Bộ Tài chính đề xuất bồi thường cho người dân, doanh nghiệp bị chậm hoàn thuế
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, doanh nghiệp, người dân có thể nhận bồi thường bằng mức lãi suất không quá 10% mỗi năm với số tiền bị chậm hoàn thuế.
Bộ Tài chính đang xây dựng tờ trình sửa đổi Luật Quản lý thuế. Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất bãi bỏ quy định mức tiền phải trả lãi theo Luật Quản lý thuế. Thay vào đó, người nộp thuế bị chậm hoàn thuế sẽ được bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Luật Quản lý thuế nêu rõ người nộp thuế được nhận mức lãi 0,03% một ngày khi bị chậm hoàn thuế. Nhưng tại tờ trình Chính phủ về sửa Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính cho biết hiện nay chưa có quy định cụ thể về thẩm quyền, thủ tục và kinh phí để hoàn trả tiền lãi này.
Điều này dẫn đến việc cơ quan thuế chưa có cơ sở thực hiện theo Luật Quản lý thuế. Vì vậy, Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định về việc trả lãi tại luật này.
Thêm vào đó, theo quy định tại Khoản 4 Điều 23 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017, khoản tiền lãi phải trả cho người nộp thuế được tính theo lãi suất phát sinh do chậm trả tiền trong trường hợp không có thỏa thuận theo quy định của Bộ Luật dân sự tại thời điểm thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường.
Tức lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm; trường hợp không rõ hoặc có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức 20%/năm, tức 10%/năm.
Như vậy, khi cơ quan thuế giải quyết hoàn thuế chậm, người nộp thuế có thể được bồi thường với mức lãi suất không quá 10%/năm.
Trong 7 tháng đầu năm 2024, Tổng cục Thuế ban hành 10.494 quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT), tương ứng số tiền 76.355 tỷ đồng, bằng 107% so với cùng kỳ 2023.
Thực tế, câu chuyện doanh nghiệp bị chậm hoàn thuế giá trị gia tăng và rơi vào tình trạng khó khăn tài chính không phải là hiếm gặp.
Hồi tháng 6/2024, nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm ngành như gỗ, giấy, cao su... liên tục phản ánh việc bị nợ hoàn thuế cả nghìn tỷ đồng khiến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Theo Mai Linh (t/h)