Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Sáng 4/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng cùng lãnh đạo một số bộ, ngành đã có buổi làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Cùng tham dự đoàn công tác có lãnh đạo các bộ, ngành: Văn phòng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Tư pháp, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo.
Về phía Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm KHCNVN) có: GS.VS Châu Văn Minh – Chủ tịch; các Phó chủ tịch: GS.VS Nguyễn Trường Giang, GS.TS Chu Hoàng Hà, GS.TS Trần Tuấn Anh; cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện.
![]() |
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng phát biểu chỉ đạo |
Đơn vị đầu ngành về khoa học công nghệ
Được thành lập từ năm 1975, Viện Khoa học Việt Nam nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sau 50 năm phát triển, đến nay Viện đã có lực lượng nghiên cứu trên 3.500 người, với hơn 2.000 biên chế, trong đó có 250 giáo sư, phó giáo sư và 1.000 Tiến sỹ khoa học và Tiến sỹ.
Triển khai thực hiện Nghị quyết 18, Viện đã xây dựng phương án sắp xếp, hợp nhất và kiện toàn tổ chức bộ máy. Đến nay, Viện có 24 đơn vị trực thuộc, so với giai đoạn trước đã giảm 48,9% số lượng các đơn vị trực thuộc và giảm hơn 20% số lượng biên chế.
Với sự lớn mạnh cả về lượng và chất, đến nay Viện tiếp tục là đơn vị dẫn đầu cả nước trong nghiên cứu cơ bản, phát triển các hướng khoa học chuyên sâu và giải quyết các vấn đề cơ bản cốt lõi.
Theo Nature Index, năm 2024, Viện Hàn lâm KHCNVN giữ vị trí 1.868 trong tổng số 17.893 tổ chức khoa học công nghệ (KHCN) trên toàn thế giới, và giữ vị trí 221 trong 1.846 tổ chức nghiên cứu công lập thuộc chính phủ trên thế giới.
Trung bình hàng năm trong giai đoạn 2021-2025, các nhà khoa học của Viện công bố 2200 công trình trên các tạp chí khoa học quốc tế và trong nước, trong đó nhiều công trình công bố được xuất bản trên các tạp chí có uy tín cao trên thế giới, có hệ số ảnh hưởng cao (impact factor).
![]() |
GS.VS Châu Văn Minh - Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN báo cáo Phó Thủ tướng cùng đoàn công tác |
Triển khai Nghị quyết 57
Trong 5 năm qua, kế thừa tinh thần và nhiệt huyết của các nhà khoa học đi trước, toàn thể cán bộ, nhà khoa học của Viện đã triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, tạo nền tảng để triển khai tốt Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, góp phần đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, Viện đã thành lập Ban Chỉ đạo của Viện Hàn lâm KHCNVN về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và xây dựng chương trình hành động của Viện.
Với vai trò là cơ quan nghiên cứu khoa học lớn của cả nước, Viện đã tổ chức phổ biến, tuyên truyền, quán triệt 05 quan điểm chỉ đạo và 6 nhiệm vụ giải pháp của Nghị quyết 57-NQ/TW đến từng chi bộ, cán bộ, đảng viên, nhà khoa học.
Hiện nay, Viện cũng đang cơ cấu lại các chương trình nghiên cứu, xây dựng các định hướng nghiên cứu ưu tiên mới nhằm tập trung phát triển nhanh và bền vững, từng bước tự chủ về công nghệ, nhất là các công nghệ nền tảng, công nghệ chiến lược.
![]() |
GS.TS Trần Tuấn Anh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN báo cáo tại buổi làm việc |
Để góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 57-NQ/TW, Viện cũng đang trong quá trình xây dựng và điều chỉnh mục tiêu đến năm 2030 với dự kiến:
Toàn bộ các tổ chức khoa học và công nghệ, viện nghiên cứu (17 đơn vị) trực thuộc Viện được xếp hạng khu vực và thế giới; xây dựng lực lượng nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo làm việc tại Viện đạt 01 người trên một vạn dân. Tập trung phát triển, đẩy mạnh chất lượng nghiên cứu khoa học cơ bản để góp phần hình thành nền khoa học và công nghệ Việt Nam vững mạnh; làm chủ, phát triển được ít nhất 10 công nghệ nền tảng, công nghệ chiến lược, công nghệ tương lai trong các lĩnh vực không gian, năng lượng, môi trường, sinh học, trí tuệ nhân tạo, robot và tự động hoá, vật liệu tiên tiến như các công nghệ máy tính lượng tử, truyền thông lượng tử, công nghệ nhiệt hạch, công nghệ hàng không, công nghệ bán dẫn thế hệ mới... góp phần tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ nhằm tận dụng nguồn lực của các đối tác lớn và nâng cao vị thế của khoa học Việt Nam trên trường quốc tế.
Cơ quan đầu ngành về khoa học công nghệ cần thực hiện các nhiệm vụ lớn
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đã chỉ đạo Viện Hàn lâm KHCNVN với vai trò, vị thế của cơ quan nghiên cứu khoa học đầu ngành, lớn của đất nước cần tập trung vào các vấn đề lớn, các chương trình trọng điểm, vấn đề khó ... để phục vụ cho phát triển đất nước.
![]() |
Toàn cảnh buổi làm việc |
Phó Thủ tướng lưu ý, các vấn đề nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, thương mại hóa các nghiên cứu, công trình nghiên cứu; đào tạo, thu hút nhân tài, đầu tư cơ sở vật chất... thì phải cần những cơ chế, chính sách như thế nào để tháo gỡ, phục vụ cho yêu cầu phát triển của đất nước.
"Ở các lĩnh vực then chốt, mũi nhọn trong phát triển kinh tế đất nước chúng ta phải có các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia,.. vậy Viện cần phải có hướng đi như thế nào?"- Phó Thủ tướng gợi ý.
Tại buổi làm việc, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc cùng đề xuất trong phát triển nhân lực, nhân tài, cán bộ khoa học, các cơ chế cho nghiên cứu các đề tài, chương trình nghiên cứu khoa học như: Hạt nhân, công nghiệp bán dẫn, công nghiệp hydro, công nghệ sinh học, đường sắt tốc độ cao... |