các chuyên gia, quá trình sáp nhập tỉnh sẽ đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và thị trường BĐS Vùng Thủ đô được dự báo sẽ có sự chuyển mình mạnh mẽ. Thực tế cho thấy BĐS sẽ là lĩnh vực hưởng lợi nhiều nhất khi không gian phát triển được mở rộng và nguồn lực được tập trung.

Minh chứng rõ nét là đợt mở rộng địa giới hành chính Hà Nội năm 2008. Nhờ sáp nhập Hà Tây và các vùng lân cận, Hà Nội có thêm quỹ đất lớn để phát triển hàng loạt khu đô thị mới.

Kết quả, sau 17 năm, quy mô kinh tế Thủ đô đã tăng trưởng vượt bậc: Thu ngân sách Hà Nội năm 2024 đạt gần 512.000 tỷ đồng, gấp hơn 8 lần năm 2007; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 6.500 USD, gấp 5 lần so với trước sáp nhập. Rõ ràng, nếu không mở rộng, Hà Nội khó có dư địa để đạt những thành tựu ấn tượng như vậy về phát triển đô thị.

“Việc sáp nhập các tỉnh vùng Thủ đô ngày nay cũng được kỳ vọng tạo nên những “siêu địa phương” mới, đủ nguồn lực và không gian để triển khai các dự án hạ tầng, khu đô thị quy mô lớn, tạo sức bật cho cả vùng trong dài hạn”, ông Khôi nói.

Bên cạnh lợi ích, chúng ta cũng ý thức rằng quá trình sắp xếp lại địa giới đặt ra không ít thách thức. Việc tổ chức, vận hành chính quyền trên địa bàn mới đòi hỏi tầm nhìn quy hoạch đồng bộ, tránh chồng chéo.

Do đó, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để sau sáp nhập, bộ máy hành chính hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, đồng thời sẵn sàng kiểm soát hiện tượng sốt đất ảo có thể xảy ra theo tâm lý đón đầu quy hoạch.

Việc “chặn sóng” đầu cơ BĐS đã được tính đến nhằm đảm bảo thị trường phát triển ổn định, bền vững.

“Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cả thể chế lẫn quy hoạch, chúng ta tin tưởng quá trình mở rộng không gian phát triển Vùng Thủ đô sẽ diễn ra suôn sẻ, tạo cú hích mạnh mẽ cho kinh tế – xã hội vùng, đặc biệt là thị trường BĐS”, ông Khôi nhấn mạnh.

Đô thị vùng vệ tinh: Tâm điểm của làn sóng đầu tư

Trong bức tranh phát triển Vùng Thủ đô, các đô thị vệ tinh xung quanh Hà Nội đang nổi lên là những điểm đến đầu tư sôi động nhất.

Nhờ hạ tầng kết nối ngày càng hoàn thiện và quỹ đất dồi dào, những năm gần đây các tỉnh lân cận Hà Nội thu hút mạnh dòng vốn đầu tư vào BĐS.

Nhiều nhà đầu tư đã và đang “đổ xô” về vùng ven, tạo nên làn sóng dịch chuyển rõ nét khỏi khu vực nội đô chật chội.

Ông Khôi cho rằng, vai trò ngày càng lớn của loạt đô thị vệ tinh như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Giang… Đây đều là các địa phương nằm ở vị trí “cửa ngõ” của Thủ đô, đồng thời tích cực cải thiện hạ tầng giao thông và môi trường đầu tư.

Nhờ đó, mức độ quan tâm tới thị trường BĐS tại các tỉnh này đã tăng trưởng vượt trội so với Hà Nội.

hn20230929163332-17286324564881726245511.jpg

Mức độ quan tâm và đầu tư bất động sản tại các đô thị Vùng Thủ đô tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm 2024, đầu năm 2025. (Ảnh: SPO)

Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, mức độ quan tâm và đầu tư BĐS tại các đô thị Vùng Thủ đô tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm 2024, đầu năm 2025.

Xu hướng này còn tiếp tục trong Quý I/2025 khi nhu cầu tập trung nhiều ở các khu vực dọc tuyến đường Vành đai 4 và các hành lang công nghiệp kết nối Hà Nội với Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương.

“Rõ ràng, dòng tiền và nhu cầu đang dịch chuyển về các đô thị vệ tinh, biến các đô thị vệ tinh thành tâm điểm của thị trường”, ông Khôi nêu.

Trong khi đó, ông Lê Đình Chung, Tổng Giám đốc SGO Homes cho rằng, các tỉnh vùng Thủ đô đang có tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ. Điều này tạo nền tảng vững chắc cho thị trường BĐS phát triển bền vững.

Đơn cử, khu vực kinh tế trọng điểm Bắc – Nam đang nổi lên như một trong những trục phát triển quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt với sự hiện diện của ba trung tâm công nghiệp lớn gồm Bắc Ninh, Thái Nguyên và Bắc Giang.

Sự phát triển đồng đều của ba địa phương này đang hình thành nên một trục kinh tế chiến lược, góp phần thúc đẩy tăng trưởng toàn vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Đồng thời, quá trình công nghiệp hóa mạnh mẽ tại đây cũng tạo ra lực đẩy lớn cho thị trường BĐS, đặc biệt là phân khúc khu công nghiệp, nhà ở công nhân và đô thị vệ tinh.

Bên cạnh đó, trục kinh tế Đông Tây cũng là một hành lang phát triển năng động, kết nối ba khu vực chiến lược tại miền Bắc, với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ và phát triển bền vững.

Cụ thể, Hưng Yên đang nổi lên như một thủ phủ công nghiệp mới, với sự phát triển mạnh mẽ của các đô thị vệ tinh hiện đại. Tỉnh này tập trung vào các ngành công nghiệp mũi nhọn như điện tử, công nghệ cao và chế biến nông sản, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn, đặc biệt là trong các lĩnh vực sản xuất và chế tạo.

Tại khu vực Hải Dương - Hải Phòng, Hải Phòng đã và đang trở thành trung tâm cảng biển và logistics hàng đầu miền Bắc, với hệ thống cảng nước sâu quốc tế, giúp kết nối thương mại với các thị trường toàn cầu. Cùng với đó, Hải Dương đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ và các dịch vụ logistics, hỗ trợ nền kinh tế khu vực phát triển đồng bộ và hiệu quả.

Sự kết nối giữa các tỉnh này không chỉ mang lại cơ hội lớn trong phát triển công nghiệp và thương mại mà còn tạo ra tiềm năng đầu tư BĐS hấp dẫn trong tương lai. Trục kinh tế Đông Tây hứa hẹn sẽ là động lực mạnh mẽ, thúc đẩy liên kết vùng và mở rộng cơ hội kinh tế cho khu vực miền Bắc.

Dự báo, trong giai đoạn tới, ông Chung cho rằng, thị trường BĐS tại các tỉnh sẽ tiếp tục duy trì đà phục hồi, với phân khúc nhà ở thực dẫn dắt thị trường nhờ vào nhu cầu về các sản phẩm có vị trí thuận tiện và pháp lý rõ ràng.

“Các tỉnh Vùng Thủ đô sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt nhờ vào sự phát triển hạ tầng và xu hướng giãn dân từ Thủ đô”, ông Chung nhấn mạnh.


Nguồn:https://congluan.vn/bat-dong-san-ha-noi-het-du-dia-nha-dau-tu-un-un-san-dat-tinh-le-10290491.html Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...