Quản lý thị trường Bình Thuận sẽ kiểm tra 22 doanh nghiệp
Theo kế hoạch kiểm tra định kỳ, trong năm 2025, Cục Quản lý thị trường Bình Thuận sẽ kiểm tra 22 doanh nghiệp, hộ kinh doanh thuộc 8 lĩnh vực khác nhau.
Kiểm tra 22 doanh nghiệp, hộ kinh doanh
Ngày 14/1, thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận cho biết, đơn vị vừa ban hành Quyết định số 1709/QĐ-QLTTBTH về Kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2025.
Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận, kế hoạch này nhằm bảo đảm sự tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh; đấu tranh hiệu quả với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để góp phần phát triển sản xuất trong nước, bình ồn thị trường, mở rộng giao thương hàng hóa, dịch vụ; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Trong năm 2025, Cục Quản lý thị trường Bình Thuận sẽ kiểm tra 22 doanh nghiệp, hộ kinh doanh thuộc 8 lĩnh vực khác nhau. Ảnh: Cục QLTT Bình Thuận |
Việc kiểm tra nhằm đánh giá tình hình thực thi các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh của tổ chức, cá nhân; tổng kết, đánh giá, hướng dẫn các đội quản lý thị trường trong công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực nêu trên. Cùng với đó, biểu đương kịp thời những nhân tố tích cực, chấn chỉnh ngay các yếu kém, sai sót và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Thông qua công tác kiểm tra định kỳ, thực hiện công tác tuyên truyên, phổ biến, giáo dục pháp luật cho tổ chức và cá nhân kinh doanh.
Đồng thời, phát hiện những bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phát huy nhân tố tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước.
Theo đó, năm 2025, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận sẽ kiểm tra đối với 22 doanh nghiệp, hộ kinh doanh là các tổ chức hoạt động kinh doanh xăng dầu; kinh doanh rượu; kinh doanh các sản phẩm thuốc lá; kinh doanh hàng điện tử; hoạt động kinh doanh các nhóm sản phẩm thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương; kinh doanh mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Kiểm tra các hộ kinh doanh hoạt động kinh doanh khí; kinh doanh mặt hàng đường cát.
Đối với tổ chức kinh doanh xăng dầu, lực lượng quản lý thị trường sẽ kiểm tra về đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, nguồn gốc xuất xứ,…
Đối với mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ngoài kiểm tra về đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, nguồn gốc xuất xứ, còn kiểm tra về việc chấp hành quy định quyền sở hữu trí tuệ; chất lượng trong buôn bán/mua bán phân bón; quy định về đo lường trong kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Không gây sách nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp
Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận cho hay, căn cứ theo Kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2025, các đội quản lý thị trường trực thuộc sẽ chủ động thành lập đoàn kiểm tra tổ chức thực hiện đảm bảo chất lượng, đúng thời gian, đúng quy định của pháp luật.
“Đối với việc kiểm tra có nội dung liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ quản lý nhà nước của nhiều ngành, lĩnh vực (như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...) các đội quản lý thị trường phối hợp với cơ quan có liên quan để tổ chức kiểm tra”, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận lưu ý.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu các đội trong hoạt động kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Mọi hành vi vi phạm đều phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời công tác kiểm tra, xử phạt phải gắn với công tác tuyên truyền, phố biến pháp luật đối với nhóm đối tượng được kiểm tra.
Việc kiểm tra không gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; đảm bảo các hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp được diễn ra bình thường. Tổ chức kiểm tra có kế hoạch cụ thể, nội dung kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả; việc đánh giá, kết luận kiểm tra phản ánh thực tế khách quan, trung thực và đảm bảo công bằng.
Đồng thời, tăng cường hoạt động kiểm tra đột xuất, kiểm tra chuyên đề, tập trung giám sát, kiểm tra trong thương mại điện tử. Xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ trên cơ sở quy mô địa bàn, số lượng kiểm soát viên của từng đơn vị, tập trung vào một số lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm để tổ chức thực hiện đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
Từ đó, nhận định, đánh giá phân tích những nội dung cần quan tâm trong chỉ đạo, điều hành quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực; kiến nghị, để xuất với cấp có thẩm quyền các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và công tác quản lý thị trường trong thời gian tiếp theo.
Trong năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận đã thanh, kiểm tra 556 vụ, phát hiện 227 vụ vi phạm (giảm 35 vụ so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, đã xử lý 226 vụ vi phạm (3 vụ năm 2023 chuyển qua), 4 vụ đang xử lý (1 vụ chuyển UBND tỉnh, 1 vụ chuyển hình sự); tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là hơn 3,7 tỷ đồng; tổng số tiền đã nộp ngân sách nhà nước là hơn 5,1 tỷ đồng (đạt 115% so với chỉ tiêu). |