Ngân hàng tuần qua: NHNN lý giải nguyên nhân hút tiền qua tín phiếu, chính thức giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn
Tâm điểm ngành ngân hàng tuần qua là các diễn biến liên quan đến tỷ giá, hoạt động hút tiền của NHNN và quy định mới về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn chính thức có hiệu lực.
Chính thức giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn về 30%
Theo quy định của Thông tư 08/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 14/8/2020 sửa đổi, bổ sung Thông tư 22/2019/TT-NHNN, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng chính thức giảm từ 34% xuống 30% kể từ ngày hôm nay 1/10. Trước đó, tỷ lệ này đã giảm từ mức 37% xuống còn 34% từ ngày 1/10/2022.
Số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, tính đến tháng 7/2023, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của toàn hệ thống là 26,14%. Trong đó, tỷ lệ này ở mức 24,97% đối với nhóm các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước và 33,66% ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần.
Theo KBSV, trong ngắn hạn, việc hạ tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ làm chậm quá trình giảm lãi suất cho vay các kỳ hạn dài của các ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế đang cần được hỗ trợ để tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, thông tư mới cũng sẽ phần nào gây áp lực lên nhu cầu huy động kỳ hạn dài của các ngân hàng, làm tăng chi phí vốn (COF) của các ngân hàng, gây áp lực làm thu hẹp biên lãi ròng (NIM).
Trong dài hạn, KBSV cho rằng với chủ trương lành mạnh hóa hoạt động tín dụng và bảo đảm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, việc áp dụng quy định mới được kỳ vọng sẽ giúp các ngân hàng kiểm soát tốt hơn rủi ro thanh khoản, ổn định hoạt động trước những thay đổi trong và ngoài nước, đồng thời thúc đẩy phát triển nền kinh tế bền vững.
NHNN hút ròng 73.800 tỷ qua kênh tín phiếu
NHNN tiếp tục chào bán tín phiếu 28 ngày theo cơ chế đấu thầu lãi suất trong 5 phiên giao dịch tuần qua. Kết quả, NHNN đã hút về gần 73.800 tỷ đồng qua kênh tín phiếu. Trước đó, NHNN đã mở lại kênh hút tiền qua tín phiếu vào phiên 21/9 sau hơn 6 tháng tạm ngưng. Động thái này diễn ra trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dư thừa và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021.
Về mức độ quan tâm, phiên giao dịch cuối tuần 29/9 chứng kiến số lượng thành viên tham gia đấu thầu tín phiếu giảm mạnh so với các phiên trước đó (11 - 17 thành viên). Bên cạnh đó, toàn bộ 4 thành viên tham gia đều trúng thầu với khối lượng chỉ đạt 3.800 tỷ (chưa bằng 1/5 so với phiên hôm trước) với lãi suất trúng thầu đạt mức cao nhất từ từ đầu đợt phát hành (1%). Những diễn biến này cho thấy mức độ hấp dẫn của tín phiếu 28 ngày của NHNN đã giảm đi và thanh khoản hệ thống đã có phần bớt dư thừa.
Lý giải nguyên nhân hút tiền qua kênh tín phiếu, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, USD tăng giá mạnh thời gian gần đây, hiện Ngân hàng Nhà nước đang theo dõi sát thị trường ngoại tệ, đang điều hành để ổn định tỷ giá. Mặc dù vậy, ông Hà cũng nêu thế khó của nhà điều hành khi lãi suất và tỷ giá có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.
“Mấy ngày gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã phải điều tiết tín phiếu ngắn hạn để giảm bớt thanh khoản dư thừa trên hệ thống, cố gắng để không tác động lớn tới mặt bằng lãi suất. Hiện nay lãi suất thị trường liên ngân hàng vẫn ổn định. Dù vậy, áp lực thời gian tới vẫn rất lớn khi chúng ta cần cân đối giữa lãi suất và tỷ giá” - Phó Thống đốc nhận định.
Tỷ giá USD giảm mạnh vào cuối tuần
Tỷ giá trung tâm tuần qua tăng tổng cộng 29 đồng, kết tuần ở mức 24.089 VND/USD. Giá bán USD can thiệp cũng tăng tương ứng lên 25.243 VND/USD.
Trên thị trường ngân hàng, sau nhiều ngày duy trì ở sát mốc 24.600 đồng, tỷ giá USD đã quay đầu giảm mạnh vào cuối tuần và xuống sâu dưới mốc 24.500 đồng.
Kết tuần, giá USD tại Vietcombank (ngân hàng có quy mô giao dịch ngoại tệ lớn nhất hệ thống) mua - bán ở mức 24.090 – 24.460 VND/USD, giảm 70 đồng so với cuối tuần trước. Giá USD tại hầu hết ngân hàng cũng đều giảm xuống dưới mốc 24.500 đồng.
Giá USD ngân hàng giảm sâu sau khi NHNN đã có 7 phiên hút ròng VND liên tiếp qua kênh tín phiếu, qua đó đưa gần 93.800 tỷ VND ra khỏi hệ thống ngân hàng.
Phát biểu tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong thời gian qua, NHNN đã bám rất sát tình hình, chủ động điều hành với liều lượng và thời điểm hợp lý. Trước yêu cầu giảm lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, trong khi đó gần đây chỉ số USD tăng trở lại mức 106 nên có thời điểm tỷ giá đã tăng 3,7% so với đầu năm.
Tuy nhiên, với việc điều tiết tiền tệ thông qua các công cụ, giải pháp thị trường tiền tệ, tỷ giá hiện nay còn tăng 3% so với đầu năm. Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục theo dõi sát tình hình, diễn biến để chủ động điều hành phù hợp.
Theo giới phân tích, động thái phát hành tín phiếu của NHNN nhằm điều chỉnh thanh khoản trong hệ thống trong ngắn hạn, và từ đó kỳ vọng sẽ đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND, giúp làm giảm mức chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND. Hoạt động này không đồng nghĩa với việc NHNN sẽ đảo chiều chính sách tiền tệ. Trên thực tế, việc thực hiện nghiệp vụ phát hành tín phiếu này còn có thể được coi là tích cực, thay vì NHNN lựa chọn phương án bán ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối. Thông qua nghiệp vụ này, NHNN có thể có những đánh giá mức độ dồi dào của thanh khoản trên hệ thống, và điều chỉnh mức lãi suất trên thị trường 2 để cân đối giữa áp lực tỷ giá và hạn chế tối đa ảnh hưởng lên mặt bằng lãi suất thị trường 1.
Lần đầu tiên sau 3 năm tăng trưởng huy động vốn cao hơn tín dụng
Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, tính đến thời điểm 20/9/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,75% so với cuối năm 2022. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,8%, trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế chỉ đạt 5,73%.
Đáng chú ý đây là lần đầu tiên sau 3 năm, hệ thống ngân hàng mới chứng kiến lại hiện tượng tăng trưởng huy động vốn cao hơn tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm. Cụ thể, năm 2022, huy động vốn trong 9 tháng chỉ tăng 4,6% trong khi tín dụng tăng 11,05%. Năm 2021: huy động vốn 9 tháng tăng 5,2% trong khi tín dụng tăng 7,88%.
Tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm cũng còn thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu được đặt ra cả năm: NHNN định hướng tín dụng năm 2023 tăng khoảng 14%. Điều này đã dẫn đến thanh khoản dư thừa lớn trên toàn hệ thống. Trong báo cáo phân tích gần đây, công ty chứng khoán BSC cho biết, số dư Citad tại hệ thống đã lên gần 400.000 tỷ đồng, trong khi dự trữ bắt buộc chỉ ở mức khoảng 280.000 tỷ đồng. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng duy trì ở mức rất thấp dưới 1% trong thời gian dài.
Tại Hội nghị Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn ra vào tuần trước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, đến ngày 15/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56%. Mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn thấp so với cùng kỳ các năm trước, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các yếu tố khách quan như: cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa; tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản. Sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm...); tổ chức tín dụng rất khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.
Con trai chủ tịch VPBank muốn mua 70 triệu cổ phiếu VPB
Ông Ngô Chí Trung Johnny - Con trai ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank đăng ký mua 70 triệu cổ phiếu VPB nhằm mục đích đầu tư.
Giao dịch dự kiến diễn ra trong thời gian từ 2/10 đến 2/11 theo phương thức khớp lệnh/thỏa thuận. Ông Ngô Chí Trung Johnny hiện chưa sở hữu cổ phiếu VPB nào. Nếu giao dịch thành công, con trai chủ tịch VPBank sẽ sở hữu 1,04% vốn tại VPBank.
Ước tính, ông Trung sẽ cần chi ra khoảng khoảng 1.470 tỷ đồng để mua vào lượng cổ phiếu đăng ký.
Theo công bố thông tin của VPBank, gia đình chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng đang sở hữu tổng cộng khoảng 1,044 tỷ cổ phiếu VPBank. Trong đó 3 người nắm giữ nhiều nhất là ông Ngô Chí Dũng (328,6 triệu cổ phiếu), bà Hoàng Anh Minh (vợ ông Ngô Chí Dũng - 326,8 triệu cổ phiếu) và bà Vũ Thị Quyên (mẹ ruột ông Ngô Chí Dũng - 325,9 triệu cổ phiếu).
Mạnh Đức
Nhịp sống Thị trường