• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lợi nhuận doanh nghiệp cảng biển tích cực

Dữ liệu tích cực về tổng sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển tại Việt Nam tăng, dòng vốn FDI, kim ngạch xuất nhập khẩu có dấu hiệu hồi phục… đã thúc đẩy lợi nhuận cho nhóm cảng biển trong quý III/2023.

Lợi nhuận doanh nghiệp cảng biển tích cực - Ảnh 1.

Khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển có dấu hiệu tạo đáy trong quý I/2023 và bắt đầu quay trở lại đà hồi phục. Ảnh: Internet

Theo số liệu từ CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam, tổng sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển tại Việt Nam 8 tháng đầu năm 2023 ghi nhận đạt 495,8 triệu tấn, tương đương cùng kỳ năm 2022.

Sau khi giảm tốc kể từ quý II – quý III/2022, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển có dấu hiệu tạo đáy trong quý I/2023 và bắt đầu quay trở lại đà hồi phục.

Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2023 đạt 497,66 tỷ USD. Dù giảm 11% so với cùng kỳ năm trước, song kim ngạch xuất nhập khẩu đã có dấu hiệu tạo đáy từ đầu năm và hồi phục dần những tháng gần đây. Đáng chú ý, dòng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam 9 tháng đầu năm 2023 đạt 20,2 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2022; vốn FDI thực hiện khoảng 15,9 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Dòng vốn FDI vào nước ta được dự báo sẽ tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới.

Nhìn chung, tất cả những yếu tố trên đã thúc đẩy cho sự phục hồi của các doanh nghiệp cảng biển niêm yết. BCTC quý III/2023 cũng ghi nhận nhiều đơn vị báo lãi tăng trưởng so với quý III/2022.

Nổi bật nhất là CTCP Cảng Sài Gòn (UPCOM: SGP) với kết quả lãi sau thuế quý III/2023 đạt hơn 94,1 tỷ đồng, tăng gấp gần 3,1 lần so với cùng kỳ năm ngoái, dù doanh thu trong kỳ giảm hơn 10,7%. Nguyên nhân chủ yếu là do SGP đã hoàn nhập chi phí dự phòng gần 55 tỷ đồng.

Cái tên tiếp theo là CTCP Cảng Đồng Nai (HoSE: PDN) với doanh thu thuần quý III/2023 là hơn 300 tỷ đồng và lãi gộp 119 tỷ đồng, tăng tương ứng 9% và 22% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp cải thiện lên 39%, từ mức 35% cùng kỳ. Trừ đi các chi phí và thuế, PDN lãi ròng 80,5 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. So với quý II/2023, con số này gần như đi ngang, qua đó PDN vẫn giữ được mốc lợi nhuận hàng quý cao nhất trong lịch sử hoạt động.

Một doanh nghiệp khác là CTCP Cảng Đà Nẵng (HNX: CDN) công bố BCTC quý III/2023 với doanh thu 319 tỷ đồng, tăng 12 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận gộp về bán hàng ghi nhận ở mức 111 tỷ đồng, giảm nhẹ 2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Dù lợi nhuận gộp có phần giảm, song lợi nhuận sau thuế CDN vẫn tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022 đạt 67 tỷ đồng.

Ngoài ra, đó còn là CTCP Cảng Xanh VIP (UPCOM: VGR) ghi nhận lãi sau thuế quý III/2023 ở mức 74,8 tỷ đồng, tăng gần 19,3%; CTCP Cảng Cần Thơ (UPCOM: CCT) báo lãi sau thuế đạt 3,3 tỷ đồng, gấp gần 2,5 lần cùng kỳ.

Ở chiều ngược lại, CTCP Cảng Hải Phòng (UPCOM: PHP) công bố kết lãi ròng quý III/2023 đạt 163 tỷ đồng, giảm 10,1%. Tương tự, CTCP Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ (HoSE: DVP) báo lãi sau thuế quý III/2023 giảm hơn 45,2% còn 51,2 tỷ đồng.

Kỳ vọng đà phục hồi tiếp diễn

Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành cảng biển mới nhất, CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam kỳ vọng lĩnh vực này sẽ được hưởng lợi từ dự thảo tăng giá sàn ở cảng. Dự thảo đề xuất tăng giá dịch vụ xếp dỡ container từ ngày 1/1/2024, thay thế Thông tư 54/2018/TT-BGTVT về biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, sử dụng cầu bến phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt. Trong đó, với giá dịch vụ xếp dỡ sẽ tăng 10% giá sàn xếp dỡ container đối với hầu hết các cảng.

Ngoài ra, Yuanta Việt Nam nhìn nhận việc tăng giá giúp tăng doanh thu cho các cảng được áp dụng, nhất là sẽ tác động tích cực đến những cảng nước sâu, đón được tàu trên 160.000 DWT; khuyến khích doanh nghiệp cảng sử dụng nhiên liệu sạch theo chủ trương của Chính phủ.

Dự thảo cũng dự kiến tăng mức giá tối đa 19 đồng/GT/giờ (tăng 4 đồng so với hiện tại) đối với tàu thuyền neo buộc tại cầu, bến và tàu nhận được lệnh rời cảng mà vẫn chiếm cầu. Yuanta Việt Nam nhìn nhận, điều này có thể giúp các doanh nghiệp cảng có thể linh hoạt trong việc đàm phán giá với khách hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại thì mức độ tác động tích cực có thể không nhiều.

Bên cạnh đó, giá cước vận tải hồi phục cũng là yếu tố được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho ngành cảng biển. Số liệu từ Yuanta Việt Nam chỉ ra chỉ số vận tải đường biển Baltic Dry, đo lường chi phí vận chuyển hàng khô trên toàn thế giới có xu hướng hồi phục trở lại kể từ đầu tháng 9/2023 và đang ở mức cao nhất từ đầu năm đến nay, mặc dù vẫn thấp hơn 3 lần so với mức đỉnh điểm hồi đầu tháng 10/2021.

Giá cước vận tải container đường biển cũng đã giảm về mức trước dịch. Chỉ số container toàn cầu – đại diện cho giá cước vận tải container đã lao dốc hơn 80% so với mức đỉnh hồi tháng 9/2021, quay lại mức giá gần với trước đại dịch.

Yuanta dự báo giá cước vận tải, giá cước thuê tàu sẽ phục hồi từ cuối 2023 và 2024 nhờ vào giá cước đã về mức nền thấp so với giai đoạn trước đó và về ngang bằng với giai đoạn trước dịch COVID-19 nên sẽ khó giảm thêm; nhu cầu vận chuyển hàng hóa bắt đầu sôi động trở lại khi kinh tế toàn cầu phục hồi và lạm phát hạ nhiệt; nguồn cung tàu không tăng thêm.

Theo Khánh An

Nhà đầu tư


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...