• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN: Từ thành viên có trách nhiệm đến chủ động dẫn dắt

30 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam từ hoàn thành tốt trách nhiệm thành viên đến tự tin định hình chiến lược ASEAN và hiện nay là đảm trách, dẫn dắt nhiều tiến trình...

Ngày 28/7/1995 Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đây là bước ngoặc lịch sử, mở đường cho tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam với khu vực và toàn thế giới. Hơn 30 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam đã có nhiều đóng góp nổi bật vào quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN ngày càng phát triển, vững mạnh.

Quyết sách đột phá, kiến tạo cho tương lai

Ngược dòng thời gian, ngày 28/7/1995, Quốc kỳ Việt Nam đã được kéo lên tại Brunei. Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN. Đây là một quyết sách chiến lược rất đúng đắn, gia nhập ASEAN là bậc thang đầu tiên để Việt Nam hội nhập với thế giới.

Trước đây, khi đề cập đến quyết sách này, cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan từng khẳng định, trước khi gia nhập ASEAN, Việt Nam là một nước bị bao vây, cô lập. Khi vào ASEAN, chúng ta đã bình thường hóa quan hệ với tất cả các nước, kể cả Hoa Kỳ. Vào ASEAN, chúng ta có một tư thế mới, là thành viên của một tổ chức có uy tín, từ đó ảnh hưởng của Việt Nam quan trọng hơn.

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (thứ hai, từ phải sang), Tổng Thư ký ASEAN và các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại cuộc họp kết nạp Việt Nam trở thành thành viên chính thức thứ bảy của ASEAN, ngày 28/7/1995, tại Thủ đô Bandar Seri Begawan (Brunei). Ảnh tư liệu: Trần Sơn/TTXVN

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (thứ hai, từ phải sang), Tổng Thư ký ASEAN và các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại cuộc họp kết nạp Việt Nam trở thành thành viên chính thức thứ bảy của ASEAN, ngày 28/7/1995, tại Thủ đô Bandar Seri Begawan (Brunei). Ảnh tư liệu: Trần Sơn/TTXVN

Cũng theo cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan, việc gia nhập ASEAN là bước ngoặt mang tính chiến lược cho cả Việt Nam và ASEAN, là biểu hiện rõ ràng nhất cho tình huống cùng thắng (win-win), chuyển từ cục diện xung đột qua hòa bình, từ nghi ngờ sang tin cậy, từ biệt lập, đặc biệt là kinh tế, thành cộng đồng cùng hợp tác và mở đầu cho quá trình đưa ASEAN trở thành hiệp hội 10 quốc gia thành viên được coi trọng.

Việc Việt Nam gia nhập ASEAN không chỉ có ý nghĩa với Việt Nam mà còn cả với khu vực, mở đường cho các nước khác như Lào, Myanmar và Campuchia gia nhập khối, biến ASEAN trở thành khối các nước hợp tác không phân biệt sự khác biệt về hệ thống chính trị.

Dấu ấn của Việt Nam trong hành trình 30 năm gia nhập ASEAN

ASEAN với sự tham gia của Việt Nam đã đưa khu vực vào thời kỳ mới. Vai trò, dấu ấn của Việt Nam được ghi nhận trong quá trình xây dựng, hình thành các chiến lược, định hướng, kế hoạch phát triển của ASEAN, đặc biệt là trong thúc đẩy tăng cường các cơ chế hợp tác khu vực, với các đối tác lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Ấn Độ.

Chia sẻ với báo giới nhân dịp 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, Đại sứ Malaysia tại Việt Nam Dato' Tan Yang Thai cho biết, Việt Nam để lại dấu ấn từ rất sớm, ngay khi mới gia nhập ASEAN với Kế hoạch Hành động Hà Nội 1998, đăng cai Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 và dẫn dắt quá trình hoạch định Tầm nhìn ASEAN 2020.

Việt Nam cũng là nước hỗ trợ mạnh mẽ việc thành lập các cơ chế mở rộng như ASEAN+3, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), góp phần nâng tầm ảnh hưởng toàn cầu và khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN.

Đặc biệt, trong quá trình ASEAN không ngừng đổi mới, Việt Nam luôn ở vị trí trung tâm. Khi làm Chủ tịch ASEAN năm 2010, Việt Nam đóng vai trò tiên phong trong việc thể chế hóa các diễn đàn mới như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng mở rộng (ADMM+), hiện là cơ chế an ninh then chốt của khu vực.

Năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam đã thể hiện năng lực lãnh đạo và xử lý khủng hoảng hiệu quả trên cương vị Chủ tịch ASEAN

Năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam đã thể hiện năng lực lãnh đạo và xử lý khủng hoảng hiệu quả trên cương vị Chủ tịch ASEAN

Đáng chú ý nhất là năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam đã thể hiện năng lực lãnh đạo và xử lý khủng hoảng hiệu quả trên cương vị Chủ tịch ASEAN.

Trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, giữa cao điểm Covid-19, Việt Nam thể hiện năng lực điều phối khủng hoảng hiệu quả về an ninh y tế và tiếp tục đóng góp vào ứng phó các thách thức xuyên biên giới như tội phạm, an ninh mạng...

Trên trụ cột kinh tế, Việt Nam cam kết mạnh mẽ với tiến trình hội nhập khu vực, ủng hộ tự do hóa thương mại, tích cực thúc đẩy thực thi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Khung phục hồi kinh tế ASEAN.

Trong lĩnh vực kinh tế số và doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu ủng hộ Hiệp định khung Kinh tế số ASEAN (DEFA), đồng thời vận động sự ủng hộ toàn khu vực nhằm tăng cường năng lực và khả năng thích ứng cho các doanh nghiệp.

Về phát triển bền vững, Việt Nam tích cực tham gia vào hợp tác năng lượng ASEAN và thúc đẩy khung đầu tư xanh, phù hợp với định hướng ASEAN Green Deal đang hình thành.

Với những nỗ lực, trách nhiệm của mình, Việt Nam đang nổi lên là nền kinh tế năng động bậc nhất ASEAN, đóng góp lớn cho thương mại toàn cầu và là điểm đến FDI hấp dẫn trong khu vực.

Có thể nói rằng, sau 30 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam đã chuyển mình từ một thành viên mới thành quốc gia có tiếng nói xây dựng, có trách nhiệm và thúc đẩy đồng thuận trong nội khối. Vị thế ngoại giao của Việt Nam ngày càng được củng cố, thể hiện cam kết mạnh mẽ với hòa bình, thịnh vượng và bản sắc chung - đúng với tinh thần Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045.

Từ hoàn thành tốt nhiệm vụ đến vai trò dẫn dắt ASEAN

Nhìn lại những kết quả mà Việt Nam đã làm, đã đạt được kể từ khi gia nhập ASEAN, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn từng nhấn mạnh: “Từ năm 1995 đến nay, Việt Nam phải nỗ lực không ngừng để bắt kịp nhịp độ và tham gia đầy đủ tất cả các lĩnh vực hợp tác ASEAN, và cao hơn là tích cực và chủ động đóng góp vào tiến trình đó.

“Nỗ lực đó đã mang lại cho chúng ta những thành quả đáng tự hào, từ hoàn thành tốt trách nhiệm thành viên trong những ngày đầu, đến tự tin tham gia, đóng góp định hình các chiến lược của ASEAN, và hiện nay đảm trách và dẫn dắt nhiều tiến trình quan trọng”.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giúp Việt Nam cơ hội tiếp cận thị trường, tăng trưởng xuất khẩu, thu hút đầu tư

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giúp Việt Nam cơ hội tiếp cận thị trường, tăng trưởng xuất khẩu, thu hút đầu tư

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cũng nhận định, với những nỗ lực của các ban, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân trong hợp tác với ASEAN, quan hệ kinh tế - thương mại của Việt Nam - ASEAN đã có sự phát triển vượt bậc, cả về bề rộng lẫn chiều sâu.

Năm 1996, khi Việt Nam mới tham gia Khối Thương mại Tự do ASEAN (AFTA), thương mại hai chiều của Việt Nam với các nước trong khối mới chỉ đạt khoảng gần 6 tỷ USD, nhưng đến nay, con số này đã tăng cao, gấp hàng chục lần.

Cụ thể, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với ASEAN đã tăng gấp gần 25 lần, từ 3,26 tỷ USD năm 1995 đã chạm mốc 83,6 tỷ USD năm 2024.

Không những vậy, mạng lưới Hiệp định thương mại tự do (FTA) +1 với các đối tác đến thỏa thuận tầm khu vực như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giúp Việt Nam cơ hội tiếp cận thị trường, tăng trưởng xuất khẩu, thu hút đầu tư. Người dân Việt Nam được hưởng lợi trực tiếp từ các chương trình hợp tác khu vực trên các trụ cột của Cộng đồng ASEAN, từ phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, hợp tác, biển, phát triển bền vững, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, đến giáo dục, lao động, khởi nghiệp, y tế, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh...

Nhìn về tương lai, nhiều chuyên gia và đối tác cùng cho rằng, đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia dẫn đầu về hội nhập kinh tế và đổi mới sáng tạo trong ASEAN. Với lực lượng lao động trẻ, ngành công nghệ phát triển nhanh và chính sách chuyển đổi số đang được đẩy mạnh, Việt Nam có thể là động lực thúc đẩy các sáng kiến chung của ASEAN trong tăng trưởng bền vững và xây dựng Cộng đồng ASEAN kiên cường, thích ứng và bao trùm theo Tầm nhìn ASEAN 2045.

Hành trình 30 năm tham gia ASEAN ghi dấu nỗ lực hội nhập sâu rộng cùng với đóng góp trách nhiệm của Việt Nam cho một ASEAN đoàn kết, vững mạnh, tự cường. Từng bước học hỏi, thích nghi và tham gia với tâm thế chủ động, tích cực, trách nhiệm, Việt Nam đã vươn lên cùng các nước thành viên đóng góp định hướng con đường phát triển của ASEAN, định hình các tiến trình hợp tác của ASEAN.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...