ĐHĐCĐ Thép Nam Kim (NKG): May mắn nhất là đã quân bình được giá hàng tồn về mức an toàn, không ưu tiên xuất qua Mỹ dù giá HRC Mỹ đã hơn 1.000 USD/tấn
CEO chia sẻ thêm về hàng tồn: Nếu cổ đông theo dõi NKG nhiều thì quý 2/2022 là hàng tồn ở mức khá cao so với quân bình lượng hàng bán. Tính đến quý 1/2023, hàng tồn vào khoảng 6.000 tỷ đồng – giảm được khoảng 1.500 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo NKG đánh giá, năm 2023 là thời điểm để củng cố lại các mối quan hệ đối với đối tác trong và ngoài nước cũng như ổn định tình hình tài chính. Trải qua những giai đoạn hết sức khó khăn trong quá khứ, NKG cho rằng thị trường năm nay sẽ chưa thực sự thuận lợi để tăng trưởng nhưng những gì khó khăn nhất đã qua.
Năm nay, những biến động giá nguyên liệu đầu vào, chất đốt... vẫn rất khó lường; rủi ro về lạm phát tăng cao khiến nhu cầu về xây dựng suy giảm. Kinh tế thế giới đối diện với khủng hoảng khi lãi suất tăng mạnh, các dự án triển khai ngày một ít đi trong khi chi phí lãi vay toàn cầu tăng mạnh. Trong khi đó, mức độ cạnh tranh ngày càng lớn, đặc biệt là các sản phẩm về tôn mạ và ống thép.
Về thị trường nội địa, NKG đánh giá sẽ khó khởi sắc khi các dự án bất động sản năm 2023 dự kiến tiếp tục chìm trong khó khăn trong bối cảnh lãi suất tăng cao. Ngoài ra, nguồn vốn FDI cũng sẽ dự kiến tăng trưởng chậm hơn dự kiến do ảnh hưởng của việc mất giá tiền tệ diễn ra trên toàn cầu.
Năm 2022, NKG ghi nhận doanh thu thuần đạt 23.071 tỷ đồng, giảm 18% so với năm 2021. Thách thức thị trường, giá đầu vào tăng trong khi đầu ra giảm khiến Công ty lỗ gần 125 tỷ đồng. Với kết quả này, NKG dự kiến không trả cổ tức năm 2022.
Đại hội Thảo luận:
1. Chia sẻ cụ thể kế hoạch cho năm 2023?
Ban lãnh đạo: Năm 2022 thì giá giảm dẫn đến áp lực hàng tồn. Đến nay tin vui là chúng tôi đã quân bình giá hàng tồn xuống mức thấp, ở mức an toàn rồi.
CEO chia sẻ thêm về hàng tồn: Nếu cổ đông theo dõi NKG nhiều thì quý 2/2022 là hàng tồn ở mức khá cao so với quân bình lượng hàng bán. Tính đến quý 1/2023, hàng tồn vào khoảng 6.000 tỷ đồng – giảm được khoảng 1.500 tỷ đồng.
Trong đó, NKG bắt đầu quản trị hàng tồn từ đầu quý 3/2022, NKG đúng có gặp khó khăn cho việc này do hàng tồn cao (đỉnh vào quý 1/2022) khi giá thép quay đầu sụt giảm mạnh. Tại thời điểm 31/12/2022, NKG vẫn còn hàng tồn đến 7.400 tỷ đồng.
Nói về chiến lược quản trị hàng tồn trong chu kỳ giá giảm, cuối tháng 11-12/2022, giá hàng hoá có xu hướng tạo đáy và tăng lên lại, thì các đơn vị khác có chiều hướng giảm tối đa hàng tồn. Nhưng quan điểm NKG phải cân đối việc chuẩn bị hàng, nên song song đó Công ty vẫn bắt đầu mua hàng và chấp nhận việc tồn kho tăng lại, quý 4 năm ngoái NKG có mua hàng mới. Nhưng từ quý 1-2 năm nay thì NKG sẽ giảm dần trở lại. Tức mua bán cân đối chứ không chỉ nhất nhất là giảm tồn kho bằng mọi giá như một vài quan điểm của các DN khác.
