• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Intel đã đầu tư 22 triệu USD cho một chương trình đào tạo kỹ sư công nghệ cao tại Việt Nam

Thời gian tới, Intel sẽ có các chương trình hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo để đưa các chương trình đào tạo về AI ở Intel về các trường đại học ở Việt Nam.

 

Intel đã đầu tư 22 triệu USD cho một chương trình đào tạo kỹ sư công nghệ cao tại Việt Nam

“Về khả năng sử dụng công nghệ, đặc biệt là AI, người Việt Nam rất nhanh nhạy và thích ứng tốt. Việt Nam có đông dân số trẻ, đặc biệt là thế hệ Gen Z, họ rất cởi mở với công nghệ mới. Và hiện nay, có rất nhiều người Việt đã ứng dụng AI trong công việc và cuộc sống hàng ngày , ông Phùng Việt Thắng - Giám đốc Quốc gia, Bộ phận Sales, Marketing, và Communications (SMG) của Intel Việt Nam chia sẻ mới đây.

Intel đã đầu tư khoảng 22 triệu USD để hiện đại hóa chương trình học về công nghệ tại Việt Nam

Intel được thành lập từ năm 1968 tại Mỹ và là công ty đầu tiên về lĩnh vực bán dẫn. Tại Việt Nam, Intel cũng đang là doanh nghiệp công nghệ sớm mở nhà máy từ năm 2006 và chọn Việt Nam là thị trường trọng điểm.

Ông Phùng Việt Thắng làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin hơn 30 năm. Ông là một trong những nhân sự làm việc cho Intel trong giai đoạn đầu, và hôm nay khi trở lại dẫn dắt Intel Việt Nam, ông Thắng nhấn mạnh thấy được nhiều làn sóng mới mà Việt Nam đã kịp thời bắt nhịp, có thể kể đến như ngành bán dẫn, hay trí tuệ nhân tạo (AI).

Ở góc độ làm chủ và sáng tạo cùng AI, theo đại diện Intel thấy tiềm năng rất lớn từ con người Việt Nam. Theo đó, “ông lớn” này cũng rất tích cực đầu tư vào nhân lực công nghệ Việt Nam.

"18 năm trước, khi Intel vừa đầu tư để xây dựng nhà máy IPV tại Việt Nam, chúng tôi đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để hiện đại hóa chương trình học. Chúng tôi gọi chương trình này là HEEAP (Higher Engineering Education Alliance Program), Chương trình liên minh giáo dục đại học ngành kỹ thuật. Và Intel đã đầu tư khoảng 22 triệu USD để hiện đại hóa chương trình học. Chương trình này đã giúp Việt Nam đào tạo được nhiều kỹ sư sẵn sàng làm việc trong ngành công nghệ cao ”, ông Thắng nói.

Về AI, Intel được biết cũng đã ký biên bản ghi nhớ với Trường Đại học Bách khoa (Tp.HCM) để hợp tác thay đổi chương trình giảng dạy nhằm đảm bảo các chương trình mới sẽ tập trung hơn vào các công nghệ mới nổi mà ngành công nghiệp cần. Thời gian tới, Intel sẽ có các chương trình hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo để đưa các chương trình đào tạo về AI ở Intel về các trường đại học ở Việt Nam.

Intel đã đầu tư 22 triệu USD cho một chương trình đào tạo kỹ sư công nghệ cao tại Việt Nam- Ảnh 1.

Ảnh: Giám đốc SMG quốc gia Intel – ông Phùng Việt Thắng.

Máy tính cá nhân ứng dụng AI: Mở ra cuộc chơi mới về chip của Intel, AMD và Qualcomm

Cũng liên quan đến AI, một trong số những sản phẩm mới đang “dậy sóng” giới công nghệ liên quan đến AI PC (dòng máy tính cá nhân ứng dụng công nghệ AI). Đây được biết là yếu tố mở ra “cuộc chơi mới” về chip của Intel, AMD và Qualcomm.

