Trình Trung ương, Quốc hội chế độ tiền lương mới từ 1/7/2024
Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa có báo cáo gửi Quốc hội về công tác quản lý cán bộ, công chức. Chính phủ trình Trung ương, Quốc hội việc thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27 kể từ 1/7/2024.
Chính phủ cho biết, việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức được thực hiện thường xuyên, đúng thẩm quyền. Thực hiện Nghị quyết số 27 của Trung ương, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 107, thực hiện nghị quyết này.
Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan xây dựng 6 nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới theo chức vụ, chức danh, vị trí việc làm, gắn với lộ trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Từ năm 2020 đến nay, do tác động bởi đại dịch COVID-19, nên đã phải tạm lùi thời điểm thực hiện.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24, quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Qua đó, từ ngày 1/7/2023, điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,80 triệu đồng (tăng 20,8%); đồng thời, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công theo mức lương cơ sở cho phù hợp.
Nữ Bộ trưởng cho rằng tiền lương và thu nhập của cán bộ, công chức còn thấp, chưa thực sự tạo động lực, khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức tâm huyết, toàn tâm, toàn ý, cống hiến trong quá trình thực thi công vụ.
Trong giai đoạn tới, thực hiện ý kiến của Bộ Chính trị và Quốc hội, Chính phủ trình Trung ương, Quốc hội việc thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27 kể từ 1/7/2024.
Cũng theo Bộ trưởng Nội vụ, Nghị định số 62 của Chính phủ, quy định về vị trí việc làm và biên chế công chức sẽ là căn cứ xác định vị trí việc làm, biên chế công chức và cơ cấu ngạch công chức. Theo đó, các bộ quản lý chuyên ngành, lĩnh vực xây dựng danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc, khung năng lực của từng vị trí việc làm theo ngành, lĩnh vực quản lý để thống nhất áp dụng.
Về danh mục vị trí việc làm cán bộ, công chức có 861 vị trí, gồm nhóm lãnh đạo, quản lý, nhóm công chức nghiệp vụ chuyên ngành; nhóm công chức nghiệp vụ chuyên môn dùng chung, và nhóm hỗ trợ, phục vụ.
Về danh mục vị trí việc làm cán bộ, công chức cấp xã có 17 vị trí, gồm cán bộ chuyên trách và công chức cấp xã.
Tới đây, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phê duyệt vị trí việc làm công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc phạm vi quản lý làm cơ sở để từng bước cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức theo vị trí việc làm. Đồng thời, đổi mới công tác tuyển dụng, quản lý, bố trí, sử dụng, đánh giá, đào tạo, quy hoạch cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, hướng tới trả lương theo vị trí việc làm.
Trước đó, thông tin tại phiên họp thường kỳ Chính phủ cho thấy, ngân sách Nhà nước đã tiết kiệm được 500.000 tỷ đồng để chuẩn bị cải cách tiền lương trong 3 năm tới. Bộ Nội vụ là cơ quan được người đứng đầu Chính phủ giao rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách thực hiện phương án cải cách tiền lương khi được Trung ương thông qua.
Theo Luân Dũng
Tiền phong