• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tinh thần trách nhiệm phải là chỉ số KPI cao nhất

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Cấp xã là gần gũi dân nhất, là nền tảng của hành chính, cấp xã làm được việc thì mọi công việc đều xong xuôi”.

Và để gần được dân, hiểu được dân, năng lực của các “công bộc” cần nhưng chưa đủ, đó còn là tinh thần trách nhiệm, sự tha thiết gắn bó, trăn trở với những suy nghĩ tâm tư của người dân. Vì thế, khi bộ công cụ đánh giá hiệu quả công việc (KPI) được xây dựng, thì thiết nghĩ tinh thần trách nhiệm, cái tâm với dân nên là một trong những hạng mục đạt thang điểm KPI cao nhất khi đánh giá hiệu quả thực thi công vụ của các bộ công chức các cấp, đặc biệt là ở cấp xã – nơi đang gánh vác khối lượng công việc rất lớn trong mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Gần dân, sát dân để hiểu dân, nắm bắt được tâm tư của người dân là yêu cầu không mới nhưng để biến yêu cầu này trở thành hiện thực không hề là điều dễ dàng với bất kì một cán bộ công chức cấp xã nào. Nhất là trong bối cảnh đất nước đang chuyển đổi mô hình chính quyền hai cấp, theo đó, ngoài thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn như hiện nay, cấp xã sẽ đảm nhiệm thêm nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện; được phân cấp, phân quyền nhiều hơn.

Cụ thể, ngày 1/7/2025, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 160-KL/TW, đánh dấu bước ngoặt trong công cuộc cải cách hành chính khi lần đầu tiên xác lập một con số cụ thể gồm 1.060 nhiệm vụ, thẩm quyền được đề xuất chuyển giao về cấp xã, phường. Danh mục 1.060 nhiệm vụ trải rộng trên nhiều lĩnh vực như hộ tịch, đất đai, tài chính, giáo dục, y tế, xây dựng, an sinh xã hội, hòa giải, đô thị, văn hóa, tư pháp - hộ tịch...

Bên cạnh đó, sau khi sắp xếp, cả nước giảm từ 10.035 đơn vị cấp xã xuống còn 3.321 đơn vị hành chính cấp xã (giảm gần 67%), cấp xã sẽ có phạm vi địa giới hành chính rộng hơn trước từ 3-5 lần, kéo theo đó là không gian đời sống sinh hoạt, tập tục nhân dân, các điều kiện xã hội ở địa phương phát triển rất phong phú, đa dạng.

anh1.jpg

Rõ ràng, trong bối cảnh hệ thống chính quyền địa phương đang được tổ chức lại theo hướng tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả, “cấp xã không còn là “mắt xích hành chính nhỏ”, mà trở thành đơn vị chủ lực trong không gian phát triển mới”, thì đội ngũ công chức cấp xã sẽ phải gánh vác thêm nhiều nhiệm vụ mới, với khối lượng công việc ngày càng lớn và yêu cầu chuyên môn ngày càng cao.

Nói như Tiến sĩ Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương nêu quan điểm: Cán bộ cấp xã gần dân, sát dân, trực tiếp giải quyết những công việc liên quan đến người dân. Các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đều dồn xuống cơ sở, vì vậy, cán bộ cấp xã phải đa năng, tức là “anh làm một việc nhưng biết nhiều việc khác, phải như con dao pha thì mới được”, hay như nhìn nhận của Thượng tá, ThS. Phan Huy Hùng, Khoa tâm lý học quân sự, Học viện Chính trị: Vì dân số có xu hướng đông hơn trước khi sáp nhập khoảng 3-5 lần nên cấp ủy, lãnh đạo, cán bộ chủ chốt cấp xã cần có bản lĩnh, trình độ, kỹ năng và kinh nghiệm tương xứng; đòi hỏi cán bộ chủ chốt cấp xã cần có tư duy, tầm nhìn bao quát, từ đó có cách nhìn nhận, đánh giá và xử lý các tình huống lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền của địa phương mình bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời khắc phục những đặc điểm tâm lý xã hội hội tiêu cực nảy sinh. Cán bộ chủ chốt cấp xã cần có nhãn quan khoa học, tư duy, tầm nhìn thấu đáo, bao quát mọi vấn đề, chỉ đạo, điều hành các bộ phận, lực lượng thường xuyên bám sát cơ sở, lắng nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm gương cho dân tin... để có chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hiệu quả.

Theo Bộ Nội vụ, tính đến cuối năm 2024, cả nước có 212.606 cán bộ, công chức cấp xã. Trong số đó, có 92,4% đã tốt nghiệp đại học trở lên. Con số đó xét về khía cạnh bằng cấp là một tỷ lệ không hề thấp.

Tuy nhiên với những công bộc vô cùng gần dân, sát dân, hàng ngày hàng giờ phải tiếp xúc, nắm bắt trực tiếp vô số những khía cạnh tâm tư, tình cảm khác nhau của người dân thì tấm bằng đại học, nói như TS Phạm Đi (Học viện Chính trị khu vực III), tấm bằng đại học chỉ được xem như một điều kiện “mức sàn” cần thiết để bảo đảm cán bộ có kiến thức nền tảng về pháp luật, quản lý nhà nước, hành chính công... chuẩn bằng cấp chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ để hình thành một đội ngũ cán bộ chất lượng.

Trong vô vàn tình huống thực tế có thể xảy ra ở cấp cơ sở, trong rất nhiều trường hợp, những kiến thức lĩnh hội được từ trong nhà trường chỉ dừng lại ở mức… lý thuyết. Và khi đó, theo các chuyên gia, kỹ năng ứng xử với dân, tư duy phản biện, sự nhạy bén trước các vấn đề nảy sinh trong cộng đồng, lại trở thành điểm cộng với các cán bộ công chức cấp cơ sở chứ không phải là hạng mức tấm bằng.

anh2.jpg

Sáng 11/7, 10 ngày sau khi mô hình chính quyền 2 cấp đi vào vận hành, theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, tại xã Thuận Mỹ, tỉnh Tây Ninh (xã được sáp nhập từ ba xã: Thanh Phú Long, Thanh Vĩnh Đông và Thuận Mỹ (thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Long An cũ), Bí thư Nguyễn Văn Khải đã trực tiếp đối thoại với người dân xã để lắng nghe phản ánh, nguyện vọng từ thực tiễn triển khai bộ máy chính quyền mới.

Trước đó, ông cũng trực tiếp đối thoại với Bí thư các chi bộ và các đồng chí lãnh đạo qua các thời kỳ, nhằm tăng cường mối quan hệ phối hợp, nắm bắt tình hình cơ sở, lắng nghe những khó khăn, kiến nghị của các chi bộ để bộ máy chính quyền mới hoạt động hiệu quả. Cùng với đó là trực tiếp kiểm tra hoạt động của Trung tâm Y tế xã, các công trình xây dựng, giao thông trên địa bàn; trực tiếp giám sát đôn đốc công tác tại Trung tâm phục vụ hành chính công của xã… với mục tiêu “chỉ đạo điều hành sát thực tế, phục vụ nhân dân tốt nhất”.

Bí thư Nguyễn Văn Khải cho biết: “Chúng tôi xác định rõ, chính quyền mới là để lo cho dân, phục vụ dân là chính. Lãnh đạo phải có mặt tại nơi người dân cần nhất, lắng nghe để điều chỉnh. Khi cán bộ công chức hiểu rõ yêu cầu đó, họ sẽ nâng tầm mình lên, phục vụ nhân dân tốt hơn”.

Tại Ninh Bình, nơi vừa sáp nhập 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình thành tỉnh Ninh Bình mới, một người dân khi đến làm thủ tục tại phường Nam Hoa Lư đã phấn khởi chia sẻ: Đến phường làm thủ tục hành chính liên quan đến quyền thừa kế, tôi được cán bộ đón tiếp niềm nở, giải thích, chỉ dẫn cụ thể, chi tiết từng vướng mắc.

Theo quan sát của tôi, đa số người dân đến Trung tâm làm các thủ tục hành chính đều hài lòng với cách tiếp dân và giải quyết công việc nhanh gọn, chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ. Còn tại phường Phủ Lý, một người dân đến phường tìm hiểu trình tự, thủ tục làm sổ đỏ, cũng rất phấn khởi cho biết: Tới Trung tâm Phục vụ hành chính công của phường, các cán bộ không chỉ lắng nghe nhu cầu, nguyện vọng của tôi mà còn tư vấn, giải thích kỹ trình tự các bước làm thủ tục sổ đỏ, hướng dẫn tôi làm hồ sơ, chuẩn bị các loại giấy tờ liên quan.

Từ sự phấn khởi, hài lòng của người dân, chia sẻ của chính những người trong cuộc như Bí thư xã Nguyễn Văn Khải, thấy rõ, với các cán bộ công chức cấp xã phường hiện tại, để thực sự tròn vai một công bộc phục vụ dân, đó không chỉ là năng lực, nghiệp vụ tinh thông, là kinh nghiệm, trải nghiệm gần dân, hiểu dân phong phú mà trên hết đó còn là tinh thần trách nhiệm, là sự tận tâm, tận lực, tận hiến với công việc, kiên trì, nhẫn nại với cả những bỡ ngỡ, chưa rõ, chưa hiểu của người dân.

Nhằm đảm bảo hệ thống hành chính không chỉ “tinh” và “gọn” mà còn “mạnh”, bảo đảm chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã để đáp ứng lượng công việc gia tăng sau khi sắp xếp bộ máy, Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định đánh giá, xếp loại chất lượng công chức. Theo đó, sẽ có các nhóm tiêu chí gắn với số điểm KPI để xác định hiệu quả công việc.

Thiết nghĩ, trong bộ chỉ số đó, thái độ, tinh thần trách nhiệm, sự thân thiện, cởi mở, lắng nghe, tôn trọng nhân dân; lề lối, tác phong làm việc ứng xử chuẩn mực với nhân nhân dân, sự hài lòng của người dân… có lẽ nên được xếp vào những chỉ số với thang điểm tối đa khi đánh giá mỗi cán bộ, công chức. Đủ năng lực để làm việc là điều kiện cần nhưng cũng không thể thiếu điều kiện đủ, đó là tinh thần trách nhiệm, cái tâm, cái tình với người dân.


Nguồn:https://congluan.vn/chuan-hoa-cong-chuc-cap-xa-tinh-than-trach-nhiem-phai-la-chi-so-kpi-cao-nhat-10299295.html Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...