Thực hiện nghiêm quy chế dân chủ, hạn chế phát sinh điểm "nóng"
Sáng 9/5, Đoàn kiểm tra số 1 của Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở TP Hà Nội đã kiểm tra việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và quản lý trật tự xây dựng (TTXD) trên địa bàn quận Tây Hồ.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến chủ trì buổi kiểm tra.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại buổi kiểm tra |
Không gây bức xúc trong công tác GPMB
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC quận Tây Hồ, là địa bàn có nhiều dự án trọng điểm của Trung ương và TP đã và đang triển khai, các cấp ủy Đảng, chính quyền quận Tây Hồ đều xác định việc xây dựng và thực hiện tốt QCDC trong các loại hình mới, nhất là trong công tác GPMB và quản lý TTXD đóng vai trò đặc biệt quan trọng; Là một trong những khâu đầu tiên để triển khai các dự án hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng…
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Quận ủy Tây Hồ đã ban hành 6 chương trình công tác toàn khóa, đồng thời ban hành 50 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác GPMB, quản lý TTXD và công tác xây dựng, thực hiện QCDC ở cơ sở. Đáng chú ý, Quận ủy Tây Hồ đã thành lập Tổ công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chính sách GPMB.
Từ năm 2022 đến hết quý I/2023, Tổ tuyên truyền GPMB quận đã phối hợp với các phường tổ chức 52 buổi tuyên truyền, vận động Nhân dân trong diện GPMB một số dự án, như cải tạo môi trường mương thoát nước Thụy Khuê; Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường Xuân Diệu; Dự án Khu đô thị Nam Thăng Long giai đoạn 3...
Quận cũng chú trọng công khai, minh bạch trong công tác GPMB. Tính chung từ tháng 1/2022 đến hết quý I/2023, toàn quận đã tổ chức 41 buổi công khai tới toàn bộ người dân có đất bị thu hồi về các văn bản pháp lý liên quan đến việc triển khai thực hiện công tác GPMB đối với 41 dự án; Tổ chức 150 buổi công khai các dự thảo phương án. Ngoài các hình thức công khai trực tiếp, quận còn phối hợp với UBND phường thông báo các văn bản có liên quan đến từng hộ dân, như: Quyết định phê duyệt phương án; Quyết định thu hồi đất; Phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư; Thông báo nhận tiền và bàn giao mặt bằng...
Nhờ thực hiện tốt QCDC trong GPMB, quản lý TTXD nên trong nhiều năm qua, quận Tây Hồ đã hoàn thành khối lượng lớn công tác GPMB, đồng thời không có những bức xúc lớn tạo “điểm nóng”. Cụ thể, trong năm 2022 đến hết quý I/2023, toàn quận đã triển khai công tác GPMB đối với 41 dự án; 100% công trình được thiết lập hồ sơ TTXD để quản lý và tỷ lệ công trình xây dựng có phép trên địa bàn ngày càng tăng (đạt 99,71%).
Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng phát biểu tại buổi kiểm tra |
Gắn việc thực hiện QCDC với phòng chống tham nhũng
Biểu dương, đánh giá cao kết quả xây dựng và thực hiện tốt QCDC trong các loại hình mới trên địa bàn quận Tây Hồ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cũng chỉ rõ những hạn chế còn tồn tại của quận, trong đó có việc một số công trình xây dựng không phép, sai phép; Việc thực hiện QCDC trong công tác GPMB, quản lý TTXD có thời điểm còn chưa thường xuyên nên có một số trường hợp phải tổ chức thực hiện trình tự cưỡng chế, kiểm đếm bắt buộc và cưỡng chế thu hồi đất…
Thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị cùng với việc khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung QCDC trong công tác GPMB; Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ và toàn diện hơn nữa các quan điểm chỉ đạo của Trung ương, TP về thực hiện dân chủ ở cơ sở, gắn với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Cùng với việc triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (có hiệu lực từ ngày 1/7/2023), quận cần gắn với thực hiện các văn bản của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng…
Bên cạnh đó, quận Tây Hồ thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của TP về thực hiện QCDC trong các loại hình mới, đặc biệt là trong công tác GPMB và quản lý TTXD; Thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung QCDC trong hai lĩnh vực này cho phù hợp với các văn bản mới ban hành.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cũng đề nghị quận Tây Hồ nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận; Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; Tạo thuận lợi để Nhân dân thực hiện các thủ tục hành chính, thủ tục cấp phép xây dựng. Cùng đó, quận phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện đúng các quy định trong trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Song hành với tuyên truyền, vận động Nhân dân tạo sự đồng thuận của người dân đối với công tác GPMB và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền từ quận tới cơ sở phải thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân, tăng cường đối thoại, quan tâm giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; Tập trung giải quyết các vụ việc kéo dài.
Cùng với đó, quận cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện QCDC ở cơ sở; Triển khai thực hiện có hiệu quả các quyết định của Trung ương và Thành ủy về phát huy dân chủ ở cơ sở…, góp phần hoàn thành những nhiệm vụ chính trị được TP giao