Kế hoạch 2023 doanh thu giảm, nhưng nguyên nhân là do giá nguyên vật liệu giảm nên giá bán sẽ giảm. Còn nhìn cụ thể là sản lượng dự kiến vẫn tăng, Công ty ước tính tổng sản lượng đạt 940.000 tấn.
2. Công bố lợi nhuận quý 1/2023?
Quý 1 vừa qua tình hình khó khăn, giá cả mới ổn định tí chưa kể phải nghỉ Tết, hàng xuất cũng giảm. Hiện, NKG đang thống kê số liệu, NKG nhìn chung tốt so với các đơn vị đầu ngành nhưng không dám nói là tốt.
3. Tại sao không chia cổ tức 2022?
Cổ tức thì bản thân tôi cũng mong muốn nhất, vì tôi là cổ đông lớn. Không chia chúng tôi rất áy náy, nhưng nếu chia hết thì sẽ rất áp lực cho ban điều hành, vì chưa biết sắp tới sẽ như thế nào. Nếu chia cổ tức nhiều trong bối cảnh này thì rủi ro sẽ càng lớn, và giá trị cho cổ đông dài hạn cũng giảm. Nên tôi mong cổ đông thông cảm, không nên vì lợi ích nhỏ trước mắt mà đánh đổi dài hạn.
4. Dự khi nào cổ phiếu được cấp margin lại?
May mắn vừa rồi NKG bị cắt margin nhưng đã biết trước, nên giá cổ phiếu không giảm nhiều. Tôi hy vọng bán niên 2023 có lãi lại thì cấp lại. Tôi không hứa nhưng tôi cam kết sẽ cố gắng, xác suất đạt được là 70%.
Trên thị trường, cổ phiếu NKG vừa bị Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) vào danh sách bổ sung chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ do thua lỗ sau kiểm toán.
5. Tình hình xuất khẩu hiện nay?
Từ đầu năm đến nay thì xuất khẩu khá tốt, giá bán khá tốt so với giá tồn kho.
6. Giá HRC bên Mỹ ở mức rất cao, NKG đánh giá như thế nào?
Giá HRC tại Mỹ trên 1.000 USD/tấn, tức cao hơn đến 300-400 USD so với Việt Nam. Chúng tôi đã có khảo sát, hiện thị trường Mỹ nhu cầu không được tốt. Do đó lý giải tại sao hàng Việt đi Mỹ không cao. NKG vẫn đang tập trung vào châu Âu, Úc, khu vực Đông Nam Á và sau đó mới tới Mỹ.
Một nguyên nhân khác cho việc xuất đi Mỹ hạn chế, hiện giá các sản phẩm từ Việt Nam qua Mỹ có đến 25% thuế, do đó chênh lệch 250-300 USD là bù cho chênh lệch thuế. Chưa kể, cước tàu đi Mỹ vẫn rất cao, chênh lệch thêm đâu đó 150USD, tổng chênh lệch như vậy phải vào mức 450-500 USD/tấn. Ngoài ra, thời gian đi mất vài tháng cũng đội thêm chi phí.
7. Hiện còn trích lập dự phòng không?
Hiện Công ty không còn trích lập thêm.
8. Quý 1/2023 ước kinh doanh ra sao?
Doanh thu giảm do một số khó khăn vẫn còn như đã báo cáo. Dù không trích lập thêm, nhưng dự phòng trước đó dự ảnh hưởng đến lợi nhuận quý đầu năm 2023. Cụ thể, lợi nhuận ước âm tầm gần 50 tỷ, giảm so với quý trước đó.
9. Khó khăn nhất đã qua chưa?
Khó khăn nhất thì chắc đã qua rồi. Nhưng nói về việc khởi sắc chưa thì còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, nhu cầu thị trường quốc tế không mạnh trong khi thị trường trong nước còn nhiều thử thách, rủi ro giá thép vẫn hiện hữu cũng như sự hồi phục của các ngành khác.
Nhìn chung 2023 không sáng cho toàn ngành, nhưng khó khăn nhất NKG chịu đựng được thì năm nay vẫn sẽ chịu đựng tiếp được.
Tri Túc
Nhịp sống thị trường