Công ty chứng khoán "họ" FLC công bố BCTC 3 quý gần nhất với khoản lỗ nặng, phải thu gần 470 tỷ tại một ngân hàng
Danh mục tự doanh FVTPL của Chứng khoán BOS đạt 356 tỷ đồng vào cuối quý 2, gồm loạt cổ phiếu "họ" FLC.
Gần nhất vào cuối tháng 4/2023, Chứng khoán BOS đã công bố thông tin về việc tạm hoãn công bố thông tin BCTC quý 1/2023 vì BCTC phải có chữ ký của người đại diện theo pháp luật. Tuy nhiên, do Công ty đang kiện toàn bộ máy và sẽ tiến hành hoàn thiện thủ tục xin cấp phép thay đổi người đại diện trước pháp luật để nộp hồ sơ lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nên Chứng khoán BOS xin tạm hoãn cho đến khi được cấp phép thay đổi người đại diện theo pháp luật.
Các BCTC mới được công bố được ký bởi Tổng Giám đốc Nguyễn Thành Lê.
Theo BCTC tự lập quý 4/2022, doanh thu hoạt động cả năm 2022 của Chứng khoán BOS đạt gần 57 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ chi phí, công ty lãi sau thuế 19 tỷ đồng trong năm 2022, giảm 44% so với con số gần 34 tỷ đồng của năm 2021.
Tới nửa đầu năm 2023, doanh thu thuần của Chứng khoán BOS vỏn vẹn hơn 2 tỷ đồng, chỉ khoảng 1/20 con số của cùng kỳ năm trước. Nguồn thu chủ yếu từ lãi cho vay và phải thu đạt gần 1,5 tỷ đồng (giảm 89%), doanh thu môi giới đạt 558 triệu và doanh thu lưu ký chứng khoán đạt 269 triệu đồng.
Kết quả, Chứng khoán BOS báo lỗ sau thuế hơn 7 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm 2023 trong khi cùng kỳ lãi gần 18 tỷ đồng.
Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Chứng khoán BOS đạt 1.174 tỷ đồng, giảm nhẹ 9 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản của công ty chứng khoán này là khoản phải thu ngắn hạn khác 561 tỷ đồng. Cụ thể hơn, Chứng khoán BOS ghi nhận phải thu 467 tỷ đồng từ NH Hàng Hải Việt Nam (MSB), 20 tỷ từ Đô Thành Hà Nội, gần 18 tỷ đồng từ IMR và 26 tỷ đồng từ Đầu tư thương mại và Xuất nhập khẩu Tâm An.
Danh mục tự doanh FVTPL của Chứng khoán BOS đạt 356 tỷ đồng vào cuối quý 2, gồm loạt cổ phiếu "họ" FLC gồm FLC (giá trị hợp lý 704 triệu đồng), HAI (390 triệu đồng), KLF (707 triệu đồng), GAB (144 tỷ đồng), ngoài ra là một số cổ phiếu chưa niêm yết như FCA, ITASCO, FHH, CIC, ROS,...
Ngoài ra, công ty cho vay margin 136 tỷ đồng vào cuối quý 2. Đáng chú ý, Chứng khoán BOS ghi nhận khoản gốc và lãi cho vay margin hơn 34 tỷ đồng đối với Đầu tư thương mại và Xuất nhập Khẩu Tâm An, cùng với đó là khoản phải thu về đặt cọc mua công ty 26 tỷ đồng cũng tại Tâm An. Theo giải trình,Tâm An là tổ chức có liên quan đến ông Trịnh Văn Nam, thành viên HĐQT.
Hồi tháng 6 năm nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú với 15 bị can liên quan đến vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Tập đoàn FLC và các công ty với cáo buộc ông Trịnh Văn Quyết và đồng phạm thực hiện hành vi. Trong số các bị can trên có một cá nhân tên Trịnh Văn Nam.
Về vị lãnh đạo Trịnh Văn Nam tại ART, ông Trịnh Văn Nam đã có đơn xin từ nhiệm Thành viên HĐQT Chứng khoán BOS và sẽ được thông qua tại ĐHĐCĐ bất thường của công ty.
Trên thị trường, cổ phiếu ART đang bị đình chỉ giao dịch từ 25/8/2023 do công ty bị huỷ bỏ niêm yết bắt buộc vì vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin.
Phương Linh
Nhịp Sống Thị Trường