Nga sau hơn 2 năm chịu lệnh trừng phạt: Sở hữu "con gà đẻ trứng vàng" mang về cả tỷ đô, bán dầu "đắt hàng như tôm tươi", "đòn" của phương Tây đã bế tắc?
Gần 2 năm rưỡi sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Nga vẫn trụ vững nhờ nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Lệnh trừng phạt không có hiệu quả?
Doanh thu xuất khẩu năng lượng của Nga trước khi bị áp lệnh trừng phạt là khoảng 1 tỷ euro (1,1 tỷ USD) mỗi ngày và sau đó là 660 triệu euro (720 triệu USD) vào tháng 6/2024. Con số này vẫn ổn định đáng kể trong 18 tháng qua. Nga cũng hiếm hoi ghi nhận mức thặng dư tài khoản vãng lai vào tháng trước. Đây là một dấu hiệu khác cho thấy xuất khẩu vẫn là thế mạnh lớn của Nga. Những lệnh trừng phạt dường như đã đi vào bế tắc.
Petras Katinas, nhà phân tích năng lượng tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), cho biết các lệnh trừng phạt của phương Tây cũng có hiệu quả nhưng không như mong đợi.
Một số “ngóc ngách” trong xuất khẩu năng lượng của Nga cũng gặp khó khăn, ví dụ như xuất khẩu khí đốt tự nhiên qua đường ống bị “cắt đứt” khỏi thị trường châu Âu. Song, xuất khẩu dầu và các sản phẩm dầu tinh chế của nước này, chiếm phần lớn doanh thu, về cơ bản vẫn ổn định sau “cú sốc” trong những tháng đầu tiên của lệnh trừng phạt. Thậm chí, lợi nhuận thu về ngân sách còn tăng cao hơn trước nhờ giá dầu leo thang.
Nỗ lực chính của phương Tây nhằm hạn chế lợi nhuận thu về từ năng lượng của Nga là một hành động nhằm cân bằng nguồn cung cho thị trường toàn cầu, trong khi áp giá trần dầu Nga ở mức 60 USD/thùng. Một số quốc gia còn muốn giá trần xuống khoảng 30 USD, song việc này sẽ gây ra khó khăn về mặt chính trị và ngoại giao.
Mức giá trần 60 USD dường như có hiệu quả ở thời gian đầu. Tuy nhiên, Nga cùng một số đồng minh trong OPEC đã đẩy giá dầu toàn cầu lên cao hơn và dầu Nga cũng tăng vượt trần. Đây gần như là diễn biến của cả năm vừa qua.
Đáng chú ý hơn, Nga đã tìm ra cách để vượt qua mức trần đó đối với xuất khẩu dầu thô, bằng cách sử dụng một “đội tàu ma” để né tránh lệnh trừng phạt của phương Tây. Nhà phân tích Katinas cho biết, khoảng 4 trong số 5 thùng dầu thô của Nga đang bán hiện được vận chuyển trên các con tàu “ma” này.
Mỹ đã có một số lần gây áp lực phần nào cho hoạt động thương mại đó bằng cách trừng phạt các tàu chở riêng lẻ. Cuối năm ngoái, Mỹ áp lệnh trừng phạt với các tàu chở dầu “ngầm” và đầu năm nay với các tàu thuộc sở hữu nhà nước của Nga.
Chính quyền cựu Tổng thống Biden đã nỗ lực thắt chặt hơn nữa các rào cản với đội tàu “ma” chở dầu. Dẫu vậy, họ cũng lo ngại các biện pháp này có thể khiến giá dầu tăng cao vào đúng thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11.
"Khách hàng" lớn nhất của Nga vẫn giúp nước này "hái ra tiền"
Tuy nhiên, Nga vẫn “kiếm bộn tiền” không chỉ nhờ dầu. Xuất khẩu khí đốt tự nhiên của nước này vẫn là một trong những “con gà đẻ trứng vàng” dù tập đoàn năng lượng Gazprom chịu ảnh hưởng và nguồn thu từ thị trường châu Âu sụt giảm. Một số quốc gia châu Âu, bao gồm Hungary, Áo và Slovakia, vẫn phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt của Nga vận chuyển qua Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ.
Xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga sang thị trường lớn nhất của nước này là châu Âu đã sụt giảm, dù EU không áp lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, sang đến năm nay, khí đốt của Nga đã “quay trở lại” với châu Âu ở dạng hoá lỏng, được làm lạnh nhanh và vận chuyển bằng tàu chở dầu thay vì đi qua các đường ống. Nhập khẩu LNG Nga của EU tăng 24% so với năm ngoái, đặc biệt là sang các nước Tây Âu lớn như Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ.
Hợp đồng bán LNG dài hạn của Nga với một số nước châu Âu được ký kết vì một số lý do. Đó là giá khí đốt của Nga thấp hơn so với trong khu vực và lý do lớn nhất là lo ngại về an ninh nguồn cung.
Anne-Sophie Corbeau, chuyên gia khí đốt tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia, cho biết: “Dù đã có rất nhiều cuộc thảo luận vào năm ngoái về việc dừng nhập khẩu LNG, nhưng vấn đề phổ biến nhất vẫn là lo ngại về an ninh nguồn cung.”
Dòng khí đốt “nhỏ giọt” của Nga đi qua Ukraine sẽ kết thúc vào cuối năm nay. Thổ Nhĩ Kỳ lại khó có thể xuất khẩu nhiều khí đốt sang Nam Âu hơn do nước này không phải là nhà sản xuất khí đốt. Hơn nữa, châu Âu cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu năng lượng vào thời điểm các lệnh trừng phạt mới có hiệu lực, khi đó giá năng lượng tăng vọt bởi những biến động ở thị trường khí đốt.
Tháng trước, EU đã thực hiện bước đi đầu tiên để “mạnh tay” hơn với Nga, khi không cấm nhập khẩu LNG mà đảm bảo rằng các cảng của châu Âu không phải là trạm xuất khẩu của Nga sang châu Á. EU cũng sẽ không đưa ra nỗ lực nào khác để nhắm đến khí đốt của Nga trong năm nay, khi Hungary đang giữ chức chủ tịch luận phiên của Hội đồng EU.
Corbeau nhận định, EU không thực sự cấm nhập khẩu mà là ngăn cản các nước khác mua LNG của Nga. Việc này khiến hoạt động xuất khẩu sang châu Á của Nga khó khăn hơn, nhưng không thể ngăn cản LNG chảy vào châu Âu.
Theo FP, bất chấp các lệnh trừng phạt chưa từng có trong nhiều năm, Nga vẫn là một trong những nhà cung cấp năng lượng lớn nhất thế giới. Năng lượng vẫn là “cỗ máy in tiền” đối với Nga.
Những biện pháp trừng phạt của phương Tây có hiệu quả tương đối hạn chế. Họ không thể “chặn đứng” hoạt động thương mại của Nga ở các lĩnh vực khác, từ máy móc của phương Tây được vận chuyển qua Trung Á cho đến linh kiện công nghệ cao của Trung Quốc.