Dự kiến không chia cổ tức 20-30% bằng tiền như đã thống nhất, Tập đoàn Sao Mai (ASM) sẽ giải trình gì với cổ đông?
Năm 2022, doanh thu ASM ghi nhận 13.750 tỷ - tăng 21% và LNST thu về 963 tỷ - tăng 37% so với năm 2021.
Với chỉ tiêu trên, Công ty dự kiến trả cổ tức 2023 với tỷ lệ 5-10% bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu. Thời gian thực hiện tùy vào điều kiện kinh doanh và tình hình tài chính phù hợp.
Không chia cổ tức 20-30% bằng tiền như đã thống nhất dù kinh doanh tăng trưởng
Năm 2022, doanh thu ASM ghi nhận 13.750 tỷ - tăng 21% và LNST thu về 963 tỷ - tăng 37% so với năm 2021. Dù tăng trưởng mạnh, song so với kế hoạch ASM chỉ thực hiện được 59% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Công ty dự kiến không trả cổ tức năm 2022. Trong khi trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, ASM thông qua kế hoạch cổ tức năm 2021 bằng tiền với tỷ lệ 15% (1.500 đồng/cp) và dự kiến cổ tức năm 2022 từ 20-30% bằng tiền mặt. Tính đến ngày 31/12/2022, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của ASM gần 500 tỷ đồng.
Giải trình về lý do không chia cổ tức 2022, ASM cho rằng kế hoạch nhằm đảm bảo ổn định hoạt động cho Công ty trong việc phòng chống suy thoái kinh tế, đồng thời tránh pha loãng cổ phiếu dưới hình thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu. Do đó, HĐQT trình ĐHĐCĐ thông qua phương án dùng lợi nhuận giữ lại (hơn 489 tỷ đồng) để tái đầu tư và bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh nên chưa thực hiện chi trả cổ tức năm 2022.
Hủy kế hoạch chào bán hơn 168 triệu cổ phiếu
Một nội dung khác đáng chú ý, ASM cũng sẽ trình hủy phương án phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn điều lệ đã được ĐHĐCĐ thường niên 2022 thông qua ngày 9/4/2022. Nguyên nhân Công ty đã tìm được nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng để bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo kế hoạch ban đầu, ASM dự định phát hành hơn 168 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu bằng phương thức thực hiện quyền mua. Tỷ lệ thực hiện quyền là 2:1; với giá phát hành dự kiến là 12.000 đồng/cp. Nếu phát hành thành công, doanh nghiệp có thể thu về hơn 2.019 tỷ đồng; qua đó nâng vốn điều lệ lên gần 5.048 tỷ đồng.
"Dàn xếp" lại thượng tầng
Tại Đại hội lần này, Tập đoàn và công ty con IDI còn trình “dàn xếp” lại thượng tầng. Công ty vừa nhận được đơn xin từ nhiệm của Thành viên HĐQT là ông Lê Thanh Thuấn và Chủ tịch là bà Lê Thị Nguyệt Thu. Được biết, bà Thu là con gái ông Thuấn.
Lý do ông Thuấn từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT là nhằm đáp ứng theo quy định điểm b, khoản 5, điều 162 của Luật Doanh nghiệp 2020. Cụ thể, giám đốc hoặc tổng giám đốc không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên của công ty và công ty mẹ.
Tương tự, bà Thu từ nhiệm khỏi chức vụ Chủ tịch nhiệm kỳ 2019-2024 cùng với lý do trên.
Tại ASM hiện nay, con trai ông Thuấn là ông Lê Tuấn Anh đang giữ chức Phó Tổng Giám đốc. Ngày 1/3 vừa qua, chồng bà Thu là ông Lê Nguyễn Hoàng Anh Duy vừa được bổ nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc Công ty.
Thay thế, HĐQT dự trình kế hoạch bầu bổ sung ông Lê Văn Thành giữ chức Chủ tịch HĐQT – cũng là một người thân khác của ông Thuấn. Trong đó, ông Thành sinh năm 1964, là em trai ông Thuấn, đang làm Phó Tổng Giám đốc tại ASM.
Trước đó không lâu, công ty con là IDI cũng đã thông báo nhận được đơn từ nhiệm của ông Lê Văn Chung - Phó chủ tịch HĐQT - đồng thời là em trai ông Thuấn - với lý do đảm bảo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020.
Trong tài liệu IDI gửi cổ đông vừa được công bố của IDI, ứng viên thay thế vào HĐQT là ông Lê Tuấn Anh - con trai ông Thuấn. Ông Tuấn Anh dự kiến sẽ giữ chức vụ Phó chủ tịch HĐQT thay ông Lê Văn Chung.
ASM được biết đến là doanh nghiệp đa ngành lớn tại tỉnh An Giang, được thành lập ngày 5/2/1997. Xuất phát là doanh nghiệp thuỷ sản, với sản phẩm chủ lực là cá tra, ASM những năm sau này lấn sân mảng bất động sản, năng lượng… Theo giới thiệu, Công ty đang sở hữu quỹ đất hơn 200 ha, tương đương 1.000 tỷ đồng đã thực hiện xong thủ tục giải tỏa đền bù.
Tri Túc
Nhịp sống thị trường