• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh công tác xử lý vi phạm về tiếng ồn dịp cuối năm

Những ngày cuối năm, người dân tại TP Hồ Chí Minh không khỏi lo lắng với vấn nạn "khủng bố" tiếng ồn trong đô thị.

Những tiếng ồn phổ biến như: Tiếng máy móc thi công, loa kẹo kéo hát karaoke, loa phát quảng cáo giảm giá tại các cửa hàng để thu hút khách, quán cà phê nhạc sống... Về vấn đề này, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản khẩn về việc tăng cường xử lý vi phạm về tiếng ồn.

TP Hồ Chí Minh cho phép các quán ăn, dịch vụ vũ trường, karaoke hoạt động trở lại nhưng phải đảm bảo phòng dịch và không gây tiếng ồn

Một quán cà phê có DJ phát nhạc (Ảnh minh họa)

Theo đó, ngày 5/1, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình đã ký ban hành khẩn văn bản số 24/UBND-NCPC về việc tiếp tục tăng cường công tác xử lý vi phạm về tiếng ồn. Theo UBND TP Hồ Chí Minh, để tiếp tục quản lý hiệu quả các hoạt động, kinh doanh dịch vụ gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật, tăng cường kiểm soát ô nhiễm về tiếng ồn, phòng, chống dịch bệnh COVID-19, giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo sự bình yên cho Nhân dân, UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức tiếp tục chủ động thực hiện hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý nghiêm nhóm hành vi vi phạm có mối liên hệ với nhau: Tiếng ồn - phòng, chống dịch bệnh COVID-19 - an ninh trật tự (trong đó có hành vi chống người thi hành công vụ).

Đáng chú ý, UBND TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu xác định trách nhiệm của người đứng đầu mỗi địa phương nếu để tái phạm các vi phạm, xử lý người đứng đầu nếu việc xử lý tiếng ồn tại địa phương không hiệu quả.

Ngoài ra, UBND TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu ở cấp huyện, xã, địa phương nào để xảy ra vi phạm về tiếng ồn do buông lỏng quản lý, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự thì tiến hành xem xét trách nhiệm, xử lý người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức.

Hiện nay, việc xử lý vi phạm về tiếng ồn dựa trên 4 Nghị định liên quan gồm: Nghị định 100/2019, 167/2013, 155/2016 và 98/2020, mức xử phạt từ 100.000 - 160 triệu đồng tùy trường hợp. Tuy nhiên theo đánh giá của nhiều địa phương, việc xử lý vẫn dựa chủ yếu trên Nghị định 167/2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Phòng chống tệ nạn xã hội; Phòng cháy và chữa cháy; Phòng chống bạo lực gia đình. Mức phạt ở nghị định này chỉ từ 100.000 - 300.000 đồng, chưa đủ sức răn đe. Khoảng thời gian xử phạt theo quy định từ 22h đến 6h nên việc xử phạt ngoài khung giờ trên không thể áp dụng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết