Một "vùng tử thần" mới đang hình thành gần Tam giác quỷ
Một vùng đại dương rộng lớn gần Tam giác quỷ Bermuda đang ấm lên, tính axit tăng vọt, mặn và "khó thở" hơn bao giờ hết.
Chỉ trong vòng 40 năm, lượng ôxy trong nước biển "vùng tử thần" này đã giảm 6%, tính axit cao hơn tới 30%, nước biển mặn hơn và ấm thêm 1 độ C.
Những thay đổi khắc nghiệt nói trên đủ để sinh vật biển nơi đây bị đe dọa nghiêm trọng, quần thể ngày một thu hẹp vì môi trường quá khó sống cho cả chúng và nguồn thức ăn của chúng.
Ví dụ, các động vật có vỏ sẽ khó duy trì lớp vỏ vì tính axit cao khiến nồng độ ion carbon trong nước biển thấp hơn.
Nghiên cứu này dựa trên dữ liệu được thu thập từ năm 1988 đến nay trong khuôn khổ Nghiên cứu chuỗi thời gian Đại Tây Dương Bermuda (BATS), khảo sát khu vực cận nhiệt đới của Đại Tây Dương, ngay bên cạnh Tam giác quỷ lừng danh.
Các kết quả vừa được công bố trên tạp chí khoa học Frontiers in Marine Science đã chỉ ra một trong những tác động thảm khốc của tình trạng nóng lên toàn cầu do biến đổi khí hậu.
Theo GS Nicholas Bates, nhà nghiên cứu đại dương từ Viện Khoa học Đại dương Bermuda (thuộc Đại học bang Arizona - Mỹ), những gì đang xảy ra gần Tam giác quỷ có thể là xảy ra ở nhiều nơi khác trên Trái Đất.
"Chúng tôi nghi ngờ đây là một phần của một xu hướng rộng lớn hơn về nhiệt độ đại dương, cũng như các thay đổi về môi trường biển. Cũng giống như sự nóng lên của khí quyển và những năm ấm áp nhất trên toàn thế giới hiện nay" - GS Bates nói.
Ông cùng các cộng sự kết luận môi trường hóa học khác biệt ở vùng biển gần Tam giác quỷ Bermuda - mà các sinh vật buộc phải chật vật thích nghi - là do đại dương hấp thụ CO2 do con người tạo ra trong khí quyển.
Các nhà nghiên cứu dự định thu thập thêm dữ liệu từ các trạm quan sát khác trên thế giới để tìm hiểu bức tranh toàn cảnh về sự nóng lên, nhiễm mặn và axit hóa đại dương.
Theo Thu Anh