• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát huy nguồn nhân lực trẻ, thúc đẩy dòng chảy văn hóa sáng tạo

Với Hà Nội, nguồn lực quan trọng bậc nhất, cũng là lợi thế hàng đầu chính là nguồn tài nguyên văn hóa và nguồn lực con người. Thành phố đang từng bước phát huy sức mạnh tổng hợp các nguồn lực, chuyển hóa thành sức mạnh mềm, thúc đẩy việc kế thừa, phát triển dòng chảy văn hóa sáng tạo của Thủ đô.

Đổi mới tư duy, nhận thức

Là Thủ đô của cả nước, nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa những giá trị tinh hoa văn hóa của dân tộc, Hà Nội càng nhận thức rõ hơn về vị trí, vai trò và trách nhiệm của mình trong việc cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người.

Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn quán triệt sâu sắc và vận dụng linh hoạt, sáng tạo để việc phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội, không tách rời quan điểm của Đảng ta về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam song vẫn mang những nét đặc trưng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội Thủ đô.

Nhiệm kỳ này, thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, ngày 22/2/2022, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Điều đó cho thấy, Đảng bộ thành phố Hà Nội xác định tầm quan trọng của ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô; Đồng thời, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô trong phát triển công nghiệp văn hóa, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa ngàn năm, đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Phát huy nguồn nhân lực trẻ, thúc đẩy dòng chảy văn hóa sáng tạo

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, việc xây dựng và ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU được Thành ủy Hà Nội chuẩn bị, thu thập tài liệu, nghiên cứu rất kỹ lưỡng, khoa học với hai hội thảo khoa học và 4 cuộc tọa đàm thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia về lĩnh vực văn hóa cả trong nước và quốc tế.

"Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô trong giai đoạn tới", Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết.

Nghị quyết số 09-NQ/TU nêu rất rõ mục tiêu của Hà Nội là tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao; Hoạt động có tính chuyên nghiệp, với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; Dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu. Thành phố đặt ra mục tiêu đưa Hà Nội trở thành một “Thành phố sáng tạo” ở tầm vóc Châu Á và “công nghiệp văn hóa” phải trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, có thể đóng góp đến 8% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố (vào năm 2030) và 10% GRDP của thành phố (đến năm 2045)...

Để đạt được mục tiêu trên, Hà Nội xác định đổi mới tư duy, nhận thức về phát triển công nghiệp văn hóa là một quá trình thường xuyên, liên tục, lâu dài và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện trong quá trình phát triển. Công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế mới, đòi hỏi phải có bước đi phù hợp, với cơ chế, chính sách đặc thù mang tính đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.

Bên cạnh đó, thành phố xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của Thủ đô để phát huy sự sáng tạo dựa trên các nguồn lực công nghiệp văn hóa cho phát triển bền vững như: Chuyển đổi di sản công nghiệp, nhà, biệt thự cũ, di sản đô thị, di sản ký ức thành di sản văn hóa mới; Phát triển nghề và sản phẩm nghề thủ công truyền thống...; Có cơ chế, chính sách khuyến khích, xúc tiến đầu tư quảng bá các loại hình công nghiệp văn hóa; Chú trọng cơ chế đảm bảo phát huy hiệu lực, hiệu quả việc thực thi và khai thác quyền sở hữu trí tuệ đúng pháp luật.

Hà Nội cũng chú trọng phát triển thị trường công nghiệp văn hóa ở khu vực có tiềm năng, lợi thế như ở khu vực đô thị, làng nghề truyền thống, thông qua các chương trình đào tạo hoặc liên kết với chuyên gia quốc tế để nâng cao năng lực sáng tạo, hướng đến thị trường quốc tế; Lựa chọn xây dựng các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao để quảng bá cho ngành công nghiệp văn hóa Hà Nội với cả nước và thế giới kết hợp với du lịch, các hoạt động thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Phát huy nguồn nhân lực trẻ, thúc đẩy dòng chảy văn hóa sáng tạo

Phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (Ảnh: TTXVN)

Để thu hút và hỗ trợ đầu tư, thành phố đặt mục tiêu quy hoạch, bố trí quỹ đất, nguồn lực đầu tư của Nhà nước và ngoài Nhà nước cho các công trình, dự án phát triển văn hóa chất lượng cao, trong đó ưu tiên phát triển không gian công cộng, điểm du lịch văn hóa, vui chơi giải trí, nghệ thuật biểu diễn, kết hợp phố - không gian đi bộ, điểm mua sắm, mở rộng tạo không gian văn hóa dành cho cộng đồng.

Bên cạnh đó, Hà Nội thực hiện các chính sách ưu đãi, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẵn có lợi thế, tiềm năng như: Nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, phần mềm và các trò chơi giải trí, du lịch văn hóa, ẩm thực…; Phát triển mạng lưới doanh nghiệp văn hóa, trong đó hình thành một số tập đoàn lớn về công nghiệp văn hóa.

Chú trọng nguồn lực con người

Hà Nội là trung tâm đầu não về chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Từ thuở là Thăng Long đến nay, Thủ đô Hà Nội luôn là trung tâm văn hóa của đất nước. Năm 2020, Thủ đô Hà Nội tròn 1010 tuổi, được thế giới biết đến là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”, nơi diễn ra nhiều sự kiện quốc gia và quốc tế quan trọng...

Với bề dày truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị và sáng tạo, Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc trọng trách của mình trong xây dựng và phát huy sức mạnh văn hóa dân tộc trong tiến trình hội nhập, phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Ngoài “vốn” di sản văn hóa giàu có, Hà Nội còn có nguồn lực con người to lớn với trên 51,7% dân số trẻ, tập trung 65% tổng số các nhà khoa học trong cả nước. Đồng thời, thành phố cũng hội tụ nhiều nghệ nhân giỏi, thợ lành nghề, cộng đồng sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa. Đây là nguồn lực văn hóa quan trọng và quý giá.

Song song với phát huy nguồn lực di sản, trong thời gian qua, Đảng bộ và chính quyền thành phố luôn quan tâm tới việc xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh và coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội, là yếu tố then chốt thực hiện xây dựng văn minh đô thị Hà Nội. Điều này đã được cụ thể hóa trong nhiều phong trào như xây dựng: “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”...; Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh...

Thành phố tiếp tục kiên trì mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, hình thành hệ giá trị văn hóa mới trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến; Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, lan tỏa hơn nữa giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, con người Hà Nội nhằm bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu Hà Nội, truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, gương mẫu về đạo đức, lối sống, có khát vọng đổi mới sáng tạo, có ý chí vươn lên của mỗi người dân Thủ đô.

Phát huy nguồn nhân lực trẻ, thúc đẩy dòng chảy văn hóa sáng tạo

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: Đoàn Thanh niên thành phố cần tiếp tục phát huy tính sáng tạo, tổ chức nhiều phong trào, hoạt động thiết thực

Vai trò xung kích của tuổi trẻ

“Sự đa dạng, phong phú của các không gian, mô hình sáng tạo mới hình thành trong thời gian gần đây tại Hà Nội cũng là điều cần ghi nhận. Đó không chỉ là thành quả hữu hình từ một chủ trương, quyết sách đúng của thành phố, mà còn là cơ sở để bồi đắp thêm cho nguồn lực nội sinh ngày một dồi dào, là yếu tố quan trọng góp phần bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong chia sẻ.

Cùng với thành phố, những năm gần đây, tuổi trẻ Thủ đô đang rất tích cực hướng tới mục tiêu chung trong xây dựng Thành phố sáng tạo. Nhiều hoạt động nâng cao hiệu quả chương trình khởi nghiệp sáng tạo trong thanh niên được đề ra nhằm hiện thực hoá việc phát triển Thủ đô thành trung tâm đổi mới, sáng tạo, thông minh, hiện đại của cả nước; Tiến tới là trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực Ðông Nam Á và Châu Á trên một số lĩnh vực; Xứng đáng với danh hiệu thành viên mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO.

“Tôi đặc biệt đánh giá cao việc Đoàn Thanh niên thành phố đã tạo môi trường thuận lợi để khích lệ thanh niên tiếp cận tri thức khoa học công nghệ và thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, mang lại nhiều kết quả tích cực. Điển hình như: Việc xây dựng các không gian hỗ trợ đổi mới sáng tạo; Các mạng lưới câu lạc bộ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Câu lạc bộ nghệ thuật và văn hóa; Câu lạc bộ phong cách và thời trang sinh viên… với hàng nghìn thành viên là sinh viên các trường đại học trên địa bàn.

Cùng với đó là các hoạt động, sự kiện về đổi mới sáng tạo, các cuộc thi quy mô lớn thu hút sự quan tâm và gây tiếng vang như: Ngày hội Đổi mới sáng tạo Thủ đô, Thử thách khởi nghiệp Việt toàn cầu VietChallenge, Cuộc thi thiết kế Công viên sáng tạo InnoPark... Đoàn Thanh niên thành phố cũng tham gia tổ chức các hoạt động giao lưu quốc tế, mở rộng quan hệ đối ngoại, tăng cường quảng bá văn hóa Hà Nội.

Phát huy nguồn nhân lực trẻ, thúc đẩy dòng chảy văn hóa sáng tạo
Số hóa các địa chỉ đỏ” được Đoàn Thanh niên thành phố Hà Nội triển khai đã góp phần làm “mềm hóa” chặng đường tiếp cận lịch sử trong học sinh, sinh viên

Đáng lưu ý, việc triển khai mô hình “Số hóa các địa chỉ đỏ” được Đoàn Thanh niên thành phố triển khai đã góp phần làm “mềm hóa” chặng đường tiếp cận lịch sử trong học sinh, sinh viên; Tiết kiệm kinh phí trong công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch; Đồng thời, thể hiện tính tiên phong, đổi mới, sáng tạo của tuổi trẻ góp phần thúc đẩy du lịch thông minh trên địa bàn thành phố.

Để phát huy vai trò của tuổi trẻ Thủ đô trong xây dựng thành phố sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa, tôi mong rằng, Đoàn Thanh niên thành phố sẽ tiếp tục phát huy tính sáng tạo, tổ chức nhiều phong trào, hoạt động thiết thực; Có nhiều mô hình mới có khả năng nhân rộng trong cả nước.

Đặc biệt, Đoàn Thanh niên thành phố cần tham gia sâu, có chất lượng, hiệu quả vào Chương trình số 06/Ctr-TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 -2025”. Bởi thanh niên là lực lượng quan trọng trong xã hội, việc xây dựng thế hệ trẻ thanh lịch, văn minh, nhạy bén với thời cuộc, tiên phong trong chuyển đổi số, tham gia có chất lượng và trách nhiệm trong tổ chức các sự kiện đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới - chính là tham gia trực tiếp vào công cuộc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong hiện tại và cả tương lai”, đồng chí Phó Bí thư Thành uỷ nhấn mạnh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...