Cuộc sống tại Delhi - thành phố ô nhiễm nhất thế giới
Tại phòng khám đầu tiên chuyên điều trị các bệnh do ô nhiễm ở Delhi (Ấn Độ), ông Deepak Rajak 64 tuổi đang vật lộn với cơn hen suyễn ngày càng nặng. Con gái ông đã đưa ông đến đây trong tình trạng vô cùng lo lắng khi thấy sức khỏe của cha mình xấu đi nhanh chóng.
Trong phòng chờ, Rajak nói rằng ông thấy rất khó thở và không thể ngừng ho. “Không thở được. Tôi đi xe buýt đến và cảm thấy như bị ngạt thở”.
Phòng khám chuyên khoa tại Bệnh viện Ram Manohar Lohiya (RML) ở thành phố Delhi được thành lập vào năm ngoái để đáp ứng nhu cầu điều trị ngày càng tăng cho các bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí, đặc biệt là trong mùa đông, khi tình trạng ô nhiễm tại thủ đô Ấn Độ trở nên trầm trọng hơn.
Lớp bụi mù độc hại dày đặc đã bao phủ thành phố từ cuối tháng trước, biến ngày thành đêm. Tình trạng này đã làm gián đoạn các chuyến bay, che khuất tầm nhìn của các tòa nhà và đe dọa tính mạng của hàng triệu người dân nơi đây.
"Tình trạng y tế khẩn cấp"
Theo các thiết bị giám sát chất lượng không khí toàn cầu, tính đến tuần trước, không nơi nào trên thế giới có mức độ ô nhiễm không khí nguy hiểm như thành phố Delhi.
Tình hình trở nên nghiêm trọng đến mức bà Atishi Marlena, người đứng đầu chính quyền khu vực Delhi, đã phải tuyên bố về "tình trạng y tế khẩn cấp", khi quyết định cho đóng cửa trường học và kêu gọi người dân ở nhà để giảm thiểu tác động của ô nhiễm.
Tuy nhiên, đó không phải là sự lựa chọn của Rajak, người làm công việc giặt khô để nuôi sống gia đình. “Có thể làm gì đây? Tôi phải ra ngoài để làm việc”, ông chia sẻ. “Nếu tôi không kiếm được tiền, thì gia đình tôi sẽ sống sao? Mỗi khi ra ngoài, cổ họng tôi như bị tắc nghẽn. Đến tối, tôi cảm thấy như mình đã chết”.
Trong tuần này, tại một số khu vực ở thành phố Delhi, chỉ số chất lượng không khí (AQI) đã vượt quá 1.750, theo IQAir. Trên mức 300 được coi là nguy hiểm cho sức khỏe. Vào thứ Tư, chỉ số ô nhiễm bụi mịn PM2.5, loại ô nhiễm nhỏ nhất và nguy hiểm nhất, đã cao hơn 77 lần so với mức an toàn do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt ra.
Khi hít vào, bụi mịn PM2.5 đi sâu vào mô phổi, từ đó có thể xâm nhập vào máu và dẫn đến bệnh hen suyễn, bệnh tim và phổi, ung thư, các bệnh hô hấp khác, cũng như suy giảm nhận thức ở trẻ em.
Một số người mô tả không khí độc hại khiến mắt họ bỏng rát và cổ họng ngứa ngáy. “Tôi cảm thấy như bị dính ớt vào mắt”, Mohammad Ibrahim, một tài xế địa phương chia sẻ với CNN, ông nói rằng ngực ông luôn đau đớn vì phải làm việc ngoài trời suốt ngày dài trong môi trường ô nhiễm nặng.
Một số cư dân cho biết việc sinh sống tại nơi đây trở nên ngày càng khó khăn. Cựu quân nhân Không quân Ấn Độ, Aditya Kumar Shukla, 64 tuổi, chia sẻ rằng ông cố gắng không ra ngoài vào.
"Bạn không thể làm gì để bảo vệ mình khỏi ô nhiễm, ngay cả khi ở trong nhà, không khí vẫn ô nhiễm và nó sẽ xâm nhập vào bên trong", ông chia sẻ tại bệnh viện Batra ở thành phố Delhi, nơi ông đang điều trị bệnh hen suyễn.
Tại phòng khám, tiến sĩ Amit Jindal cho biết ông và các đồng nghiệp đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể số lượng bệnh nhân gặp phải các vấn đề về ngực đường hô hấp kể từ khi mức độ ô nhiễm không khí tăng vọt. Ông xác nhận rằng sự gia tăng này liên hệ trực tiếp với khói bụi.
Bệnh nhân gặp phải các triệu chứng như ho dai dẳng, vấn đề về ngực và phổi, cùng với cảm giác cay mắt. Gaurav Jain, bác sĩ chuyên khoa phổi tại bệnh viện Batra, cho biết rằng ngay cả những người không hút thuốc cũng đang mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).
Ông nói: "Nhiều bệnh nhân hít phải khí ô nhiễm trong thời gian dài, đặc biệt là những người làm việc gần các khu vực bụi bặm, họ mắc COPD. Phổi của họ không khỏe mạnh, bị khó thở ở độ tuổi khá trẻ và có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn."
Vấn đề nan giải
Ô nhiễm không khí đã là một vấn nạn dai dẳng ở thành phố Delhi trong hơn hai thập kỷ.
Sự chuyển giao giữa mùa hè và mùa đông thường đồng nghĩa với việc chất lượng không khí ngày càng xấu đi. Trong những ngày không gió, khói bụi từ nhiều nguồn khác nhau như đốt rơm rạ, nhà máy nhiệt điện và phương tiện giao thông tích tụ dày đặc trên bầu trời.
Cơ quan quản lý ô nhiễm Ấn Độ đã báo động về tình trạng ô nhiễm không khí cực kỳ nghiêm trọng tại nhiều khu vực vào Chủ nhật và buộc phải áp dụng các biện pháp khẩn cấp như dừng hoạt động của các phương tiện vận tải và công trình xây dựng.
Họ cũng đang phun nước và chất chống bụi ra đường, đồng thời tăng cường quét đường. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết dù được triển khai hàng năm, nhưng chúng chỉ là những biện pháp tạm thời và không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của ô nhiễm không khí.
Vào năm 2019, chính phủ Ấn Độ đã triển khai Chương trình Không khí Sạch Quốc gia nhằm cải thiện chất lượng không khí ở các thành phố, đồng thời thành lập các ủy ban ở cả cấp quốc gia và địa phương để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng các chính phủ lại chủ yếu tập trung vào các biện pháp ứng phó khẩn cấp thay vì những nỗ lực dài hạn.
"Chúng ta cần thực hiện các hành động có hệ thống và toàn diện để giảm ô nhiễm tại nguồn, điều đó có nghĩa là chúng ta phải bắt đầu xem xét mức độ ô nhiễm từ giao thông, ngành điện, công nghiệp, chất thải, và xác định các khu vực chịu ảnh hưởng", nhà phân tích môi trường Sunil Dahiya cho biết.
Hà Trang (theo CNN)