AI PC là một khái niệm mới được đưa ra gần đây để chỉ những máy tính cá nhân thế hệ mới sở hữu năng lực để xử lý các tác vụ về AI. Nói về sự khác biệt so với máy truyền thống, đại diện Intel lấy ví dụ: một con chip sẽ có CPU (bộ vi xử lý trung tâm), và GPU (bộ vi xử lý đồ họa). Hiện, các máy tính AI PC sẽ có thêm một bộ vi xử lý mới được gọi là NPU (bộ vi xử lý thần kinh). CPU và GPU sẽ xử lý các ứng dụng AI nặng, trong khi NPU là một bộ tăng tốc chuyên xử lý các tác vụ, ứng dụng AI để giúp AI PC có thể chạy được nhiều ứng dụng chuyên sâu hơn về AI ngay trên thiết bị. Vì vậy, một AI PC hoàn chỉnh phải bao gồm cả ba bộ phận là CPU, GPU, và NPU.

Dẫn chứng dự đoán của Boston Consulting Group, AI PC sẽ chiếm 80% thị phần PC toàn cầu vào năm 2028.

Còn theo kết quả sơ bộ từ công ty nghiên cứu thị trường International Data Corporation (IDC) công bố ngày 8/4, các lô hàng máy tính cá nhân (PC) trên toàn cầu đã tăng trưởng trở lại trong quý 1/2024 sau 2 năm sụt giảm. Báo cáo cũng chỉ ra rằng thị trường PC đã tăng 1,5% so với một năm trước đó, với 59,8 triệu lô hàng trong quý đầu tiên và quay trở lại mức trước đại dịch. Sự sẵn có của các PC được trang bị AI dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu về các thiết bị này.

Chất xúc tác thúc đẩy ngành máy tính cá nhân tiếp tục tăng trưởng

Tuy chưa có số liệu cụ thể tại Việt Nam, nhưng lấy tham số chung từ khảo sát của IDC khi dự kiến tổng lượng PC toàn cầu sẽ đạt 265,4 triệu chiếc trong năm 2024, tương đương với mức tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, phía Intel thông tin.

“Thời điểm Covid-19, nhu cầu trang bị máy tính của người tiêu dùng tăng cao do tất cả chúng ta đều phải làm việc, học tập tại nhà. Việc này khiến cho thị trường máy tính bùng nổ, phát triển một cách nhanh chóng.  Sau 3 năm, xu hướng mới là người dùng sẽ có nhu cầu đổi thiết bị cũ sang các mẫu AI PC mới để tăng hiệu suất làm việc, chất lượng công việc, và rút ngắn thời gian làm việc ”, ông Thắng nói.

Chưa kể, nhu cầu PC trong 2 năm qua cũng bị ảnh hưởng bởi bối cảnh kinh tế, với lãi suất cao và tình hình lạm phát buộc các doanh nghiệp phải trì hoãn việc nâng cấp thiết bị. Do đó, họ cũng sẽ cần phải đổi mới để có thể nắm bắt được những cơ hội mà AI mang đến.

Một yếu tố thúc đẩy khác, người dùng tại Việt Nam cũng đã bắt đầu ứng dụng AI vào trong công việc, cuộc sống hàng ngày. Tựu chung, nhu cầu về dòng máy AI PC trong thời gian tới sẽ tăng cao.

Coi Việt Nam là thị trường chiến lược, ông Thắng nhấn mạnh Intel đã hợp tác với các công ty sản xuất phần mềm tại Việt Nam để hỗ trợ họ tối ưu hóa các tính năng, ứng dụng sẵn có để chạy tốt trên các AI PC trang bị Core Ultra.

Intel dự kiến sẽ xuất xưởng 40 triệu CPU cho AI PC trên toàn cầu trong năm 2024.

Tri Túc


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết