• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sẽ sửa đổi Luật để giải quyết tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, sẽ sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội nhằm giải quyết tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Sáng 6/6, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, ngay sau phát biểu mở đầu phiên chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội khóa XV tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trực tiếp điều hành Phiên chất vấn.

Theo đó, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội với những nội dung cơ bản như sau:

Thứ nhất, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; công tác quy hoạch, sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm.

Thứ hai, thực trạng việc làm cho người lao động và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động trong giai đoạn hiện nay.

Thứ ba, giải pháp khắc phục bất cập, hạn chế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội, tình trạng cấu kết, lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm, chi sai chế độ…); công tác quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội; giải pháp khắc phục tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng.

Sẽ sửa đổi Luật để giải quyết tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn Quốc hội sáng 6/6

Chịu trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Tham gia trả lời chất vấn có: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Y tế, Tư pháp; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Liên quan vấn đề nợ, chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội, đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn Tuyên Quang đã tranh luận và đề nghị Bộ trưởng làm rõ những nguyên nhân và giải pháp khắc phục vấn đề này?

Sẽ sửa đổi Luật để giải quyết tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội

Đại biểu Ma Thị Thúy tranh luận và đặt câu hỏi

Đại biểu Trần Quốc Quân cũng nêu: Số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, xin Bộ trưởng cho biết giải pháp thu hồi các doanh nghiệp trốn đóng, tuyên bố phá sản khi nợ phải tính lãi hết năm 2022 hơn 8.560 tỷ đồng?

Với câu hỏi này, Bộ trưởng cho hay, đến nay số chậm, trốn đóng thực tế còn khoảng hơn 3.000 tỷ đồng. Năm 2018, tỉ lệ chậm đóng 0,6% nhưng nay đã giảm xuống 0,29%. Để tình trạng doanh nghiệp chậm, trốn đóng kéo dài chủ yếu do công tác kiểm tra, thu chi của cơ quan chức năng chưa đến nơi đến chốn.

Đáng lẽ nợ một tháng là phải thanh kiểm tra để chấn chỉnh thì để tới 3 tháng. Nhưng chậm nộp không sợ, có thể bị phạt lãi, trốn đóng mới sợ. Thời gian tới, Bộ cùng các cơ quan liên ngành sẽ chấn chỉnh việc này", ông Dung nhấn mạnh.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Đến hết năm 2022, khối lượng chậm đóng, trốn đóng tăng 2,69% so với mức của năm 2021, có 26.670 doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng, trốn đóng. Bộ đã điều chỉnh, thực hiện các giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng, cho đến nay, các đối tượng tham gia bảo hiểm bị ảnh hưởng về chế độ, chính sách đã được giải quyết một cách căn bản.

Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, thời gian qua, các doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, cơ quan quản lý bảo hiểm chưa quản lý hết đối tượng, quản lý, sử dụng thiếu hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cơ sở dữ liệu chưa tốt. Bộ đã triển khai các biện pháp cụ thể, thực hiện nguyên tắc người lao động thu đến đâu thì thực hiện chính sách tới đó.

Về lâu dài, Bộ trưởng cho rằng, cần sửa Luật Bảo hiểm xã hội, các nội dung này cũng được trình bày trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10, trong đó sẽ quy định rõ khái niệm, phạm vi hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, áp dụng một số chế tài mạnh mẽ, kiên quyết, hiệu quả hơn đối với hành vi này như thông lệ quốc tế.

Liên quan đến nội dung nhiều địa phương có tình trạng thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với các chủ hộ kinh doanh cá thể trong khi các đối tượng không thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm bắt buộc. Điều này cho thấy cơ quan bảo hiểm xã hội đã không thực hiện đúng với quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của các đối tượng liên quan.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu tranh luận và đề nghị làm rõ có tiêu cực trong thu bảo hiểm xã hội hay không? Trách nhiệm thuộc về cơ quan nào? Hướng xử lý trong thời gian tới?

Về vấn đề liên quan đến chủ hộ kinh doanh, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, cơ quan bảo hiểm xã hội có thu sai với một tỷ lệ không nhỏ các chủ hộ kinh doanh cá thể. Đây không phải là đối tượng được quy định đóng bảo hiểm bắt buộc. Việc thu sai này đã diễn ra từ năm 2003 đến năm 2016. Bộ trưởng nêu rõ, Bộ đã chấn chỉnh Bảo hiểm xã hội, về cơ bản, vấn đề này đã được giải quyết.

Bộ trưởng lý giải, đây là nội dung chưa được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội, do đó, cần đánh giá rất cụ thể, tuy nhiên, về quan điểm cá nhân, Bộ trưởng cho rằng cần đặt lợi ích của người lao động, của chủ hộ kinh doanh lên hàng đầu. Cơ quan công quyền làm sai thì phải xin lỗi và xử lý theo quy định.

Về hướng giải quyết, Bộ trưởng cho biết Bộ đang đề xuất chuyển toàn bộ số hộ kinh doanh này sang bảo hiểm bắt buộc, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Với trường hợp không có nhu cầu có thể chuyển sang bảo hiểm tự nguyện. Trường hợp cả người lao động lẫn cơ quan đều không đồng ý thì cần thoái thu, tính lãi bằng tăng trưởng của Quỹ bảo hiểm.

Sẽ sửa đổi Luật để giải quyết tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đăng đàn trả lời chất vấn sáng 6/6

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về hưởng bảo hiểm xã hội một lần và Quỹ hỗ trợ người lao động, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, tình hình rút bảo hiểm xã hội một lần có gia tăng, đặc biệt tăng nhiều sau đại dịch Covid-19.

Bộ trưởng cho rằng, cần tìm ra nguyên nhân và giải pháp cụ thể cho tình trạng này. Về việc thành lập Quỹ hỗ trợ người lao động, Bộ trưởng cho rằng đó là một trong các giải pháp, bên cạnh nhiều giải pháp khác trong tháo gỡ vướng mắc cho thị trường lao động. Bộ trưởng cho biết, có nhiều phương pháp khác cần được thực hiện, triển khai đồng bộ, phương án lập Quỹ cần được rà soát, nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ ghi nhận và nghiên cứu kỹ phương án này.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...