• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu tập trung đẩy nhanh hơn nữa tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, đặc biệt là hai dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 - Ảnh 1.

Công nhân tập trung thi công, đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Bùng - Vạn Ninh - Ảnh: Báo GT

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa chủ trì cuộc họp kiểm điểm tiến độ triển khai các dự án cao tốc sau chuyến kiểm tra tại hiện trường tại một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021-2025).

Thông tin về tình hình triển khai dự án, ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, sau một năm thi công, tính đến nay, sản lượng thực hiện của 12 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 đạt khoảng 20.889 tỷ đồng (hơn 21% giá trị hợp đồng).

4 đoạn cao tốc đạt tiến độ tốt

Bốn dự án có tiến độ tốt với sản lượng đạt trên 25% giá trị hợp đồng gồm: Vũng Áng - Bùng (30%), Bùng - Vạn Ninh (28,7%), Chí Thạnh - Vân Phong (26,3%). Dự án Vân Phong - Nha Trang đang có sản lượng thi công tốt nhất (35%).

Một số nhà thầu đạt được giá trị sản lượng cao (trên 30% giá trị hợp đồng), nổi bật là Công ty 368 (đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng); Công ty 484, 368, 479 Hòa Bình, Lizen (đoạn Vũng Áng - Bùng); Trung Chính, Trường Sơn (đoạn Bùng - Vạn Ninh)…

Tại dự án Vạn Ninh (Quảng Bình) - Cam Lộ (Quảng Trị), Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, dự án hoàn toàn có thể rút ngắn tiến độ nếu hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị bàn giao nốt mặt bằng trong tháng 3/2024.

Tương tự, đại diện Ban QLDA 6 báo cáo, hai dự án Vũng Áng - Bùng và Bùng - Vạn Ninh đều đang đạt và vượt tiến độ. Như vậy, với tiến độ như hiện nay, Ban QLDA 6 đặt mục tiêu 30/6/2025 sẽ thông xe cả hai dự án.

2 dự án chậm so với kế hoạch

Hai dự án còn bị chậm so với kế hoạch là Hàm Nghi - Vũng Áng (mới đạt khoảng 17%), Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (đạt khoảng 14%).

Theo Giám đốc Ban QLDA 2 Lê Thắng, lý do tiến độ dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn chưa đạt kỳ vọng liên quan phần lớn đến công tác GPMB và sự bất lợi bởi thời tiết. Đến nay, 23 khu tái định cư ở Quảng Ngãi cơ bản đã hoàn thành, song hiện mới đưa được 655/1.700 hộ dân vào sinh sống. Diện tích công địa được giao trên giấy tờ là 93% nhưng tình trạng "xôi đỗ" vẫn tồn tại, các mũi thi công không thể tổ chức liên tục.

Còn tại dự án Hàm Nghi-Vũng Áng, đại diện Ban QLDA Thăng Long khẳng định, khi được bàn giao mặt bằng sạch, thời tiết ủng hộ hoàn toàn có thể rút ngắn tiến độ thi công hai dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, với mục tiêu tháng 6/2025 sẽ về đích, vượt tiến độ hợp đồng 6 tháng.

Lo thiếu cát cho hai dự án khu vực ĐBSCL

Không có tiến độ khả quan như các dự án thành phần từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, hai dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau (gồm Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau) lại đang gặp khó khăn lớn khi tiến độ cung ứng cát đắp chưa đáp ứng yêu cầu.

Đại diện Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, theo kế hoạch, năm 2023, dự án phải lấy được 9 triệu m3 cát, nhưng đến hết năm, tổng khối lượng cát về công trường chỉ được khoảng 2 triệu m3.

Lo ngại về nguồn vật liệu cát đắp thi công dự án đoạn Cần Thơ - Cà Mau, ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, theo tính toán, để về đích tháng 6/2025, cần khoảng 90.000m3 cát đất đắp một ngày. Tuy nhiên, hiện công suất khai thác mới đạt 19.000m3/ngày.

Tính đến nay, tỉnh An Giang đã xác định hơn 6 triệu m3 cát cho dự án. Còn 0,9 triệu m3 chưa xác định được nguồn. Tỉnh Đồng Tháp đã xác định được nguồn cho 7 triệu m3 hiện đã hoàn thiện thủ tục để khai thác 4,37 triệu m3. Tỉnh Vĩnh Long đã xác định được nguồn 2,95 triệu m3, hoàn thành thủ tục cấp 0,5 triệu m3, đang hoàn thiện thủ tục đối với 3 mỏ với trữ lượng 2,45 triệu m3. Còn hơn 2 triệu m3 chưa tìm được nguồn.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 - Ảnh 2.

Cầu vượt nút giao quốc lộ 8A dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi dự kiến hoàn thành trong tháng 5/2024. Ảnh: Báo GT

Tháo gỡ khó khăn

Chia sẻ với địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân thời gian qua đã vào cuộc quyết liệt, đồng thuận thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và khơi thông nguồn vật liệu.

Bộ trưởng cũng nêu bài học kinh nghiệm: "Hà Tĩnh là một trong những địa phương làm hiệu quả nhất. Điều này cho thấy sự vào cuộc hiệu quả của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò quan trọng của các đồng chí bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh. Khi gặp bất kể vấn đề gì khó cần giải quyết, lãnh đạo tỉnh luôn đi đầu, chỉ đạo xử lý".

Bộ trưởng chia sẻ, đi thực tế hiện trường, ông khá mừng về tiến độ các dự án thành phần. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý: Vượt tiến độ phải đảm bảo thực chất. Chất lượng phải được nâng cao hơn, thể hiện từ thi công phải gọn gàng, an toàn, làm tổng thể từ tuyến chính, đường gom, hoàn trả đường dân sinh.

Đối với các chủ đầu tư, tư vấn giám sát và nhà thầu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu: "Không được chủ quan vì vẫn còn những đoạn đang vướng mặt bằng. Kinh nghiệm từ các dự án giai đoạn 1 cho thấy, chỉ khi giải quyết xong vấn đề vật liệu và giải phóng xong mặt bằng thì mới có thể tính toán đúng thời gian về đích".

Với dự án giai đoạn 2, Bộ trưởng yêu cầu các nhà thầu phải tranh thủ mọi điều kiện thuận lợi, huy động máy móc làm ngày làm đêm, làm xuyên Tết để về đích theo đúng tiến độ cam kết và phải đảm bảo chất lượng.

"Chúng ta quyết tâm thông toàn tuyến cao tốc từ Bắc vào Nam trong năm 2025. Riêng đoạn từ Nghệ An đi Khánh Hòa sẽ phấn đấu về đích sớm hơn", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đặt mục tiêu.

Theo Phan Trang


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...