Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định vai trò, năng lực thích ứng trong tình hình mới
Năm 2021 vừa qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại hầu khắp các tỉnh, thành trên cả nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp, nhất là đời sống của công đoàn viên, người lao động. Tuy nhiên, trong những lúc khó khăn đó, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã luôn đồng hành, chăm lo, bảo đảm quyền lợi để người lao động yên tâm lao động, sản xuất trong tình hình mới.
Vượt qua khó khăn, chăm lo cho người lao động
Nhìn lại năm 2021, khắp nơi bị bao trùm bởi cơn bão dịch bệnh. Với sự tàn phá nặng nề, dịch bệnh COVID-19 đã tác động và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe và tính mạng của Nhân dân; Trong đó công nhân lao động là một trong những đối tượng chịu nhiều tác động nhất.
Theo báo cáo của các cấp công đoàn, từ đợt dịch bệnh thứ 4 đến nay, có trên 2,9 triệu công nhân lao động phải nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên, mất việc làm do doanh nghiệp tạm dừng hoạt động. Dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, việc làm của người lao động; Đồng thời, nảy sinh những vấn đề mới trong đời sống của công nhân như việc chăm sóc, giáo dục con cái bị xáo trộn.
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang trao quà Tết cho công nhân Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Bắc Kạn |
Dịch bệnh cũng làm thay đổi đời sống tâm lý, tinh thần, thói quen của công nhân, viên chức, lao động, nhất là vấn đề nhà ở xã hội dành cho công nhân, lao động, vấn đề tích lũy của người công nhân, vấn đề di cư lao động…
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là việc phát động chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trong đó có đối tượng ưu tiên là công nhân, lao động thì tới nay, tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân dần ổn định trở lại.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam trao quà tới công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn tại chương trình Tết Sum vầy do LĐLĐ tỉnh Thái Bình tổ chức |
Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Hiện nay, tình hình lao động, việc làm có dấu hiệu khởi sắc, nhiều doanh nghiệp đã khôi phục hoạt động, trên 90% người lao động đã trở lại doanh nghiệp làm việc. Công tác chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động, nhất là đối tượng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 được thực hiện chủ động, kịp thời, quy mô lớn, diện rộng, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả với tổng kinh phí gần 6.000 tỷ đồng.
“Có thể thấy rằng, trong gian khó, người Việt Nam càng sáng tạo. Thời gian qua, Công đoàn đã vận động công nhân, viên chức, lao động tham gia tích cực vào các sự kiện trọng đại của đất nước, hưởng ứng các phong trào, các đợt thi đua, điển hình như chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” đạt 300% mục tiêu đề ra.
Đồng thời, tổ chức Công đoàn cũng phát động phong trào thi đua “Công nhân, viên chức, người lao động nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19”, triển khai chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” góp phần cùng cả nước ổn định, phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế”, ông Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh.
Tiếp tục đồng hành cùng đoàn viên, người lao động
Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh song qua thực tế, rất nhiều doanh nghiệp với trách nhiệm xã hội cao, vẫn đang nỗ lực ở mức cao nhất, chia sẻ lợi nhuận để có thể giữ chân người lao động và giúp họ có một cái Tết đầy đủ. Đây cũng chính là động lực để người lao động gắn bó, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang |
Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến đời sống người lao động, đặc biệt là công nhân lao động gặp rất nhiều khó khăn. Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã quyết định hỗ trợ thiết thực đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động; Nhất là đoàn viên và người lao động tại các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đảm bảo đón Tết Nhâm Dần vui tươi, hạnh phúc.
“Dự kiến, tổ chức Công đoàn sẽ dành 2.400 tỷ đồng để hỗ trợ quà Tết cho đoàn viên, người lao động. Mỗi người sẽ nhận được suất quà trị giá 300.000 đồng. Với những người lao động khó khăn hơn, chúng tôi sẽ hỗ trợ thêm từ 1-2 triệu đồng từ nguồn tài chính Công đoàn và từ nguồn xã hội hóa”, ông Nguyễn Đình Khang cho biết.
Theo kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo Công đoàn các cấp chủ động nắm bắt tình hình tài chính, hướng dẫn Công đoàn cơ sở lập dự toán làm căn cứ để chi các hoạt động chăm lo từ nguồn tài chính của Công đoàn cơ sở.
Chủ tịch LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang trao kinh phí hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 cho tỉnh Bắc Giang |
Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng chỉ đạo Công đoàn các cấp chủ động tham gia với các cơ quan chức năng nắm tình hình, kiểm tra, giám sát người sử dụng lao động trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về chế độ tiền lương, tiền thưởng trong dịp Tết; Kịp thời phát hiện và có các giải pháp đảm bảo quyền lợi của người lao động ở các doanh nghiệp gặp khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chủ bỏ trốn hoặc giải thể, phá sản.
Theo ông Nguyễn Đình Khang, thời gian tới, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tăng cường các hoạt động đối thoại, thương lượng các nội dung chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên và người lao động trong dịp Tết. Triển khai các biện pháp phát hiện, ngăn ngừa tranh chấp lao động, đình công trái luật phát sinh trong dịp Tết và tham gia xử lý kịp thời, hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.
Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ 22 |
Công đoàn các cấp cũng sẽ hỗ trợ, tư vấn và hướng dẫn người lao động, người sử dụng lao động hoàn thiện thủ tục, giấy tờ để nhận các gói hỗ trợ của Chính phủ; Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19.
Chăm lo, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho công đoàn viên, người lao động; Hỗ trợ đồng hành cùng các đơn vị sản xuất, kinh doanh vượt qua khó khăn bởi đại dịch không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm vinh dự, tự hào của các tổ chức công đoàn. Hy vọng, với sự đồng hành sát sao của các cấp công đoàn, thời gian tới, các doanh nghiệp, người lao động sẽ sớm vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.