Vì sao người Việt dễ dàng quét mã QR mua hàng ở Thái Lan, Campuchia, Lào nhưng khách du lịch các nước này sang Việt Nam lại khó thanh toán tương tự?
Mặc dù đã triển khai kết nối thanh toán song phương qua mã QR nhưng khách du lịch Thái Lan, Campuchia và Lào sang Việt Nam đều gặp khó khăn khi thanh toán qua mã QR. Trong khi đó, năm 2025, dự kiến Việt Nam sẽ tiếp tục kết nối thanh toán bằng mã QR với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Mới đây, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã tổ chức họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng “Sổ tay hướng dẫn cung cấp, vận hành và sử dụng dịch vụ thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR”.
Để thúc đẩy thanh toán giữa các quốc gia trong khu vực, Việt Nam đã hợp tác với Thái Lan, Campuchia và Lào triển khai kết nối thanh toán song phương qua mã QR. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vướng mắc khiến quá trình thanh toán chưa thông suốt, còn gặp gián đoạn.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hưng Nguyên, Phó Tổng Giám đốc CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) – Phó Trưởng ban Thường trực Ban soạn thảo, đã cập nhật tình hình triển khai thanh toán qua mã QR tại Việt Nam.
Theo đó, tính tới hiện tại, mỗi ngày NAPAS xử lý khoảng 10 triệu giao dịch qua VietQR, trong đó ít nhất có khoảng 40% là các loại giao dịch thanh toán. Có thể thấy, độ phủ về thanh toán mã QR tại Việt Nam là rất tốt, số lượng đơn vị chấp nhận thanh toán rất nhiều.
Mặc dù vậy, đại diện NAPAS cũng chỉ ra, khi khách du lịch Thái Lan, Campuchia và Lào sang Việt Nam đều gặp khó khăn khi thanh toán qua mã QR, do mã QR hiện tại chủ yếu là QR chuyển tiền chứ chưa phải QR thanh toán và định dạng QR giữa các bên còn khác nhau . Việc duy trì nhiều định dạng là không phù hợp. Chỉ cần 1 định dạng mã QR để thị trường phát triển tốt nhất.
Năm 2024, NAPAS đã cho ra mắt VietQR Global, sử dụng cho tất cả các thanh toán xuyên biên giới thông qua các kênh song biên. Năm 2025, dự kiến sẽ kết nối với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Trước đó, tại cuộc họp hồi tháng 8/2024 do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết việc kết nối hệ thống thanh toán xuyên biên giới qua QR Code cho phép người dân mỗi nước quét QR Code để trả tiền hàng hóa, dịch vụ an toàn, tiện lợi tại các nước này ngay trên ứng dụng di động ngân hàng Việt Nam và ngược lại.
Tuy nhiên, việc kết nối này chỉ thực hiện tốt ở chiều đi, nghĩa là khách hàng là người Việt Nam khi sang Thái Lan, Campuchia mua hàng hóa dễ dàng quét QR Code để trả tiền nhưng ở chiều ngược lại việc thanh toán của khách du lịch từ Thái Lan hoặc Campuchia tại Việt Nam gần như không có,…
Theo đại diện Vụ Thanh toán, một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vấn đề trên là: Mức độ nhận diện thương hiệu tại các điểm chấp nhận thanh toán song phương của ngân hàng và mạng lưới chấp nhận thanh toán tại Việt Nam còn chưa đồng bộ, dễ gây nhầm lẫn giữa mã QR thanh toán nội địa và mã QR thanh toán song phương: Các ngân hàng khi tham gia dịch vụ đều ưu tiên triển khai chiều Việt Nam thực hiện thanh toán tại đơn vị chấp nhận thanh toán ở nước ngoài…
Tổ biên tập Sổ tay hướng dẫn cho biết trên thế giới, có hai xu hướng triển khai giao dịch bằng mã QR: Triển khai QR đối với các giao dịch chuyển tiền và chuyển đổi dần sang các giao dịch thanh toán; Triển khai QR đối với các giao dịch thanh toán ngay từ đầu.
Các quốc gia có xu hướng thống nhất một chuẩn QR do chính phủ bảo trợ ban hành. Chính phủ các quốc gia hỗ trợ tài chính cho các tổ chức phát triển mạng lưới, miễn giảm phí nhằm thúc đẩy sử dụng dịch vụ.
Các thành viên Ban soạn thảo và Tổ biên tập đã cùng thảo luận về các vấn đề liên quan đến mạng lưới merchant (điểm chấp nhận thanh toán); giải pháp để merchant chuyển đổi từ mã QR chuyển tiền sang mã QR thanh toán; các quy định về mạng lưới chấp nhận thanh toán khi tham gia dịch vụ; chế tài áp dụng với các vi phạm quy định cung cấp dịch vụ; phí giao dịch; chính sách hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước…
Đại diện Tổ biên tập chỉ ra các khó khăn chính trong việc triển khai thanh toán xuyên biên giới qua mã QR bao gồm: Phát triển mạng lưới chấp nhận thanh toán, tính liên thông giữa các mạng lưới mã QR Việt Nam, tuân thủ cung cấp dịch vụ, chính sách thúc đẩy từ cơ quan quản lý, tuân thủ nhận diện thương hiệu...
Đại diện Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định, Ngân hàng Nhà nước ủng hộ việc các ngân hàng phát triển mạng lưới merchant và liên thông với nhau. Về vấn đề phí cũng như các vướng mắc khác, đại diện Vụ Thanh toán ghi nhận và cho biết, sẽ có văn bản báo cáo lãnh đạo NHNN xem xét tháo gỡ khó khăn.
Lan Anh