• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành giao thông vận tải Hòa Bình: Hoàn thiện hạ tầng đồng bộ, hiện đại

Với yêu cầu thực tiễn, ngành giao thông vận tải Hoà Bình đã đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại.

Việc đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với phương châm “đi trước một bước” là đòi hỏi bức thiết của thực tiễn, vừa nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, vừa tạo đột phá trong quá trình đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ của tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2015 - 2020.

Ông Bùi Đức Hậu - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hòa Bình - cho biết, năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, Đảng bộ, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải đã nỗ lực, phấn đấu, kịp thời đề xuất, tham mưu Bộ Giao thông Vận tải, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm. Bên cạnh đó, phá vỡ các điểm nghẽn, đề xuất đầu tư, hoàn thành một số tuyến đường chiến lược, đột phá tạo động lực đã được đầu tư, thu hút phát triển các khu, cụm công nghiệp, du lịch. Đồng thời, tạo quỹ đất hai bên đường để phục vụ xây dựng, đầu tư hạ tầng thương mại, đô thị, nhà ở xã hội. Cụ thể, Sở đã hoàn thành các dự án đường Hòa Lạc - TP. Hòa Bình; ĐT.435 từ TP. Hòa Bình đi xã Suối Hoa (Tân Lạc); đường nối QL.6 với đường Chi Lăng (TP. Hòa Bình); cầu Hòa Bình 2...

Ngành giao thông vận tải Hòa Bình: Hoàn thiện hạ tầng đồng bộ, hiện đại

Kết cấu hạ tầng giao thông được triển khai nhanh, đồng bộ

Nhiều dự án đã có sức lan tỏa, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức PPP có sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Các dự án như: Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19 đến Km53, địa phận tỉnh Hòa Bình); đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu); đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ kết nối với quốc lộ 6… có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đặc biệt, công tác duy tu, bảo trì đường bộ sửa chữa được Sở chỉ đạo đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ triển khai thực hiện đảm bảo êm thuận, duy trì cấp đường. Đặc biệt, hàng năm, Sở đề xuất cơ quan có thẩm quyền bố trí kinh phí để sửa chữa những đoạn đường hư hỏng, mất an toàn giao thông. Sở còn chỉ đạo sát sao lực lượng thanh tra giao thông và đơn vị quản lý đường bộ tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các trường hợp xây dựng công trình trái phép trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ. Kết quả, 6 tháng đầu năm 2022, đã kiểm tra phát hiện và lập 20 biên bản xử lý các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Ngoài ra, lực lượng thanh tra giao thông tiến hành lập 244 biên bản làm việc liên quan đến vi phạm hành lang an toàn đường bộ, yêu cầu hộ vi phạm tháo dỡ công trình vi phạm theo quy định.

Thời gian tới, để triển khai đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông và triển khai nhanh, hiệu quả các dự án trên địa bàn tỉnh, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các giải pháp cần thực hiện là bám sát định hướng quy hoạch, quản lý tốt quy hoạch được phê duyệt. Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực đầu tư các dự án xây dựng hạ tầng có tính đột phá, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, góp phần nâng cao chất lượng công trình, hạ giá thành sản phẩm, rút ngắn thời gian thi công. Tạo mặt bằng sạch để phục vụ đầu tư xây dựng; giám sát, kiểm soát, quản lý chặt chất lượng nhằm đảm bảo dự án đưa vào khai thác phát huy hiệu quả đầu tư.

Sở Giao thông Vận tải Hòa Bình tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan đề xuất triển khai dự án trọng điểm để tạo đột phá mang tính liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết