• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lan tỏa niềm tin, thắp lửa tri thức, nhân lên những giá trị nhân văn

Báo chí là một phần của văn hóa và trách nhiệm của những người làm báo chính là truyền tải các thông điệp tích cực, tạo niềm tin cho công chúng, cũng như sự đồng thuận của xã hội, góp phần xây dựng xã hội phát triển, đúng như mục tiêu được đề ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: "Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại".

Truyền cảm hứng tích cực cho người dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam, đã từng khẳng định: "Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ Nhân dân, phục vụ cách mạng"; "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng". Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, Bác nhắc nhở người làm báo và cơ quan báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa. Nhà báo không phải để cho oai, để phách lối, hù dọa người, báo chí có nghĩa vụ phục vụ công nông binh, đấy chính là văn hóa báo chí. Những lời dạy của Người luôn là "kim chỉ nam" cho các cơ quan báo chí, người làm báo - những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cùng các đồng chí lãnh đạo thăm gian trưng bày tại Hội báo toàn quốc năm 2023

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cùng các đồng chí lãnh đạo thăm gian trưng bày tại Hội báo toàn quốc năm 2023

Thực hiện lời dạy của Bác, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm xây dựng môi trường văn hóa, cũng như phát triển báo chí như: Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới...

Hội Nhà báo Việt Nam cũng đưa ra các quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam; Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam...

Đề cập những vấn đề quan trọng của công tác báo chí, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, mỗi cơ quan báo chí phải là một cơ quan văn hóa. Mỗi người làm báo phải luôn có ý thức nâng cao văn hóa của bản thân, đề cao thành tố văn hóa, tinh thần nhân văn và vì lợi ích quốc gia, dân tộc trong sáng tạo, sáng tác các tác phẩm; Góp phần gìn giữ, xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam; Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

“Là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, những người làm báo không chỉ có trách nhiệm tuyên truyền, lan lỏa giá trị tốt đẹp đó mà tự thân phải phấn đấu là những người xây dựng và thực thi. Do vậy, trong từng bài báo, trên mỗi chuyên mục, mỗi nhà báo cần có nhiệm vụ gìn giữ bản sắc văn hóa, thắp lên ngọn lửa tri thức. Mỗi sản phẩm báo chí phải thấm đẫm tính nhân văn, lắng đọng giá trị văn hóa dân tộc, đủ sức lay động lòng người, góp phần bồi đắp ý chí, nhuệ khí cách mạng và khát vọng phồn vinh, hạnh phúc của các tầng lớp Nhân dân”, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chia sẻ.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm gian trưng bày tại Hội báo toàn quốc năm 2023

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm gian trưng bày tại Hội báo toàn quốc năm 2023

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, tính nhân văn, chính xác, khách quan là giá trị cốt lõi và là lý do tồn tại của báo chí. Một nền báo chí nhân văn sẽ có sức mạnh bảo vệ giá trị tốt đẹp, lợi ích tối cao, thiết thực của đất nước và Nhân dân. Vì vậy, báo chí Việt Nam cần kể nhiều câu chuyện, tấm gương truyền năng lượng, cảm hứng tích cực cho người dân và cho doanh nghiệp, với một tâm hồn cảm thông, chia sẻ và một cái đầu bình tĩnh, sáng suốt.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhận định, qua gần 3 năm cả đất nước vượt qua đại dịch COVID-19 và hồi phục nền kinh tế, nhiều chuyên mục tốt, tuyến bài hay, ý nghĩa, lay động cảm xúc trên báo chí cách mạng. Điển hình như, báo điện tử Tổ quốc mở riêng chuyên mục “Đạo đức xã hội” với tuyến bài tiêu biểu “Tự hào Việt Nam” vinh danh các nhân vật hết lòng vì cộng đồng; Báo điện tử Dân trí triển khai tuyến bài “Kiên cường Việt Nam”; Báo điện tử Tin nhanh Việt Nam (VnExpress) đăng nhiều câu chuyện khắc họa những con người bình dị “không ai biết mặt biết tên” nhưng có niềm tin vào chính nghĩa, tình yêu cuộc sống thuần khiết, thu hút lượng đọc, lượt tương tác, bình luận, chia sẻ lớn…

Các báo: Lao động, Tiền phong, Tin tức, Tuổi trẻ Thủ đô, Lao động Thủ đô và nhiều cơ quan báo, đài khác cũng tích cực truyền cảm hứng về tinh thần quả cảm, hết lòng vì cộng đồng, đất nước; Cổ vũ tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp làm giàu, vì lợi ích chung của người dân, doanh nghiệp; Tuyên truyền về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… với rất nhiều ví dụ tiêu biểu, nhiều cách làm hay, góp phần lan tỏa những giá trị nhân văn, tích cực.

Chấn chỉnh những “lệch chuẩn”

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước, các cơ quan báo chí đã thể hiện rõ vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa; Có đóng góp quan trọng trong thông tin, tuyên truyền trên các lĩnh vực chính trị, văn hóa, kinh tế - xã hội của đất nước; Khẳng định và làm sâu sắc những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta, Nhân dân ta...

Nhiều cơ quan báo chí trong suốt quá trình xây dựng, phát triển đã tự thân hình thành những giá trị văn hóa, môi trường văn hóa tốt đẹp; Những tiêu chuẩn, chuẩn mực đạo đức văn hóa để mỗi cán bộ, phóng viên, người làm báo tự giác thực hiện, coi đó là điều hiển nhiên, lẽ tất yếu của người làm báo, người làm văn hóa. Qua đó, chất lượng người làm báo và chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí từng bước được khẳng định; Nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp được báo chí lan tỏa tích cực trong đời sống xã hội.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ quan báo chí, những nhà báo làm tốt nhiệm vụ của mình, cũng có những cơ quan báo chí biểu hiện "lệch hướng" khỏi chuẩn mực văn hóa. Một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ mục đích, chạy theo mạng xã hội, khai thác quá đà thông tin, đặt tít câu view, sử dụng thông tin, hình ảnh không phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục.

Năm 2022, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành thanh tra tại 10 cơ quan báo chí; Ban hành 11 quyết định xử lý vi phạm sau thanh tra. Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố đã tiến hành 2 cuộc thanh tra, 2 cuộc kiểm tra; Xử lý vi phạm hành chính 9 trường hợp vi phạm về báo chí…

Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp của Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã nhiều lần nhắc nhở một số trường hợp nhà báo có những phát ngôn lệch chuẩn trên mạng xã hội; Liên hệ với các báo, tạp chí có phóng viên bị bắt do vi phạm pháp luật, yêu cầu báo cáo và đề xuất hình thức xử lý...

Dưới tác động của các yếu tố tiêu cực bên ngoài cũng như sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, vấn đề văn hóa báo chí đang là nội dung mang tính cấp thiết, vì vậy việc phát động phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí là hết sức quan trọng và kịp thời.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, khi báo chí phản ánh cuộc sống với một lăng kính méo mó và năng lượng tiêu cực, thông tin tiêu cực sẽ trở thành dòng chủ lưu và che lấp đi những mặt tốt đẹp, tích cực của xã hội. Báo chí không được đánh mất vai trò giám sát, phản biện xã hội, đấu tranh chống cái sai, cái xấu nhưng phản biện, phê phán đến đâu thì vừa phải, để độc giả không nhìn xã hội toàn điều bất an, tăm tối. Đây là một việc khó. Việc khó thì cần những con người xuất sắc. Khó nhưng không phải là không làm được, khi báo chí luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước; Khi có sự đồng lòng, quyết tâm “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực” của những người làm báo chân chính và có nghề.

Để mỗi nhà báo là một chiến sĩ văn hóa…

Để mỗi cơ quan báo chí là một cơ quan văn hóa, mỗi nhà báo là một chiến sĩ văn hóa, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị các cơ quan báo chí đề cao yếu tố văn hóa trong hoạt động nghiệp vụ và trong tác phẩm báo chí; Nêu cao tính nhân văn, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, hướng đến các giá trị “chân, thiện, mỹ”, lan tỏa điều tốt đẹp, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, tiêu cực, bồi đắp nền tảng tinh thần xã hội.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm

Xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa là trách nhiệm, đồng thời cũng là vấn đề tự thân của mỗi cơ quan báo chí, người làm báo.

Theo Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, văn hóa của người làm báo nói một cách giản dị là hướng tới 4 chữ “Tâm sáng, bút sắc”. “Tâm sáng” là phẩm chất quan trọng hàng đầu, phản ánh cái đức của người làm báo. Chỉ khi nhà báo có tâm sáng thì mỗi tác phẩm báo chí của họ mới thật sự có ích cho xã hội. Chỉ khi có tâm sáng, bài viết của nhà báo mới bảo đảm tính trung thực, chính xác, giàu tính chiến đấu, làm tròn sứ mệnh “phò chính, trừ tà” với tinh thần xây dựng; Đấu tranh với cái xấu phải luôn song hành bảo vệ cái đúng, khơi dậy điều tốt đẹp trong cuộc sống. Khi nhà báo suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, khi tâm không còn “sáng”, sẽ vô cùng nguy hại, không chỉ cho tờ báo, mà cho cả xã hội, thậm chí còn ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Cùng với những giá trị đạo đức, nhà báo cách mạng phải có “bút sắc”, không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn, cơ sở quan trọng để tạo nên những tác phẩm mang tính chiến đấu, tính hấp dẫn, tính thuyết phục. Mỗi tác phẩm báo chí đòi hỏi phải hội tụ đủ yếu tố nhân văn và hiện đại. Để đạt được mục tiêu đó, mỗi nhà báo phải chịu khó rèn giũa kỹ năng, “mài sắc ngọn bút” với sự đam mê nghề nghiệp, nêu cao tinh thần sáng tạo, cầu thị, học hỏi, nhất là thường xuyên nghiên cứu học tập phong cách viết báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Có thể khẳng định, lan tỏa những giá trị nhân văn, tích cực trong đời sống xã hội cũng như tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí là yêu cầu cấp thiết của thực tiễn. Làm tốt được điều này chính là nâng cao “sức đề kháng” cho báo chí chống lại những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài xã hội, xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; Là vũ khí sắc bén của Đảng trên mặt trận tuyên truyền.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết