SSI Research dự báo Bách Hoá Xanh có thể lãi 228 tỷ trong năm 2024
SSI Reseach ước tính Bách Hóa Xanh có thể đạt 40.000 tỷ doanh thu trong năm 2024 và có thể tăng lên 45.000 tỷ trong năm 2025. Lợi nhuận ròng lần lượt là 228 tỷ đồng và 668 tỷ đồng trong năm 2024-2025 (so với khoản lỗ 1.200 tỷ đồng trong năm 2023).
Doanh thu/tháng/cửa hàng tiếp tục tăng, đạt mức 2 tỷ đồng trong quý vừa qua nhờ cơ cấu sản phẩm tốt hơn (nhiều rau hơn ở các cửa hàng khu vực thành phố, nhiều trái cây nhập khẩu hơn ở các cửa hàng nông thôn, nhiều thịt/hải sản có thương hiệu hơn). Các cửa hàng Bách Hóa Xanh cung cấp cho khách hàng đa dạng các sản phẩm hơn so với đối thủ là Winmart, nhờ đó thu hút khách hàng mới từ chợ truyền thống hiệu quả hơn.
Theo đó, chuỗi Bách Hoá Xanh đã lãi trước thuế 7 tỷ đồng trong quý II. SSI Research cho rằng với mô hình cửa hàng hiện tại, Bách Hoá Xanh khó có thể tăng doanh thu hơn nữa. Khi doanh thu /cửa hàng đi vào ổn định (2,1-2,2 tỷ đồng), SSI Research kỳ vọng MWG sẽ tối ưu hóa chi phí (tự động hóa hoạt động vận hành để giảm chi phí lao động và logistics) để nâng cao biên lợi nhuận trước thuế.
SSI Reseach ước tính Bách Hóa Xanh có thể đạt 40.000 tỷ doanh thu trong năm 2024 và có thể tăng lên 45.000 tỷ trong năm 2025, tương ứng với doanh thu/tháng/cửa hàng đạt 1,95-2,1 tỷ đồng trong giai đoạn 2024-2025. Ước tính lợi nhuận ròng lần lượt là 228 tỷ đồng và 668 tỷ đồng trong năm 2024-2025 (so với khoản lỗ 1.200 tỷ đồng trong năm 2023).
Tương tự, báo cáo của Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) cho biết, so với các chuỗi siêu thị mini khác (WinMart+, Satrafoods, Co.op Food), danh mục sản phẩm của Bách Hóa Xanh đa dạng hơn ở cả mặt hàng tươi sống và hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Lợi thế cạnh tranh này giúp Bách Hóa Xanh thu hút khách hàng mới và gia tăng tần suất mua hàng của khách hàng hiện hữu. Bên cạnh đó, các sản phẩm tươi sống cũng đóng vai trò là kênh dẫn truyền để khách hàng mua thêm các sản phẩm FMCG với biên lãi gộp cao hơn.
FPTS cho rằng, Bách Hóa Xanh định hướng sẽ mở dày thay vì mở rộng để tối ưu công suất hoạt động của trung tâm phân phối. Dự phóng chuỗi bán lẻ thực phẩm thuộc MWG sẽ nâng số lượng cửa hàng lên 1.740 cửa hàng vào cuối năm 2024, trước khi mở mới thêm 100 cửa hàng/năm trong giai đoạn 2025-2029. Doanh thu trung bình/cửa hàng có thể chạm ngưỡng 2,65 tỷ đồng/tháng trong năm 2029.
Trong khi Bách Hoá Xanh đã “mang tiền về cho mẹ”, chuỗi nhà thuốc An Khang dự báo sẽ tiếp tục thua lỗ 2 năm tiếp theo. Từ giữa năm 2022, MWG đã ngừng mở nhà thuốc mới để điều chỉnh mô hình kinh doanh trước khi tiến hành mở rộng mạng lưới. Tuy nhiên, lợi nhuận của chuỗi nhà thuốc An Khang vẫn chững lại. Theo ước tính của SSI Research, biên lợi nhuận trước thuế đã giảm 15% trong năm 2023 và và giảm 10% trong nửa đầu năm 2024) do cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý.
Do đó, MWG đã quyết định đóng cửa 45 nhà thuốc An Khang trong tháng 6. Trong tháng 7, công ty tiếp tục tăng cường tốc độ đóng cửa các nhà thuốc. Tính từ đầu năm đến nay, MWG đã đóng cửa 139 nhà thuốc (tương đương khoảng 25% tổng số nhà thuốc).
SSI Research cho rằng, chuỗi nhà thuốc An Khang sẽ chịu khoản lỗ lần lượt là 339 tỷ đồng và 243 tỷ đồng trong năm 2024-2025. Như vậy, việc đóng cửa các nhà thuốc An Khang có thể không ảnh hưởng đáng kể đến tổng lợi nhuận ròng của MWG.
Theo Cẩm Thạch